Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:31
RSS

Rút ngắn thời gian nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19

Thứ hai, 22/02/2021, 07:19 (GMT+7)

Cuối tháng 2/2021, giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine ngừa Covid-19 Nano Covax được bắt đầu. Cùng thời điểm, những liều vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên cũng sẽ được nhập khẩu về Việt Nam.

Rút ngắn thời gian nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19
Vaccine Nano Covax do Việt Nam điều chế đã bước vào giai đoạn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2.

Thông tin từ Cục Khoa học - công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế, giai đoạn 2 thử nghiệm vaccine Nano Covax - vaccine phòng Covid-19 do Công ty Nanogen sản xuất sẽ được tiêm thử nghiệm cho trên 560 người tình nguyện từ 18 đến 65 tuổi. Dự kiến, cuối tháng này sẽ tiêm mũi thử nghiệm Nano Covax giai đoạn 2 đầu tiên.

Rút ngắn một nửa thời gian

Để đẩy nhanh tiến độ và rút ngắn thời gian nghiên cứu, việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2 được tổ chức tại 2 điểm cầu: Học viện Quân y, Bộ Quốc phòng và Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh (cùng tham gia vào nghiên cứu, thực hiện tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An). Qua tính toán sơ bộ ban đầu, việc nghiên cứu tại 2 địa điểm có thể rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu, còn 3 tháng thay vì 6 tháng.

Ông Nguyễn Ngô Quang, Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo, Bộ Y tế chia sẻ, số lượng tình nguyện viên đăng ký nghiên cứu giai đoạn 2 đã đạt gần 1.000 người, trong đó có khoảng 400 tình nguyện viên đăng ký tại Học viện Quân y, hơn 500 đối tượng tại Bến Lức, tỉnh Long An. 

Rút ngắn thời gian nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19
Ảnh: VGP.

Dự kiến, ngày 26/2, sẽ tổ chức tiêm mũi vaccine đầu tiên của giai đoạn 2 tại huyện Bến Lức, tỉnh Long An; đúng theo tiến độ, vào cuối tháng 3/2021 sẽ tiêm mũi vaccine thứ 2. Đến cuối tháng 4/2021 có kết quả nghiên cứu của giai đoạn 2 đáp ứng được yêu cầu liên quan đến tính an toàn và đặc biệt, tính sinh miễn dịch, sẽ chuyển sang giai đoạn 3 trong đầu tháng 5/2021.

Với tiến độ triển khai như hiện nay, Bộ Y tế hy vọng, Việt  Nam sẽ cần khoảng 4-5 tháng để kết thúc giai đoạn 3.

“Như vậy, so với tiến độ ban đầu, Bộ Y tế đã phối hợp với các đơn vị triển khai, rút ngắn 50% thời gian nghiên cứu vaccine Nano Covax “made in Việt Nam” phòng Covid-19 nhưng vẫn đảm bảo các điều kiện liên quan đến tính khoa học, quy trình”- Phó Cục trưởng Cục Khoa học Công nghệ và Đào tạo cho hay.

Cũng theo ông Quang, trong giai đoạn 3 của thử nghiệm lâm sàng dự kiến khoảng tháng 5/2021, vaccine Covid-19 đã có thể tiêm cho những người có nguy cơ cao như: Nhân viên cảng hàng không, tiếp viên, các lực lượng trực tiếp tham gia chống dịch.

Nano Covax là vaccine ngừa Covid-19 đầu tiên do Việt  Nam nghiên cứu, sản xuất được Bộ Y tế cấp phép thử nghiệm lâm sàng.

Trước đó, ngày 17/12/2020, Học viện Quân y (Bộ Quốc phòng) đã chính thức thực hiện nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 vaccine Nano Covax đối với 60 tình nguyện viên.

Trong giai đoạn 1, vaccine Covid-19 Nano Covax do Công ty Nanogen sản xuất đã cho kết quả an toàn.

Với 3 liều tiêm: 25 mcg, 50 mcg và 75 mcg, vaccine cho thấy đều sinh miễn dịch tốt; trong đó, tỷ lệ có đáp ứng sinh miễn dịch (tức là có khả năng bảo vệ người tiêm không bị nhiễm SARS-CoV-2) lên đến 90%. Liều tối ưu là những người được tiêm ở mức liều 75 mcg.

Cùng với vaccine Nano Covax, tiến độ sản xuất vaccine Covivac của Viện Vaccine và Sinh phẩm y tế (ivac), Bộ Y tế và vaccine của Công ty TNHH MTV Vaccine và Sinh phẩm số 1 (Vabiotech) đang tiến hành theo đúng kế hoạch, chuẩn bị tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1.

Rút ngắn thời gian nghiên cứu vaccine ngừa Covid-19
Học viện Quân y được Bộ Y tế cho phép thử nghiệm vaccine Covid-19 Nano Covax do Công ty Nanogen nghiên cứu, phát triển.

Năm 2021, Việt  Nam nhập 60 triệu liều vaccine ngừa Covid-19

Theo Bộ Y tế, cơ quan này đã đàm phán với Covax (cơ chế tiếp cận vaccine phòng Covid-19 toàn cầu do Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khởi xướng. Đơn vị này đã cam kết sẽ cung cấp 30 triệu liều trong năm 2021, dành cho 6 tháng cuối năm. Bộ Y tế cũng đã tiến hành cam kết với AstraZeneca là 30 triệu liều. Như vậy, tổng số trong năm 2021, Việt  Nam có 60 triệu liều.

Gần nhất, Bộ Y tế đã đồng ý cho Công ty TNHH AstraZeneca Việt Nam nhập khẩu 204.000 liều vaccine Covid-19 để phục vụ nhu cầu khẩn cấp chống dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long chia sẻ, Việt  Nam sẽ ưu tiên tiêm cho khu vực có dịch và có nguy cơ cao. Bộ Y tế sẽ có báo cáo với Chính phủ cụ thể về việc ưu tiên này, để bảo đảm việc tiêm vaccine có hiệu quả trong phòng, chống dịch.

Về cơ chế cấp phép, Bộ Y tế đã thực hiện cơ chế nhập khẩu vaccine khẩn cấp. Trong vòng năm ngày, Bộ Y tế phải thực hiện tất cả quy trình hồ sơ, dữ liệu lâm sàng, thẩm định chất lượng vaccine để cấp phép sớm, trên tinh thần giảm tối đa thủ tục hành chính theo cơ chế khẩn cấp và có chỉ đạo quyết liệt với việc cấp phép này.

“Chúng tôi khuyến khích các đơn vị có nguồn vaccine có thể trao đổi chặt chẽ với Bộ Y tế trong vấn đề nhập khẩu để bảo đảm có vaccine cho người dân. Chúng ta cố gắng bảo đảm trong năm 2021, người dân Việt  Nam được tiếp cận vaccine đầy đủ để tái khởi động nền kinh tế, thực hiện thắng lợi mục tiêu theo Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng” - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nói.

ĐỨC TRÂN
Theo Đại Đoàn kết