Bà Hoàng Thị Hiển (khu Chùa Bộ, xã Sơn Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) là 1 trong 12 người ở xã Sơn Nga vừa tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo. Gia đình bà là hộ cận nghèo từ năm 2014 đến nay, hiện tại bà đang sống cùng con trai, con dâu và hai cháu nội đang tuổi đi học.
Bà Hoàng Thị Hiển là 1 trong 12 hộ dân xã Sơn Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ vừa viết đơn xin thoát nghèo. Ảnh: Trọng Hùng
Trò chuyện với phóng viên Dân Việt, bà Hiển cho biết: "Kinh tế gia đình tôi vẫn còn khó khăn chứ chưa phải dư dả. Tuy nhiên, đến giữa năm 2018, con trai và con dâu của tôi đã xin được công việc ổn định tại công ty nên sinh hoạt của gia đình đã bớt khó khăn hơn trước. Sau một thời gian xem xét, so sánh với các gia đình khác, tôi đã bàn với con cái tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo", bà Hiển cho biết.
Cũng theo bà Hiển, kinh tế gia đình đã ổn định dần, do đó, dự kiến năm 2020, gia đình bà sẽ xây dựng một căn nhà cấp 4 kiên cố hơn, với tổng trị giá ước khoảng 300 triệu đồng.
Trong ngôi nhà cấp 4 khang trang mới xây dựng đầu năm 2018, gặp phóng viên, anh Nguyễn Ngọc Đức chia sẻ, gia đình anh có 5 nhân khẩu và là hộ cận nghèo từ năm 2014, kinh tế gia đình rất khó khăn, mọi chi tiêu sinh hoạt chỉ trông vào làm ruộng. Sau nhiều ngày đêm trăn trở, anh đã bàn bạc với vợ con vay mượn anh em họ hàng và quyết định đầu tư mua xe công nông và máy bừa về để làm thuê. Từ đó đến nay, kinh tế gia đình anh đã khấm khá hơn, nên anh quyết định viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo trong xã.
Ngôi nhà mới xây của gia đình anh Nguyễn Văn Đức. Ảnh: Trọng Hùng
"Trước kia gia đình tôi cũng khó khăn lắm, bây giờ gia đình tôi có kinh tế khá hơn các hộ khác, mỗi năm gia đình cũng làm kinh tế được hơn trăm triệu. Vì vậy tôi tự nguyện viết đơn để xin ra khỏi hộ cận nghèo để nhường cho các hộ khó khăn hơn gia đình nhà tôi", anh Đức tâm sự.
Nhờ làm thợ xây, nuôi lợn, gà nên kinh tế nhà anh Bùi Công Nguyên đã khá giả hơn.
Một trường hợp viết đơn xin ra khỏi hộ nghèo khác là gia đình anh Bùi Công Nguyên, trú tại khu Đồng Hàng, xã Sơn Nga, huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ. Gia đình anh 6 năm liền thuộc diện hộ nghèo và hộ cận nghèo. Năm 2019, anh Nguyên là một trong những người đầu tiên ở xã Sơn Nga viết đơn xin thoát nghèo.
"Thực ra cuộc sống của gia đình tôi vẫn đang còn khó khăn, phải nuôi 2 con ăn học và chăm sóc mẹ già hay đau ốm nên chi tiêu sinh hoạt khá chật vật, phải chắt chiu tiết kiệm. Thời gian gần đây, ngoài đi làm thợ xây, tôi còn đầu tư nuôi lợn gà nên kinh tế gia đình đã dần khấm khá hơn. Nhờ sự giúp đỡ của anh em họ hàng trong năm 2018, gia đình tôi cũng vừa sửa chữa xong ngôi nhà cấp 4 khang trang hơn, sắm được xe máy, ti vi. Do đó, gia đình tôi đã viết đơn xin thoát nghèo, nhường suất đó cho người khác khó khăn hơn mình", anh Nguyên chia sẻ.
Vừa làm thợ xây, lại kết hợp nuôi lợn, gà nên kinh tế gia đình anh Bùi Công Nguyên đã khá giả hơn. Ảnh: Trọng Hùng
Theo tìm hiểu của phóng viên Dân Việt, thời gian qua, cùng với việc triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ người nghèo, cấp ủy, chính quyền xã Sơn Nga đã chú trọng xây dựng Nghị quyết chuyên đề về giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2016 – 2020; định hướng đến năm 2025 trên địa bàn xã.
Với sự chỉ đạo vào cuộc quyết liệt của cấp ủy chính quyền các cấp, công tác xóa đói giảm nghèo tại Sơn Nga luôn được chú trọng, gắn trách nhiệm cho mỗi cán bộ, đảng viên trong việc giúp đỡ hộ nghèo trên địa bàn; triển khai các chương trình, dự án như: Hỗ trợ con giống, cây giống, kinh nghiệm canh tác, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật mới... Từ đó đã có nhiều hộ trên địa bàn xã được giúp đỡ vươn lên thoát nghèo và xin thoát nghèo.
Theo ông Hoàng Du, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Nga, kết quả của năm 2019, thực hiện kế hoạch của UBND huyện Cẩm Khê về rà soát các hộ nghèo thì UNBD xã đã triển khai thành lập ban chỉ đạo, tiến hành rà soát và vận động một số hộ đã thoát nghèo tự nguyện xin ra khỏi hộ nghèo. Đảng ủy, UBND xã Sơn Nga đã vào cuộc quyết liệt và ngi nhận những thành tích của địa phương trong những năm qua.
"12 hộ dân của xã Sơn Nga xin thoát nghèo không hẳn vì đã thực sự hết khó khăn, thiếu thốn mà vì họ đã nhận thức được trách nhiệm nỗ lực vươn lên, ý thức trong việc sẻ chia hỗ trợ với những hoàn cảnh còn khó khăn hơn mình. Những hộ xin thoát nghèo ở xã Sơn Nga là những tấm gương đẹp, thể hiện sự dũng cảm, quyết tâm vươn lên và lòng tự trọng không chấp nhận mãi cảnh nghèo. Ðiều này cũng chứng tỏ sự thay đổi về nhận thức của một bộ phận người dân trong diện nghèo. Chúng tôi hy vọng những lá đơn đẹp về ý nghĩa như thế sẽ ngày một nhiều lên, cũng như được nhân rộng ra toàn quốc", ông Du chia sẻ.
Thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững, những năm qua huyện Cẩm Khê đã tích cực đẩy mạnh tuyên truyền và triển khai các chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ hộ nghèo phát triển kinh tế, nâng cao đời sống Để triển khai các mô hình hiệu quả, các cấp, ngành, các tổ chức chính trị xã hội trong huyện đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội, tạo điều kiện cho các hộ nghèo vay vốn. Trong năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã cho 1.574 hộ nghèo, cận nghèo vay vốn phát triển sản xuất với tổng số tiền gần 71 tỉ đồng. |
“Đây là bài viết tuyên truyền về Truyền thông và giảm nghèo về thông tin năm 2019 thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 của Bộ Thông tin và Truyền thông”.