Thứ sáu, 22/11/2024 | 11:16
RSS

Phiên tòa xử Phạm Công Danh, Trầm Bê sáng 30/1: Các luật sư tiếp tục đối đáp ý kiến của VKS

Thứ ba, 30/01/2018, 18:06 (GMT+7)

Sáng 30/1, phiên tòa xét xử Phạm Công Danh và đồng phạm tiếp tục được đưa ra xét xử. Theo thông báo của HĐXX, 5 luật sư còn lại trong vụ án sẽ tham gia phần đối đáp, trình bày quan điểm của mình.

Phiên tòa xử Phạm Công Danh, Trầm Bê sáng 30/1: Các luật sư tiếp tục đối đáp ý kiến của VKS
Phiên tòa xử Phạm Công Danh, Trầm Bê sáng 30/1: Các luật sư tiếp tục đối đáp ý kiến của VKS. Ảnh Tuổi trẻ

Tại phiên tòa chiều 29/1, các luật sư bào chữa cho các bị cáo và những bên có quyền và nghĩa vụ liên quan đều giữ nguyên quan điểm bào chữa trước đó.

Trình bày tại tòa, luật sư Nguyễn Huy Thiệp (Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho BIDV) khẳng định, khi BIDV thực hiện cho 12 Công ty vay vốn tại BIDV có sự bảo lãnh (cầm cố) một phần bằng tiền gửi của VNCB là tuân thủ quy định pháp luật về cho vay và không vi phạm khoản 3 Điều 126 Luật các TCTD như ý kiến của VKS.

“Hồ sơ pháp lý của 12 Công ty đã được cơ quan đăng ký kinh doanh xác nhận hợp pháp, hợp lệ thì các Công ty này rõ ràng không có liên quan đến VNCB và cá nhân ông Danh”, luật sư Thiệp trình bày.

Luật sư Thiệp cũng không đồng ý với ý kiến cho rằng những người có trách nhiệm của 3 Ngân hàng quyết định cho vay có sự thỏa thuận trước, chỉ nhằm vào TSBĐ là tiền gửi của VNBC mà bỏ qua các điều kiện cho vay khác theo Luật các TCTD và Quy chế 1627 là vi phạm pháp luật bỏ mặc hậu quả xảy ra, chấp nhận có thể bị mất tiền, dẫn đến thiệt hại số tiền 6,120 tỷ nên 3 Ngân hàng cũng có hành vi cố ý làm trái Điều 126 khoản 3 Luật các TCTD.

Luật sư cho rằng, thiệt hại nếu có xảy ra VNCB là do VNCB, không hạch toán ghi nợ, không đối chiếu xác nhận nợ và không yêu cầu 12 Công ty được bảo lãnh trả nợ ngay sau khi VNCB bảo lãnh trả nợ thay. 

Thiệt hại này hoàn toàn do lỗi cố ý vi phạm của Phạm Công Danh và đồng phạm ở VNCB thì chính họ phải bồi thường cho VNCB, không thể đổ lỗi, yêu cầu bồi thường cho bất kỳ bên ngân hàng cho vay nào.

Tham gia đối đáp, luật sư Trần Quốc Khánh và Phạm Trung (cùng bào chữa cho bị cáo Trầm Bê) đều cho rằng, Trầm Bê không phạm tội “Cố ý làm trái...”. Ông Trầm Bê cho vay do chủ quan, không tư lợi, không biết mục đích của Danh, có tài sản bảo đảm, đã thu hồi vốn vay nên Trầm Bê không vi phạm quy định cho vay.

Ngoài ra, luật sư Trung cũng trình bày một số tài liệu chứng minh ông Trầm Bê có nhiều đóng góp trong sinh hoạt xã hội nên mong HĐXX xem xét.

Cũng tại phiên tòa, đại diện TPBank mong HĐXX xem xét cho các bị cáo là quản lý, nhân viên của TPBank. Đại diện TPBank xin HĐXX xem xét cho các bị cáo là nhân viên của ngân hàng.

TPBank cho biết số tiền mà TPBank hạch toán, khấn trừ nợ không phải tiền mà Phạm Công Danh vi phạm mà có. Quan hệ bảo lãnh không thể nói là trái hợp pháp. Theo TPBank, Phạm Công Danh và các bị cáo đã gây sai phạm và thiệt hại cho VNCB thì phải chịu trách nhiệm.

Luật sư Hoàng Huy Được bào chữa cho bị cáo Đinh Việt Cường

Luật sư nêu ra quan điểm trong những hành vi của bị cáo Cường tham gia tại TPBank, về việc ban hành tín dụng hạn mức 100 tỷ đồng trở lên thuộc thẩm quyền của ủy ban tín dụng. Trong cáo trạng nêu bị cáo phê duyệt cho vay là không đúng bản chất của vụ án.

Việc không xem xét trách nhiệm của Ủy ban tín dụng là đúng, và không nên xem xét trách nhiệm hình sự của bị cáo Cường và Thủy mới đúng bản chất vụ án. Bị cáo không hưởng lợi ích, không hề quen biết Phạm Công Danh sao gọi là đồng phạm. Mong HĐXX xem xét lại hành vi của Việt Cường, luật sư nêu.

Về công ty Thịnh Phát, vốn điều lệ 6 tỷ đồng, gồm 2 thành viên góp vốn trong đó không có ông Cường. Hội đồng thành viên công ty Thịnh phát đã họp thông qua khoản vay tại TPBank mục đích mua trái phiếu công ty Trung Dung.

Luật sư Đỗ Phương Nam bào chữa cho Đinh Việt Cường

Luật sư cho biết, mẹ của bị cáo có gửi đơn trình bày về hoàn cảnh của bị cáo Cường. Bị cáo là người hăng say làm việc vì ngân hàng mình, không tư lợi, TPBank cũng không thiệt hại. Mong HĐXX xem xét. Hơn nữa bị cáo là người mới, công việc bị cáo ít hơn so với người khác nên việc quy chung các bị cáo vào một nhóm là không công bằng.

Về trường hợp Hà Văn Bình chỉ đứng tên, bị cáo không né tránh hành vi của mình, khai báo thành khẩn, mong HĐXX xem xét, giảm nhẹ hình phạt.

Luật sư tiếp tục bào chữa cho bị cáo Hà Văn Bình

Cám ơn VKS đã có phần đối đáp cụ thể hơn về phần của bị cáo Hà Văn Bình.

Trong vụ án này, các bị cáo đều bị cho rằng là đồng phạm, tuy nhiên các bị cáo ở đây, rất ít bị cáo quen biết và từng gặp gỡ, trao đổi với với Phạm Công Danh và bị cáo Bình cũng nằm trong số đó, mong HĐXX xem xét.

Khi VKS xem xét cho các bị cáo là nhân viên TPBank và cho rằng TPBank không có thiệt hại gì nên xem xét cho các bị cáo này nhưng lại không xem xét cho bị cáo Bình. Mong HĐXX xem xét khách quan, công bằng với các bị cáo khác.

HĐXX nhắc nhở các luật sư chỉ trình bày đối đáp những phần VKS đã trình bày, không đối đáp những gì VKS chưa nhắc đến.

Luật sư bảo vệ cho Sacombank

Chúng tôi không đồng ý với quyết định của VKS là kiến nghị thu hồi tài sản của 3 ngân hàng Sacombank, TPBank, BIDV để bồi thường cho VNCB. Vì các luận điểm của VKS không có cơ sở, không khách quan.

1. VKS cho rằng Sacombank cho các công ty vay tiền do Phạm Công Danh giới thiệu là vi phạm quy định khoản điều 126 của luật TCTD. Kết luận thanh tra của NHNN đã cho biết việc Sacombank cho các công ty vay là đúng quy định, và Sacombank không có thiệt hại, nên luật sư không đồng ý với quan điểm của VKS.

2. VKS cho rằng Sacombank nhận bảo lãnh của VNCB khi chỉ có chữ ký của ông Phan Thành Mai là vi phạm.

Luật sư cho rằng đề nghị của VKS không khách quan, NHNN đã khẳng định giao dịch cầm cố giữa VNCB và Sacombank là đúng theo quy định pháp luật. Trong bản giám định của NHNN đã khẳng định số tiền bảo lãnh của VNCB thuộc quyền sử dụng của VNCB nên có quyền bảo lãnh, việc Sacombank nhận tiền bảo lãnh là đúng. Mặt khác, khi VNCB thực hiện bảo lãnh thì có đầy đủ các văn bản HĐQT, người cao nhất của HĐQT VNCB đã duyệt và ông Phan Thành Mai được ủy quyền theo đúng pháp luật.

3.VKS cho rằng các ngân hàng trong đó có sacombank chỉ nhằm vào tài sản cầm cố và bỏ mặc hạu quả xảy ra.

Luật sư: Về nguyên tắc khi cho vay của các ngân hàng là bảo toàn vốn vay, Sacombank đã áp dụng đúng 5 điều kiện cho vay vốn và thực hiện đúng nguyên tắc cho vay. Thực tế, việc thẩm định cho vay, bảo đảm khoản vay của Sacombank là đúng quy định. Sacombank cũng không có thiệt hại.

4. Qua các kết quả giám định tư pháp của giám định Ngân hàng nhà nước đều khẳng định việc cấp phát tín dụng và xử lý thu hồi nợ của Sacombank là đúng pháp luật và không thiệt hại. Vì vậy, các cán bộ của Sacombank không có hành vi làm trái, sai phạm do VNCB nên VNCB phải chịu trách nhiệm, Sacombank không có nghĩa vụ liên đới bồi thường thiệt hại cho VNCB.

5. Sacombank không có giao dịch với cá nhân ông Danh nên không có việc phát sinh bồi thường.

Luật sư tiếp tục kiến nghị HĐXX không chấp nhận đề nghị thu hồi tài sản từ 3 ngân hàng của đại diện VKS.

HĐXX nhắc nhở các luật sư chỉ trình bày những quan điểm bổ sung, ngoài ra nhưng quan điểm nào đã có yêu cầu các luật sư không trình bày.

5. Khoản vay liên quan đến VNCB, thời điểm đó được xem là giao dịch dân sự nhưng quá trình luận tội VKS không nhắc đến. Theo luật sư, không có cơ sở nào yêu cầu Sacombank phải khắc phục hậu quả.

6. Đề nghị VKS không chỉ bảo vệ quyền lợi cho VNCB mà còn phải bảo vệ cho các ngân hàng như Sacombank.

7. Trong phần nhận định trách nhiệm hình sự, VKS đã xác định các bị cáo đầu vụ là Phạm Công danh và Phan Thành Mai... và đề nghị các bc phải chịu trách nhiệm.

8. Trao đổi, tranh luận với VKS, VKS đã lường trước hậu quả như thế nào nếu 3 ngân hàng thực hiện bồi thường thiệt hại cho VNCB.

Đề nghị VKS đối đáp và tranh luận lại những ý kiến này.

Luật sư bảo vệ cho ông Trần Quý Thanh và bà Trần Ngọc Bích

Đồng ý với ý kiến của VKS khi không thu hồi số tiền từ ông Thanh và bà Bích.

Luật sư cho rằng, không có sở kết luận nào chứng minh tiền đã chuyển cho ông Thanh và bà Bích là vi phạm. Số tiền này không bị kê biên. Ông Thanh và bà Bích không quản lý số tiền này, số tiền này không thể gọi là vật chứng.

Luật sư trình bày, số tiền chuyển cho ông Thanh, bà Bích là giao dịch hợp pháp, không phải tiền bất chính. Luật sư khẳng định, không có bất kì khoản tiền nào chuyển cho ông Thanh, bà Bích là vật chứng vụ án nên không có căn cứ thu hồi số tiền này.


Luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Hứa Thị Phấn

600 tỷ đồng mà Phạm Công Danh chuyển vào TK phong tỏa của bà Hứa Thị Phấn không phải là “Vật chứng” của vụ án để thu hồi, xử lý và 600 tỷ đồng không phải “Tiền do phạm tội mà có”.

Nếu xét về nguyên tắc bình đẳng nếu thu hồi số tiền 600 tỷ đồng, thì cũng phải thu hồi một số nguồn tiền khác liên quan đến vụ án.

Các giao dịch giữa ông Phạm Công Danh (Tập đoàn Thiên Thanh), bà Hứa Thị Phấn, Ngân hàng Xây Dựng liên quan đến tái cơ cấu Ngân hàng Xây Dựng không thể khôi phục bằng vụ kiện khác vì các giao dịch này đã được thay thế bởi giao dịch mua lại 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước.

Bị cáo Nguyễn Việt Hà bổ sung bào chữa: Bị cáo chưa bao giờ phủ nhận việc ký ủy quyền, bị cáo có trách nhiệm vì đã ký biên bản họp hội đồng quản trị trong đó có nội dung ủy quyền. Việc VKS đề nghị mức án 3-4 năm, bị cáo cho rang như vậy là quá cáo, bị cáo không ký ủy nhiệm chi, đề nghị giải ngân, đề nghị cho bị cáo hưởng án treo như 11 bị cáo trong nhóm cho vay tại TPBank.

Bị cáo Phạm Công Danh xin trình bày để khắc phục hậu quả. Ông Danh khẳng định có đủ chứng cứ, ủy nhiệm chi liên quan đến khoản tiền chuyển khoản cho ông Trần Qúy Thanh. Ông Danh đồng ý với ý kiến Luật sư của bà Phấn, đã là số tiền sai phạm phải thu hết.

Ông Danh khẳng định 4.500 tỷ đồng hoàn toàn là vật chứng, là số tiền sai phạm, là tiền của ông Danh cũng phải khắc phục hậu quả. theo báo cáo kiểm toán CB năm 2014 tiền mặt có trên 7.900 tỷ đồng do đó không phải chúng tối sử dung hết số tiền đó. Ông Danh mong HĐXX làm rõ sự thật, đúng bản chất sự việc.

Bị cáo Phan Thành Mai bào chữa bổ sung 3 ý liên quan 4.500 tỷ đồng: Thứ nhất, xem xét 4.500 tỷ có còn hay không ở mốc 31/5/2014 chứ không ở thời điểm bị cáo bị khởi tố, số tiền này dược sử dung chăm sóc khách hang, trả lại thị trường 1.

Thứ hai, làm rõ địa chỉ của khoản tiền này. Thứ ba, bị cáo Mai mong giữ nguyên tắc giai đoạn 1 thu hồi khoản tiền này, mong HĐXX xem xét đề nghị của ông Danh về khắc phục thiệt hại.

Bị cáo Khương tự bào chữa bổ sung: CBBank liên quan 4.500 tỷ đồng sai, không đúng bản chất vụ án. Chứng cứ xác định 4.500 sử dụng như thế nào của báo cáo CB vẫn còn nhập nhằng, dẫn đến lầm tưởng. 4.500 tỷ đồng phải thừa kế quyền đòi nợ của dân cư, trả cho các tổ chức tín dung. CB phải đảm bảo nghĩa vụ trả nợ thì lại chuyển hóa trả nợ cho các cổ đông.

Về quan điểm giao dịch giữa bà Trang, Bích là giao dịch ngay tình, bị cáo Khương cho biết không đủ căn cứ đây là giao dịch dân sự thì sao lại cho là giao dịch ngay tình, không phải vật chứng của vụ án. Về khoản tiền 600 tỷ đồng, người thụ hưởng là bà Phấn nếu xem là vật chứng mong HĐXX thu hồi, bị cáo Khương trình bày.

Phiên tòa nghỉ và làm việc lại vào sáng thứ 5 (1/2)

PV
Theo Vietnammoi.vn