Theo Vietnamnet, ông Thận bày tỏ mong muốn các cơ quan truyền thông cần đưa thông tin sự việc một cách khách quan, chân thực. Ông Thận cho hay, bản thân là đối tượng bị công dân tố cáo nên không thể giải thích để đảm bảo tính khách quan.
Mặc dù vậy, ông Thận khẳng định: "Tôi trưởng thành từ địa phương, gia đình làm nông chứ không phải con ông cháu cha”. Còn việc báo cáo với cơ quan quản lý, ông Thận sẵn sàng thực hiện nếu như có yêu cầu.
Bên cạnh đó, về vấn đề này, Trưởng ban Tổ chức tỉnh ủy Thái Bình Vũ Đức Hằng cho VietNamNet biết, Ban Tổ chức Tỉnh ủy đã có báo cáo lên Thường trực tỉnh ủy về sự việc. Ông Hằng cho hay chưa nhận được chỉ đạo của Tỉnh ủy về việc xem xét, tìm hiểu sự việc trên. “Mới chỉ là thông tin trên một số cơ quan báo chí”, ông Hằng cho biết.
Ông Nguyễn Khắc Thận sinh năm 1974 từng đảm nhiệm các vị trí: Viện phó VKSND huyện, Trưởng phòng TN&MT, Trưởng ban tổ chức huyện ủy Quỳnh Phụ. Tháng 6/2014, ông được bổ nhiệm Chủ tịch UBND huyện, sau đó là Bí thư Huyện ủy Quỳnh Phụ.Tháng 3/2016, ông Thận làm Giám đốc Sở Nội vụ, sau đó là Phó chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình vào tháng 7/2019.
Tiền Phong dẫn nguồn theo các tài liệu được công khai, năm 2011, ông Thận được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ. Việc bổ nhiệm này phải áp dụng Quy định về tiêu chuẩn chức danh Phó Chủ tịch UBND huyện ban hành cùng Quyết định 341-QĐ/TU ngày 18/4/2007 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình (Về việc ban hành tiêu chuẩn một số chức danh lãnh đạo).
Quy định này nêu, vị trí Phó Chủ tịch UBND huyện phải đạt chuyên viên chính trở lên, có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên, đối với cán bộ dưới 45 tuổi phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy và cao cấp chính trị hệ tập trung.
Tuy nhiên, lúc đó, ông Thận 37 tuổi, chỉ có bẳng chuyên môn Cao đẳng Kiểm sát và Cử nhân Luật hệ chuyên tu, không đáp ứng tiêu chuẩn “tốt nghiệp đại học hệ chính quy”.
Tháng 6/2014, ông Thận được bầu giữ chức Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Quỳnh Phụ. Theo tiêu chuẩn chức danh Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện ban hành kèm Quyết định 1496-QĐ/TU ngày 22/8/2013 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Bình (Về việc ban hành một số chức danh lãnh đạo, thay QĐ 341-QĐ/TU) yêu cầu về trình độ như sau: Đạt tiêu chuẩn nghiệp vụ ngạch chuyên viên chính trở lên, đối với cán bộ dưới 45 tuổi phải tốt nghiệp đại học hệ chính quy... Thời điểm đó, ông Thận mới 40 tuổi, chưa có bằng đại học chính quy, chưa là chuyên viên chính.
Đặc biệt, chỉ sau 1 năm giữ chức Chủ tịch UBND huyện, tháng 7/2015, ông Thận được bầu giữ chức Bí thư Huyện ủy, tham gia Ban Chấp hành (BCH) Đảng bộ tỉnh Thái Bình. Trong tiêu chuẩn chức danh ủy viên BCH Đảng bộ tỉnh ban hành kèm Quyết định 1891-QĐ/TU, ngày 10/11/2014 quy định: “Có trình độ chuyên môn tốt nghiệp đại học trở lên (đối với cán bộ dưới 45 tuổi phải tốt nghiệp đại học chính quy, nếu tốt nghiệp đại học tại chức phải có bằng thạc sỹ và tương đương trở lên, đúng chuyên ngành đào tạo ở bậc đại học)”.
Đối chiếu quy định này, ông Thận cũng không đạt. Cụ thể, ông Thận chỉ có bằng Thạc sỹ Quản ký kinh tế hệ tại chức, không phải bằng thạc sỹ Luật - ngành mà ông đã từng được đào tạo ở bậc đại học theo quy định nêu trên.