Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:22
RSS

Hơn 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng: Không vào đại học, chưa chắc đã học nghề?

Thứ năm, 25/08/2022, 11:13 (GMT+7)

315.993 thí sinh ban đầu có dự kiến đăng ký xét tuyển vào đại học nhưng sau đó đã không nhập nguyện vọng đăng ký xét tuyển lên Hệ thống. Vậy thí sinh đã chuyển hướng đi đâu?

Thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học đã có bước lùi an toàn

Trao đổi với PV báo Dân Việt, Thạc sĩ Cao Quảng Tư, Giám đốc Tuyển sinh, Trường Đại học quốc tế Sài Gòn cho hay: "Qua số liệu này có thể thấy các em thí sinh đã hình dung năng lực của mình để có sự lựa chọn bậc học phù hợp. Vì những em không đăng ký có mức điểm tổ hợp không cao, trong khi đó điểm sàn năm nay biên độ tăng cũng nhiều hơn năm trước. Các em có thể đã tính toán để có bước lùi an toàn cho bản thân".

Thạc sĩ Cao Quảng Tư cho biết thêm: "Tôi nhận định số thí sinh trên có lẽ đã chọn cho mình hướng học khác. Dẫn chứng như hiện tại các trường cao đẳng đã tiến hành thủ tục nhập học cho các thí sinh. Bên cạnh đó, hệ thống các trường đào tạo chương trình nước ngoài hiện nay đang phát triển mạnh và trở thành xu hướng cho sinh viên "du học tại chỗ". Hệ thống trường/chương trình này thu hút lượng thí sinh không nhỏ và không phụ thuộc vào lịch trình tuyển sinh chung hiện nay của Bộ GDĐT. Ngoài ra, nhiều thí sinh đã chọn hướng du học trong tình hình dịch bệnh được kiểm soát...


Thí sinh ở Hà Nội tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022. Ảnh: Phạm Hưng

Nếu tình hình đúng như tôi dự đoán thì chúng ta đã có sự phân hóa khá tốt ở các bậc học. Đồng thời cũng chứng minh cho quan điểm hiện nay, đại học không phải là con đường duy nhất của các bạn trẻ sau khi hoàn thành bậc THPT".

Thầy Đỗ Ngọc Hà, giáo viên Vật lý ở Hà Nội đưa ý kiến: "Con số 300.000 thí sinh không đăng ký nguyện vọng đó là bình thường. Thống kê này cho thấy điểm các tổ hợp của các thí sinh không đăng ký xét tuyển đều hầu hết ở mức thấp hơn mức điểm trung vị và điểm trung bình của phổ điểm thi tốt nghiệp THPT.

Nhất là ở các khối A0, A1 và B0 thì các mức điểm đại đa số là rất thấp, thấp hơn mức điểm trung vị, điểm trung bình và thấp hơn 15 điểm/tổ hợp. Như vậy, nguyên nhân chủ yếu là do các thí sinh điểm thấp nên không đỗ phải chuyển hướng khác chứ không phải do các thí sinh "chán học đại học" hay "đủ điểm nhưng đi học nghề hết". Các lý do như du học, không có điều kiện… cũng có nhưng chỉ là phần nhỏ".

Theo thầy Hà, việc chuyển dịch từ đại học sang học nghề hay các lựa chọn khác đã và đang thực hiện từ mấy năm qua chứ không phải riêng năm nay.

"Học sinh chưa chắc đã học nghề khi không vào đại học"

Liên quan đến vấn về hơn 300.000 thí sinh sẽ đi đâu khi không đăng ký xét tuyển nguyện vọng, chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS Nguyễn Xuân Sang, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng công nghệ và Thương mại Hà Nội cho hay: "Số liệu tuyển sinh hàng năm vào đại học cho thấy, vài năm trở lại đây cơ bản ổn định trong khoảng 600.000 thí sinh. Còn khoảng hơn 300.000 thí sinh được chia cho các hướng khác như xuất khẩu lao động, du học, học nghề, đi làm luôn tại doanh nghiệp, đi nghĩa vụ công an, quân đội...".

Nói về lý do một số tỉnh, thành có tỷ lệ cao không đăng ký xét tuyển như Hà Nội, Thanh Hoá, Nghệ An, TS Sang cho rằng, có thể có những lý do chính như các em đi du học, đi làm luôn tại các khu công nghiệp, nhà máy.


Thí sinh thi môn Ngữ văn tại điểm thi trường THCS&THPT Nguyễn Tất Thành (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: Phạm Hưng

Hiện tại có nhiều ý kiến cho rằng thí sinh không đăng ký nguyện vọng vào đại học đã "chuyển sang học nghề" hay "xu hướng xã hội thay đổi", TS Sang nêu quan điểm: "Tôi cho rằng không đúng hẳn bởi cứ thống kê chính xác số lượng thí sinh tại các trường trung cấp, cao đẳng sẽ thấy có bao nhiêu % em chuyển sang học nghề. Con số dịch chuyển sang học nghề không lớn thể hiện rõ qua công tác tuyển sinh đào tạo nghề những năm qua, nhất là đào tạo bậc cao đẳng có xu hướng giảm".

Theo TS Sang: "Tâm lý học nghề là con đường cuối cùng nếu không vào được đại học vẫn đè nặng lên một bộ phận không nhỏ nhân dân. Con số học nghề vô cùng khiêm tốn dẫn tới cơ cấu lao động hình nón bị đảo lộn. Thay vào đó, xu hướng học ngắn hạn tăng hơn vì càng ngày tính chuyên môn hóa càng tăng, người lao động được phân công theo mảng, công đoạn nên các doanh nghiệp tự đào tạo khá nhiều. Cơ hội học tập được mở rộng không chỉ trong nước, các trường nước ngoài cũng vươn bàn tay để "xuất khẩu" giáo dục theo nhiều hình thức: du học tại chỗ, liên kết… nên học sinh chưa chắc đã học nghề khi không vào đại học".

TS Lê Viết Khuyến, Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, chuyên gia kỳ cựu trong lĩnh vực giáo dục đại học cũng nêu quan điểm: "Không phải cứ tốt nghiệp THPT là vào đại học hết. Cơ cấu nhân lực phải cân đối hài hòa các vị trí có thợ, kỹ thuật, chuyên viên... Thế nên tỉ lệ thí sinh không đăng ký thi đại học đó là chuyện bình thường. 

Nhiều thí sinh không đăng ký xét tuyển đại học nhưng họ cũng không đăng ký học nghề ở các trường cao đẳng, trung cấp. Thực tế hiện nay Việt Nam đang có tình trạng các doanh nghiệp ở các khu công nghiệp tuyển dụng trực tiếp những người tốt nghiệp THPT sau đó tự đào tạo ngắn hạn rồi cho đi làm luôn. Như vậy chứng tỏ chất lượng đào tạo và định hướng phân luồng của chúng ta chưa đáp ứng được yêu cầu nhân lực". 

Theo số liệu thống kê của Bộ GDĐT, năm 2020, số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển trên Hệ thống là 642.270, năm 2021 số lượng là 794.739. Như vậy, số thí sinh đăng ký xét tuyển năm 2022 giảm so với năm 2021 khoảng 20% và chỉ giảm 3,4% so với năm 2020.

Bộ GDĐT cho rằng, điểm khác biệt căn bản trong việc đăng ký xét tuyển năm 2022 là thí sinh đăng ký nguyện vọng lên Hệ thống sau khi đã biết kết quả thi tốt nghiệp THPT. Số liệu năm 2022 thể hiện con số thực chất, thực lực của thí sinh có khả năng cạnh tranh xét tuyển vào đại học, mong muốn vào học đại học sau khi đã có đầy đủ thông tin về kết quả thi tốt nghiệp THPT (kể cả điểm sau phúc khảo). Đây là tín hiệu tích cực thể hiện các định hướng và quyết định chủ động của thí sinh khi có đủ thông tin.

 

Tào Nga
Theo Dân Việt