Phương pháp kéo dài xương chân do giáo sư Ilizarôp, người Nga, sáng tạo và thực hiện từ những năm 50 của thế kỷ 20.
Nguyên lý của phương pháp là cắt rời một chỗ trên đoạn xương chân cần kéo dài, xuyên các đinh chuyên dụng qua cả hai đoạn xương rời ra, rồi gắn vào một loại khung cố định đặc biệt ở bên ngoài chân.
Quá trình hàn gắn vết gẫy sẽ hình thành ra canxi, tủy xương và các tổ chức tế bào cần thiết khác để nối liền hai đầu xương gẫy lại với nhau.
Đợi đến khi xương mới liền, người ta lại chỉnh vít trên khung bên ngoài, cho giãn ra khoảng 1mm nhằm mục đích bắt buộc các tổ chức xương phải tiếp tục lan ra để nối liền với nhau.
Và cứ như vậy… cho tới khi đạt được chiều dài xương chân như dự tính, thầy thuốc sẽ tháo bỏ khung. Trung bình để kéo dài xương chân 5-7cm, bệnh nhân phải mang khung cố định 10-12 tháng, nhưng vẫn đi lại, tỳ nén trên chi mổ không phải kiêng cữ gì.
Sau khi bỏ khung, bệnh nhân lao động, sinh hoạt hoàn toàn bình thường, các phần xương chân được kéo dài thêm có độ cứng chắc như xương cũ. Phương pháp này đã được áp dụng ở nhiều nước.
Tại Mỹ bác sĩ Perry đã lập kỷ lục kéo dài xương chân cho cô Jullian Miller được tới 33cm. Còn ở Việt Nam có bác sĩ cũng đã ứng dụng phương pháp Ilizarôp kéo dài xương chân đạt tới 20cm.
Giá trung bình cho một ca phẫu thuật kéo dài chân rất đắt, có thể lên đến hàng trăm nghìn USD.
Tùy theo cơ địa và theo lứa tuổi của từng người mà tốc độ tái sinh nhanh hay chậm. Tuổi càng trẻ khả năng tái sinh càng nhanh. Để xương phục hồi trở lại đủ cứng và to như xương lành thì 1 cm thường mất từ 35-40 ngày, kể từ thời điểm bắt đầu kéo.
Đây là một kỹ thuật phức tạp. Nếu tay nghề bác sĩ không tốt biến chứng có thể xảy ra. Tai biến trong quá trình mổ cũng có thể xảy ra như cắt xương không khéo thì xương vỡ, hoặc gây tổn thương máu, thần kinh.
Đặc biệt là biến chứng nhiễm trùng, để lại hậu quả hết sức nặng nề. Người kéo bị viêm xương thì cũng coi như là một thất bại. Họ cũng có thể gặp biến chứng muộn như khi đang kéo, chậm liền xương, xương không liền, khối can xương không đủ khỏe.
Phẫu thuật kéo dài chân không làm ảnh hưởng tới tuổi thọ của người thực hiện như nhiều người lầm tưởng. Tuy nhiên, sau khi kéo dài, các phần mềm (gân cơ, cơ, thần kinh, mạch máu, dây chằng) chưa đáp ứng kịp với tình huống mới ngay được. Do đó, người bệnh cần phải tập phục hồi chức năng một thời gian, nhanh hay chậm tùy theo thể trạng và mức độ kéo dài.