Thứ hai, 25/11/2024 | 15:51
RSS

Rối loạn tâm thần vì hít bóng cười

Thứ năm, 01/08/2024, 11:05 (GMT+7)

Bất chấp cảnh báo từ các cơ quan chức năng, ở thời điểm hiện tại, vẫn có một bộ phận không nhỏ giới trẻ sử dụng bóng cười trong các cuộc vui. Không hiếm trường hợp đã phải gánh chịu hậu quả nghiêm trọng tới sức khỏe.

Bệnh nhân nhập viện vì ngộ độc khí N2O trong bóng cười. Ảnh: BV Việt Tiệp - Hải Phòng.

Bóng cười là quả bóng được bơm đầy khí N2O - một loại hóa chất không màu, có vị hơi ngọt được sử dụng trong y tế với đặc tính giảm đau và gây mê, và được sử dụng thương mại trong ngành công nghiệp ăn uống để sản xuất kem tạo bọt.

Thực tế cho thấy, bóng cười gây nhiều hệ lụy cho giới trẻ, như giảm tầm nhìn, giảm thính giác, dùng thời gian dài có thể dẫn đến những hậu quả khôn lường cho hệ thần kinh, hệ tim mạch thậm chí là gây tử vong.

Bệnh viện Quân y 7A - TPHCM mới đây đã tiếp nhận một bệnh nhân nữ (26 tuổi) có biểu hiện tê chi dưới tăng dần, cảm giác như kim châm, đi lại khó khăn, các biểu hiện này tăng dần và kèm theo rối loạn chức năng cơ vòng (rối loạn tiêu tiểu).

Phát hiện, xử lý quán bar phục vụ bóng cười cho khách tại chỗ ở Hà Nội. Nguồn: CATPHN.

Bệnh nhân phát hiện các triệu chứng này trước nhập viện 15 ngày sau khi sử dụng khoảng 6-7 quả bóng có chứa khí N2O trong 2 ngày liên tiếp, các biểu hiện này tăng dần nhưng bệnh nhân không đi khám bệnh, khoảng 1 tuần sau khi các biểu hiện tê bì tăng và khó khăn trong vận động, bệnh nhân tự mua thuốc điều trị, khi bệnh tiến triển nặng hơn, bệnh nhân mới tới Bệnh viện Quân y 7A khám ở ngày thứ 15 của bệnh.

Khai thác tiền sử cho thấy, bệnh nhân thường xuyên sử dụng khí N2O trong các buổi tiệc khoảng 5 năm trước khi nhập viện (khoảng 2-3 lần/tuần), mỗi lần bệnh nhân sử dụng 5-7 quả bóng.

Theo BS Kiều Mạnh Hà - Chủ nhiệm Khoa thần kinh, Bệnh viện Quân y 7A, ngộ độc khi hít bóng cười rất nguy hiểm, nhẹ thì có biểu hiện tê chân tay, giảm trí nhớ, rối loạn nhịp tim, suy giảm sức khỏe nặng thì tổn thương nghiêm trọng đến hệ thống tủy sống, tổn thương não và rối loạn tâm thần. Nhiều bệnh nhân bị ảnh hưởng nặng khó hồi phục, bị tàn phế suốt đời. Thậm chí người bệnh có thể tử vong nếu chậm điều trị.

Trong khi đó, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai mới đây cũng cho hay đã tiếp nhận không ít trường hợp bị ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần do sử dụng bóng cười. Điển hình, nam bệnh nhân (22 tuổi) đến khám vì tê bì, yếu 2 chân và rơi vào trạng thái hoang tưởng. Vài năm nay, bệnh nhân thường xuyên dùng bóng cười, mỗi lần liên tục 30-40 quả. Thời gian gần đây, bệnh nhân cảm thấy mệt mỏi nhiều, tê bì, yếu 2 chân, kèm theo cảm giác có người muốn hại mình, theo dõi mình.

Nói về hậu quả của bóng cười, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Hầu hết các bệnh nhân ngộ độc khí N2O đều có tổn thương rất nặng nề tại hệ thống thần kinh khi đến viện. Biểu hiện cụ thể là rối loạn cảm giác, tê bì, mất cảm giác và đặc biệt là liệt tất cả các cơ. Đa phần các trường hợp không thể đi lại được, không thể đứng được. Thậm chí có trường hợp ảnh hưởng đến nguy cơ chức năng thở, có nghĩa là các cơ hô hấp cũng bị liệt, ăn uống khó khăn, liên tục bị sặc. Chụp từ đốt sống cổ, chụp não cho thấy tổn thương rất nặng nề với tủy sống cổ và với não. Cũng có những bệnh nhân rối loạn tâm thần, phải dùng thuốc giải độc nhiều ngày và quá trình hồi phục rất khó khăn.

Theo các chuyên gia y tế, khi sử dụng bóng cười, khí cười tạo ra sự hưng phấn ảo, sử dụng nhiều có thể gây nghiện, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hệ thần kinh. Tùy cơ địa, bóng cười khiến người dùng lờ đờ, ngơ ngơ, đi đứng loạng choạng, rối loạn giấc ngủ, rối loạn nhịp tim, thiếu máu. Khi đó, dây thần kinh ngoại biên cũng như dây thần kinh thực vật giảm hoạt động, bị trơ hoặc mệt mỏi…

Trước những hậu quả khó lường như kể trên, các bác sĩ khuyến cáo, người dân không nên giải trí bằng bóng cười, không nên thử rồi thành thật, bị lạm dụng lúc nào không hay. Ngay cả khi sử dụng ở nồng độ thấp thì người dùng cũng sẽ bị giảm nhận thức, tầm nhìn và thính giác. Với những người bị bệnh về tim mạch, hen suyễn và các bệnh liên quan tới đường hô hấp nếu sử dụng và tiếp xúc với khí N2O có thể bị nguy hiểm tới tính mạng. Đáng sợ là khí N2O cũng có thể gây ảo giác, có dấu hiệu tượng tự như ma túy tổng hợp và cũng gây nghiện. Đồng thời, nên có lối sống lành mạnh như tập thể dục thể thao ăn uống và sinh hoạt điều độ, thường xuyên kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Theo BSCKII Vũ Văn Hoài - đơn nguyên Sử dụng chất và y học hành vi, Viện Sức khỏe tâm thần, Bệnh viện Bạch Mai, một số người trẻ thường nghĩ, việc dùng bóng cười chỉ cho vui, tạo những cảm giác khác lạ trong cuộc sống, tăng sáng tạo; hút bóng cười không gây hại, không nguy hiểm. Đây là những quan điểm sai lầm. Việc sử dụng khí cười có thể gây các hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe thể chất và tâm thần cho người sử dụng, thậm chí có thể dẫn đến tử vong.

Đức Trân
Theo Đại Đoàn Kết