Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:08
RSS

Rùng mình công thức hô biến dầu bẩn thành dầu “xịn”

Thứ bảy, 07/04/2018, 10:49 (GMT+7)

Những lít dầu ăn bẩn “ngụy trang” dầu ăn chính hãng ra lò. Để khách hàng yên tâm về chất lượng, người bán cho dầu ăn giá rẻ vào những can nhựa của các hãng dầu thương hiệu rồi bày bán tràn lan tại các chợ.

Rùng mình công thức hô biến dầu bẩn thành dầu xịn
Rùng mình công thức hô biến dầu bẩn thành dầu “xịn”

60 phút cho ra 300 lít dầu ăn “chính hãng”

Theo nhiều tiểu thương kinh doanh dầu ăn giá rẻ tại TP.HCM, hiện trên thị trường bày bán 3 loại dầu ăn không rõ nguồn gốc. Một là, dầu ăn được tận thu từ cống rãnh, cống nước thải của các nhà hàng, khách sạn lớn. 

Hai là, dầu ăn được sản xuất từ nhiều nguyên liệu khác nhau, dầu ăn thải từ các điểm ăn uống lớn, sau đó được mang về tái chế, trộn hóa chất tạo màu, hóa chất bảo quản. 

Ba là, dầu ăn được tinh lọc từ những mỡ động vật đã bắt đầu có dấu hiệu ôi thiu hoặc không được sơ chế trước. Tuy nhiên, người bán mặt hàng này cũng rất khó phân biệt dầu ăn mình đang bán thuộc loại nào. Lý do là loại dầu nào cũng có màu vàng nhờ nhợ như nhau, được các cơ sở phân phối “nổ” những công dụng như nhau.

Trao đổi với PV báo CL&XH, anh Nguyễn Tín (người từng làm việc trong một cơ sở tái chế dầu ăn tại quận Tân Phú, TP.HCM) tiết lộ: “Lượng dầu thải được nhập hằng ngày không nhiều lắm, do đó thường thì hai ngày cơ sở tái chế dầu ăn giá rẻ mới tiến hành “sản xuất” một lần. 

Dầu thải tại các nhà hàng, quán ăn, khách sạn khi mua về được dựng trong những thùng nhựa lớn, khi đủ số lít thì trộn tất cả vào một chảo lớn chứa được khoảng 350 lít. 

Chảo dầu ăn thải này sau đó được nấu sôi lên một lúc rồi để cho nguội dần. Sau khi nhiệt độ xuống còn khoảng 300C, các nhân viên tiến hành trộn khoảng một bao hóa chất dạng bột (loại 25kg) và khuấy đều. 

Những người mới làm được hướng dẫn như thế và làm theo chứ hoàn toàn không biết bao hóa chất trộn vào chảo dầu là hóa chất gì, có nguy hại cho sức khỏe con người hay không”.

Dầu ăn giá rẻ được bày bán tràn lan 

Cũng theo anh Tín, sau khi trộn hóa chất vào dầu thì chảo dầu được tiếp tục nấu sôi cho đến khi dầu đạt được màu vàng bắt mắt nhất. Người làm tiếp tục để dầu lắng lại và múc ra từng ca đổ vào chai hay can của nhiều hãng dầu ăn thương hiệu khác nhau rồi chờ người đến lấy hàng.

 “Để dầu không cặn, người sản xuất thường lọc dầu ăn bằng nhiều lớp vải màn. Cứ thế, sau bốn công đoạn từ nấu sôi dầu, trộn hóa chất, rồi lại nấu sôi và lọc, cơ sở sản xuất dầu ăn từ nguồn dầu thải đã cho ra lò được khoảng 300 lít dầu “thành phẩm”. 

Để cho ra lò khoảng 300 lít dầu ăn giá rẻ, các công nhân chỉ mất vỏn vẹn khoảng 60 phút cho công đoạn hô biến dầu ăn thải thành dầu ăn “xịn” rồi đưa đi phân phối tại các điểm bán.

Theo anh T.G. (người chuyên thu gom mỡ heo tại các lò mổ): “Mỡ heo có nhiều loại, loại bản dày có giá từ 5.000 – 9.000 đồng/kg, mỡ dư, mỡ bèo nhèo có giá dưới 5.000 đồng/kg, mỡ ế, lên mùi tại các chợ thì giá rẻ hơn nữa. Mỡ heo được thu gom và nhập cho một cơ sở tinh chế dầu ăn tại huyện Hóc Môn (TP. HCM).

Mỗi ngày có nhiều người đến nhập với số lượng lớn. Mỡ heo hay mỡ động vật được các cơ sở tư nhân này nấu để lấy mỡ nước. Dù nhập mỡ heo cho cơ sở làm dầu ăn nhiều tháng nay nhưng chưa một lần tôi được họ cho xem quy trình sản xuất dầu ăn của họ.

Thông thường, mỡ động vật khi nấu chảy thành nước chỉ sau một thời gian ngắn sẽ bị cô đặc. Do đó, để giữ cho mỡ không bị đông, các cơ sở chế biến thường sử dụng hóa chất chống kết đông và một số chất phụ gia khác để bảo quản”.

Độc chiêu ngụy trang

Những lít dầu ăn giá rẻ khi ra lò được “đầu tư” kỹ từ cách phân phối, nhãn mác, lên giá bán và cách thức “thuyết giáo” để bán được hàng một cách nhanh nhất, có lời nhất. Chị N.T.H. (tiểu thương tại chợ Hòa Hưng, quận 10, TP.HCM) cho biết: “Nếu lấy dầu ăn ngay tại các cơ sở tái chế thì giá vào khoảng15.000 đồng/lít. 

Giá bán hiện nay tại chợ trung bình khoảng 24.000 đồng/lít là bởi dầu ăn bẩn giá rẻ đã qua khá nhiều khâu trung gian, “quy trình” đóng gói và tiền thế chân bình, can. 

Với công nghệ hiện đại như hiện nay, để dập mác một chai dầu ăn giống với dầu ăn chính hãng là điều không khó, điều này khiến khách hàng khó phân biệt được đâu là dầu ăn bẩn, đâu là dầu ăn chính hãng”.

Khảo sát tại các chợ trên địa bàn TP.HCM như: chợ Bình Tây (quận 6); chợ Kim Biên, chợ An Đông (quận 5); chợ Nhật Tảo, chợ Nguyễn Tri Phương (quận 10); chợ Tân Định (quận 1); chợ Phạm Thế Hiển (quận 8); chợ Vườn Chuối, chợ Bàn Cờ (quận 3)… thấy nhiều tiểu thương vẫn cho bày bán dầu ăn giá rẻ. Điều đặc biệt là không phải ngày nào họ cũng bán mà có ngày bán, ngày không. 

Những chai dầu ăn mang nhãn của các hãng thương hiệu lớn, đóng chai một cách cẩn thận giống như dầu chính hãng được bày bán công khai. Tuy nhiên, giá cả lại rẻ hơn phân nửa so với các loại dầu bán trong siêu thị. Lý giải điều này, một tiểu thương tại chợ Bình Tây cho rằng, do lấy được nguồn hàng rẻ nên bán giá rẻ để thu hút khách hàng.

Để “hô biến” loại dầu ăn tái chế thành dầu “xịn”, các cơ sở bán hàng thu gom nhiều chai, can nhựa đã qua sử dụng của các hãng dầu uy tín để mang về tự sang chiết, đóng chai bán ra thị trường. 

Tại các quầy dầu ăn giá rẻ được bán tại các chợ, rất nhiều chai nhựa của các hãng dầu ăn có thương hiệu như: Simply, Neptune, Mezan, Tường An, Marvela, Oilla, Soon Soon, Otran, Eliza, Chica, VinaCooking Oil… được tận dụng để đựng dầu ăn giá rẻ nhằm hợp thức hóa nguồn gốc xuất xứ của các loại dầu ăn tái chế được sản xuất tại các cơ sở tư nhân. 

Như vậy, thùng can thải loại sau sử dụng của các nhãn hiệu này vẫn tiếp tục được khai thác chức năng và thương hiệu in nổi để làm giàu cho tiểu thương và các cơ sở làm ăn gian dối.

Để những can dầu ăn giá rẻ được bán tại các chợ, nhiều cơ sở sản xuất và các tại lý phân phối đã phải “chạy trốn” nhiều đoàn kiểm tra và tai mắt dư luận. 

Anh N.C.Đ. (nhân viên giao hàng của đại lý phân phối dầu ăn giá rẻ S.K.) cho biết: “Thường một cơ sở lớn phân ra nhiều đại lý con, mục đích là nếu bị phát hiện thì số dầu bị tịch thu ít, tiền phạt thấp và quan trọng là không lòi ra cơ sở “mẹ”. 

Còn những cơ sở sản xuất thì chọn những địa bàn thưa dân cư hoặc nhà xưởng khép kín để tránh sự dòm ngó của những người xung quanh. Những đại lý phân phối dầu ăn giá rẻ vẫn được đăng ký với các cơ quan chức năng, nhưng thường thì đăng ký nơi này, lại đặt cơ sở ở nơi khác hòng tránh sự kiểm tra đột xuất”.

Tại một cửa hàng bán dầu ăn giá rẻ theo can lớn ở chợ Bình Tây, PV hỏi mua một lít dầu ăn giá rẻ về dùng thử thì được hỏi: “Có chai không?”. “Nếu không có chai thì không bán được”, chủ cửa hàng này cho biết. Khi PV đề nghị được cửa hàng giao hàng tận nơi với số lượng khoảng 30 lít thì chủ cửa hàng từ chối sau khi đưa ánh nhìn dò xét, thiếu tin tưởng về phía PV.

Theo quan sát tại cửa hàng này, các chai dầu ăn giá rẻ loại 2 lít được chưng chung với các loại dầu ăn thương hiệu khác, mục đích là để đánh lừa khách hàng và cả các đoàn kiểm tra. 

“Dầu ăn bẩn và dầu ăn sạch được chưng trộn lẫn vào nhau, chỉ cần nhìn màu của dầu là biết đâu là hàng thật, đâu là hàng tái chế. Dầu ăn bẩn chỉ bán cho khách quen hay những người thật sự có nhu cầu sau khi hỏi kỹ và dò xét cẩn thận”, một tiểu thương cho biết.

Vừa qua, Trạm Thú y huyện Bình Chánh (Chi cục Thú y TP.HCM) kiểm tra đột xuất một cơ sở chuyên thu gom mỡ thối về sản xuất dầu ăn bẩn ở xã Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) do ông Phan Văn Nghịch (29 tuổi, quê tỉnh Phú Yên) làm chủ. 

Thời điểm kiểm tra, Trạm xác định cơ sở này chứa 486kg mỡ tươi đang được công nhân pha lóc trên nền nhà dơ bẩn, 200kg mỡ phụ phẩm ướp bảo quản trong 5 thùng xốp bốc mùi hôi thối, 600kg tóp mỡ (ép thành bánh) và 7 can dầu (loại can 25 lít). Theo các công nhân làm việc tại đây, cơ sở hoạt động được 4 tháng. Nguyên liệu mỡ, da heo thối được thu gom từ các sạp bán thịt heo ở chợ Tân Xuân và các chợ đầu mối với giá từ 5.000 đến 10.000 đồng/1kg. 

Mỡ và da heo thối gom về được bỏ vào hai nồi lớn nấu trong vòng 4 tiếng, sau đó cho vào hai khuôn sắt ép trong vòng một tiếng để cho ra dầu thành phẩm. Mỗi ngày lò này sản xuất được khoảng 400kg mỡ, da heo, cho ra thành phẩm là 100 lít dầu ăn, giá bán 25.000 đồng/lít.


Xem thêm: Lương y chia sẻ công thức pha nước uống từ nghệ giúp khỏi hẳn bệnh đau dạ dày

Nhóm PVĐT
Theo Báo điện tử Công lý Xã hội

CÙNG CHUYÊN MỤC

Các chiêu thức mạo danh trên mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến đang ngày càng phổ biến. Để người dùng tránh “sập bẫy”, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) mới đây đã cảnh báo về một loạt hành vi lừa đảo mạo danh OpenAI và Cục Đăng kiểm nhằm đánh vào lòng tin của người dùng.