Sự việc xảy ra vào khoảng 9h sáng nay (24/10), một lượng đất đá trên núi đã sạt lở làm sập phần sau nhà của 6 hộ dân sống ngay tại khu vực trung tâm xã Trà Mai, huyện Nam Trà My.
Người dân chạy thoát nạn sau khi một quả đồi sạt lở xuống nhà dân. (Ảnh: Ngọc Thọ)
Ông Hà Đức Thịnh (thôn 1, xã Trà Mai) cho biết: "Trong lúc gia đình đang ngồi sinh hoạt thì bỗng nghe tiếng nổ lớn, nhìn ra sau thì thấy đất đá đổ xuống làm thủng tường bếp và sập nhà vệ sinh nên cả nhà hốt hoảng bỏ chạy ra ngoài".
Điểm sạt lở làm 6 nhà người dân phải di dời khẩn cấp. (Ảnh: Ngọc Thọ)
Cũng theo ông Thịnh, mấy năm gần đây sau nhà chỉ sạt lở nhỏ, gia đình cũng nhiều lần lên phương án nhưng rất khó khắc phục. Khi mưa lớn, cả nhà ông đều tập trung ra phía trước để đảm bảo an toàn.
Ngay sau sự cố, chính quyền xã Trà Mai và hàng trăm người dân đã tham gia hỗ trợ di dời toàn bộ tài sản của các hộ nói trên đến nơi khác. Đồng thời, địa phương cũng bố trí khu ở tạm cho các gia đình.
Một điểm sạt lở nghiêm trọng ngay cây xăng Tăk Pỏ, huyện Nam Trà My. (Ảnh: Ngọc Thọ)
Có mặt chỉ đạo tại hiện trường, ông Trần Văn Mẫn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, khu vực xảy ra sạt lở nằm trong nguy cơ cao, do đó đã được chính quyền cảnh báo từ trước.
"Huyện Nam Trà My đã yêu cầu sơ tán toàn bộ 6 hộ dân trong vùng bị ảnh hưởng đến tại khu sơ tán tập trung, đồng thời chỉ đạo địa phương khẩn trương hỗ trợ di dời tài sản, cung cấp thực phẩm cần thiết cho các hộ nói trên khi có nhu cầu", ông Mẫn nói.
.
Người dân di chuyển đồ đồ ra ngoài và dân làng Tắc Lan, thôn 1 Trà Linh chủ động làm lều tạm nơi an toàn để sơ tán. (Ảnh: Ngọc Thọ)
Hiện tại, trên địa bàn huyện Nam Trà My vẫn đang diễn ra mưa lớn, mực nước các sông đang lên nhanh, chính quyền huyện đã chủ động di dời cho khoảng 177 hộ dân với gần 800 nhân khẩu, trong đó nhiều nhất vẫn là Trà Leng với hơn 300 nhân khẩu. Bên cạnh đó, lực lượng xung kích tại các xã vẫn đang rà soát các khu vực 24/24h đảm bảo ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.