Hà Nội từ xưa vẫn đẹp và dịu dàng trong những câu ca, những lời văn, được ví như "nàng thơ" của đất nước. Tuy nhiên, thời gian gần đây Hà Nội đang khiến mọi người cảm thấy áp lực và lo lắng bởi vấn đề ô nhiễm. Từ nguồn nước, thực phẩm rồi tới cả không khí, Hà Nội hiện tại đã không còn thơ mộng mà còn chỉ cần "ngáp cũng chết".
Tình trạng ô nhiễm không khí
Từ 5 năm trước, Hà Nội đã được coi là thành phố đứng đầu về ô nhiễm không khí ở khu vực Đông Nam Á. Theo ông Jacques Moussafir, Hà Nội đứng đầu về ô nhiễm không khí ở toàn khu vực Châu Á.
Theo GS. TS. Nguyễn Hữu Ninh thì Hà Nội là nơi có không khí đáng báo động do vấn đề ô nhiễm nghiêm trọng. Ông Ninh cho biết, ô nhiễm không khí ở Hà Nội xảy ra là do phương tiện giao thông các khu công nghiệp...
Tình trạng ô nhiễm không khí đang diễn ra ở Hà Nội. Ảnh: Daikynghuyenvn.com
Ông Ninh cho rằng việc đeo khẩu trang, kính râm của chị em phụ nữ hiện tại chỉ chống lại được một số vi khuẩn, bụi chứ không hoàn toàn. Tuy nhiên, đeo khẩu trang khi ra đường là điều cần thiết với mỗi người để phần nào giảm bớt lượng khí thải tác động vào cơ thể con người.
Còn theo GS. TS. Vũ Hoan - Chủ tịch Liên hiệp các hội Khoa học Kỹ thuật Hà Nội cũng đã chia sẻ về tình trạng ô nhiễm ở Hà Nội hiện tại: “Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường không khí Hà Nội đang ở mức báo động đỏ. Nồng độ bụi lơ lửng ở các quận nội thành đều vượt quá tiêu chuẩn cho phép 5–6 lần thậm chí có nơi trên 10 lần. Lượng khí thải độc hại như CO2, SO2, CO3, NO, CO… ngày càng gia tăng và tác động tiêu cực tới con người, môi trường.
Vào giờ cao điểm, nồng độ bụi tính trung bình của riêng TP Hà Nội gấp 4 lần tiêu chuẩn cho phép, nồng độ khí CO cao hơn 2,5 lần, hơi xăng cao hơn 12,1 – 2000 lần tiêu chuẩn cho phép. Người dân sống quanh các điểm nóng giao thông có biểu hiện triệu chứng rõ tới sức khoẻ như kích thích các hệ cơ quan mắt, mũi, họng, da và thần kinh thực vật“.
Tình trạng ô nhiễm nước
Nước ở Hà Nội hiện tại không còn vừa trong vừa mát nữa mà trở thành một "lưỡi hái tử thần" mang con người đến gần hơn với thần chết.
Tiêu biểu nhất cho việc ô nhiễm nguồn nước chính là hình ảnh của sông Tô Lịch. Con sông trong thơ ca ngày xưa đẹp bao nhiêu thì ngày nay đen kịt, hôi thối bấy nhiêu.
Nước sông Tô Lịch ô nhiễm tới nỗi không một sinh vật sống nào có thể tồn tại dưới lòng sông. Tất cả những gì mọi người nhìn thấy là mùi hôi thối của rác thải, của nước thải sinh hoạt.
Dòng sông bị ô nhiễm khiến nước sinh hoạt của những hộ gia đình cũng chẳng còn sạch sẽ. Ở Thanh Oai có nhánh sông Nhuệ đổ vào, thay vì là công cụ nuôi sống người dân ở đây thì nó lại trở thành thứ "mầm bệnh".
Ô nhiễm nguồn nước cũng đang là vấn đề nóng ở Hà Nội. Ảnh: Daikynghuyenvn.com
Sau khi lấy mẫu kiểm tra, kết quả cho thấy giếng nước ở Thanh oai đã bị vẩn đục, có mùi hôi và độ nhiễm asen vượt mức cho phép rất nhiều.
Không chỉ ở Thanh Oai, mà trên địa bàn Hà Nội có tới 95% số hồ nước, sông đều bị ô nhiễm nghiêm trọng ảnh hưởng tới sức khỏe và cuộc sống của người dân.
Thực phẩm bẩn tràn lan
Tình trạng thực phẩm bẩn không còn là vấn đề mới mẻ nhưng luôn khiến người quản lý phải đau đầu. Những loại thực phẩm này thường không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng.
Những loại thực phẩm này thường có chứa lượng thuốc kích thích tăng trưởng, cám tăng trưởng, chất tẩy rửa ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng.
Tình trạng thực phẩm bẩn đang khiến người dân hoang mang.
Hơn nữa, tình trạng ngộ độc do ăn phải những loại thực phẩm không đảm bảo khiến người dân hoang mang. Trong khi đó, những thông tin liên quan tới chất lượng, nguồn gốc của thực phẩm còn gây nhiều tranh cãi.