Chủ nhật, 19/01/2025 | 13:09
RSS

Phía sau vụ án giết và làm bị thương 5 người chấn động Bắc Ninh

Thứ ba, 13/02/2018, 19:22 (GMT+7)

Vụ thảm án Nguyễn Ngọc Cường ra tay giết và làm bị thương 5 người xảy ra tại thôn Giới Tế, xã Phú Lâm (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) trôi qua đã gần 6 năm nhưng những hậu quả mà nó để lại vẫn còn hiện hữu đến tận bây giờ

Phía sau vụ án giết và làm bị thương 5 người chấn động Bắc Ninh

Chị Đỗ Thị Ý do mất 46% sức khoẻ nên chỉ có thể làm được những việc nhẹ

Thảm án giết và làm bị thương 5 người

Trong tiết trời se lạnh của những ngày cuối đông, tôi tìm về thôn Giới Tế, xã Phú Lâm (huyện Tiên Du, Bắc Ninh) để thăm lại những gia đình từng là nạn nhân của vụ thảm án năm nào. Với mỗi người dân thôn Giới Tế, vụ thảm án như 1 nỗi ám ảnh kinh hoàng mà chẳng ai có thể quên.

Vụ việc xảy ra vào khoảng 4h30 ngày 17/8/2010, Nguyễn Ngọc Cường (SN 1961) ngủ dậy, đi loanh quanh trong làng rồi dừng chân ở quầy bán thịt lợn của chị Đỗ Thị Ý (SN 1973) ở cùng thôn Giới Tế.

Trong lúc chị Ý cùng em ruột là Đỗ Thị Mỵ (SN 1980) đang pha thịt lợn thì bất ngờ Cường giằng con dao chọc tiết lợn từ tay chị Mỵ đâm 1 nhát vào ngực trái chị Mỵ rồi quay sang đâm tiếp vào ngực phải chị Ý.

Sau khi ra tay tàn độc với 2 người phụ nữ, Cường cầm dao chạy đến nhà anh rể là ông Nguyễn Văn Bình (SN 1954) - người cùng thôn, sau đó đâm vào ngực ông Bình lúc ông đang nằm ngủ. Chưa dừng ở đó, Cường tiếp tục cầm con dao chạy đến cổng nhà ông Bốn ở cùng thôn rồi đâm 1 nhát vào lưng ông Ngô Văn Thực (SN 1963) rồi tiếp tục đâm vào ngực ông Ngô Văn Doãn (SN 1965) khi 2 ông này đang làm cỗ.

Phía sau vụ án giết và làm bị thương 5 người chấn động Bắc Ninh 2

Ngôi nhà của hung thủ Cường giờ đã trở thành nhà hoang

Điên cuồng hơn, Cường lại tiếp tục xách dao đến nhà anh Ngô Văn Toanh (SN 1976, người cùng thôn). Thấy anh Toanh đang ngồi đánh răng ở sân giếng, Cường liền xông vào đâm nhưng anh Toanh tránh được và dùng chân đạp ngã Cường đồng thời hô hoán dân làng đến truy đuổi kẻ thủ ác. Bị đạp ngã, Cường vứt dao rồi bỏ chạy ra cánh đồng thì bị lực lượng bảo vệ và nhân dân đuổi theo bắt giữ.

Sau khi bị Cường ra tay, các nạn nhân đã được người dân nhanh chóng đưa đi bệnh viện cấp cứu nhưng do vết thương quá nặng nên chị Mỵ, ông Bình và ông Thực đã tử vong ngay sau đó. Còn ông Doãn và chị Ý cũng bị thương nặng.

Qua quá trình điều tra, Cường đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Do Cường có biểu hiện bị bệnh tâm thần nên được trưng cầu viện giám định pháp y tâm thần để giám định tâm thần đối với Cường

Sau khi giám định pháp y, cơ quan điều tra kết luận các rối loạn tâm thần của Cường không chi phối trực tiếp hành vi phạm tội. Đồng thời căn cứ vào tình tiết vụ án nhận thấy đây là hành vi hết sức dã man, không có khả năng cải tạo nên đã tuyên án Cường mức án cao nhất là tử hình.

Nỗi đau dai dẳng

Với mỗi người dân ở thôn Giới Tế, không lúc nào những hình ảnh của vụ thảm án xảy ra hơn 5 năm trước thôi không ám ảnh họ. Tại nhà chị Ý – 1 trong 2 người may mắn sống sót trong vụ án năm nào, khi biết tôi đến để hỏi về vụ án chấn động này, nhiều người dân đang làm cũng đều dừng lại để góp 1 vài ý kiến, tình tiết nhỏ của vụ việc, nêu ra những suy nghĩ rất riêng và những mong ước rất bình dị của mình.

1 người dân cho biết: “Hôm phiên toà xử thằng Cường – hung thủ của vụ án, tất cả dân làng đều đồng loạt nghỉ làm để tham dự. Rồi khi hay tin thằng Cường trốn trại về, cả làng chúng tôi không ai dám ra ngoài, 1 tuần liền lúc nào cũng phải đóng cổng”.

Đối với người dân thôn Giới Tế là vậy, còn đối với những nạn nhân của vụ thảm án năm nào, họ đã trải qua những năm tháng khó khăn nhất. Chị Ý chia sẻ: “Khi vụ án xảy ra, gia đình phải vay mượn khắp nơi để có tiền chạy chữa.

Sau khi toà tuyên án, trên giấy tờ, gia đình nhà thằng Cường có trách nhiệm bồi thường cho nhà tôi 78 triệu đồng nhưng thực tế thì từ ngày đó đến giờ, gia đình tôi chưa nhận được 1 đồng nào từ gia đình nhà nó”.

Anh Đỗ Thế Sơn (chồng chị Ý) cho biết thêm: “Quá trình điều trị kéo dài hơn 1 tháng tại bênh viện Đa khoa Bắc Ninh và bệnh viện Việt Đức đã khiến kinh tế gia đình kiệt quệ, hơn 100 triệu đồng tiền điều trị đều phải vay mượn từ bà con lối xóm.

Vợ tôi bị thằng Cường đâm trúng phổi phía bên phải, qua quá trình điều trị, các bác sĩ yêu cầu cắt bỏ 1/3 lá phổi nên hiện giờ sức khoẻ được xác nhận là giảm 46%”. Bây giờ chị Ý chỉ có thể giúp chồng trông coi hàng thịt nhỏ trước nhà còn lại không thể làm bất cứ việc gì, những khi trở trời, chị thường hay bị khó thở, rồi hay bị ngất mỗi khi xúc động mạnh.

Đối diện với ngôi nhà của gia đình chị Ý là ngôi nhà cũ của gia đình người em gái ruột Đỗ Thị Mỵ. Không được may mắn như người chị, lưỡi dao oan nghiệt của Cường đã mãi mãi lấy đi cuộc sống của chị bỏ lại đằng sau 1 gia đình nhỏ hạnh phúc với người chồng và 2 đứa con vẫn còn thơ dại.

Hơn ai hết, anh Nguyễn Văn Chi - chồng chị Mỵ là người thấu hiểu nhất những nỗi đau của vụ án năm nào. Trước kia, khi chị Mỵ còn sống, gia đình anh được xếp vào diện làm ăn kinh tế giỏi nhất của thôn Giới Tế.

Chị hùn vốn buôn thịt với chị Ý còn anh Chi được mọi người đánh giá là 1 tay buôn cây cảnh giỏi có tiếng. Tuy nhiên khi vụ án xảy ra, kinh tế gia đình trượt dốc không phanh. Thương nhớ vợ, anh Chi bỏ bê làm ăn, đời sống gia đình cũng vì thế mà càng khó khăn.

Phía sau vụ án giết và làm bị thương 5 người chấn động Bắc Ninh 3

Anh Đỗ Thế Sơn - Chồng chị Ý chia sẻ với PV

Nhưng có lẽ, đáng thương nhất là 2 người con của anh chị. Anh Chi chia sẻ: “Ngày nhà tôi mất, 2 cháu vẫn còn nhỏ, ngay sau khi vụ án xảy ra, các cháu rơi vào tình trạng hoang mang, phải nghỉ học 1 thời gian để ổn định lại tinh thần.

Thời gian sau đó, tôi thì đi làm suốt ngày những mong quên đi nỗi đau mất vợ nên công việc gia đình dồn hết lên vai 2 đứa trẻ nhỏ”. Hằng ngày ngoài giờ học trên lớp, em Nguyễn Thị Nguyệt và Nguyễn Văn Phong (2 người con của chị Mỵ) phải kiêm thêm công việc quán xuyến gia đình.

“Có lẽ vì thương nhớ mẹ nên nhiều khi các cháu vẫn hay mơ thấy nhà tôi, rồi lại bật dậy khóc nức nở giữa đêm khuya. Cũng may là bây giờ, các cháu hiểu hoàn cảnh gia đình nên cố gắng học tập. Cả 2 cháu đều là học sinh giỏi của trường nên tôi cũng được an ủi phần nào”. Anh Chi tâm sự thêm.

2 năm sau ngày vợ mất, thương các con không người chăm sóc nên anh Chi quyết định đi bước nữa. Anh lấy 1 cô gái cùng làng để chia sẻ bớt cuộc sống gia đình. Ngày mới cưới, lo sợ chuyện dì ghẻ con chồng có thể xảy ra nên anh nhắc các con chưa nên gọi mẹ, mà gọi bằng dì, sau này nếu như người vợ 2 đối xử tốt anh sẽ cho 2 con gọi là mẹ, còn không thì chỉ được gọi bằng dì.

Trời thương người khốn khó khi người vợ thứ 2 không chỉ đảm đang việc ruộng vườn, buôn bán mà còn bao bọc, thương yêu 2 người con anh như con đẻ. 2 con anh cũng coi người vợ mới của bố là mẹ từ lâu.

Trong số 3 nạn nhân tiếp theo của vụ trọng án năm nào thì gia đình ông Bình và ông Thực được xem là bị ám ánh nhiều nhất. Cúng chính vì thế mà khi PV đến liên hệ viết bài thì những người thân của 2 gia đình này đều từ chối tiếp chuyện hoặc cáu gắt mỗi khi có người đến hỏi về vụ án.

Tuy nhiên theo thông tin PV tìm hiểu được từ những người hàng xóm thì 2 gia đình này cũng đều rơi vào tình trạng tương tự, kinh tế tụt dốc, tinh thần hoang mang, bất ổn. Ông Doãn là người sống sót thứ 2 sau khi vụ án mạng xảy ra.

Nếu như trước đây ông Doãn là người đàn ông chịu thương chịu khó, chăm chỉ làm lụng thì bây giờ, do bị mất 43% sức khoẻ nên ông cũng không thể làm được gì khác, gánh nặng gia đình đổ lên vai người vợ. Hằng ngày, ngoài bữa cơm phụ giúp vợ thì hầu như ông Doãn không thể làm được 1 việc gì.

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN