Chủ nhật, 19/01/2025 | 02:35
RSS

Ông lão giời đày 90 tuổi nửa thế kỷ vượt 1 triệu cây số sống chết với gánh chuối rong

Thứ ba, 24/01/2017, 14:14 (GMT+7)

Thương ông vất vả, con cháu muốn ông được an hưởng tuổi già. Tuy nhiên, như giời hành, ông không muốn xa gánh chuối, không muốn chân tay ngơi nghỉ dù biết tuổi mình đã… như chuối chín cây.

Hình ảnh ông lão lưng còng, áo nâu sồng bạc phếch đánh đu với chiếc xe thồ ú hụ những nải chuối chín vàng đã trở lên quá quen thuộc với nhiều người Hà Nội Nhìn ông lão vật lộn với gánh hàng, nhiều người đã nhỏ lệ xót thương bởi điều day dứt, đời sao còn có người cùng khổ, tuổi đã gần đất xa trời còn vất vả mưu sinh. Thế nhưng, thực tế thì không phải vậy. 

Gắn đời mình với gánh chuối từ khi giải phóng thủ đô, ngày nào cũng đi về trên một cung đường quen thuộc khoảng 50 cây số nên có người đã nhẩm tính, tới thời điểm này, sau hơn nửa thế kỷ, ông đã vượt quãng đường hơn 1 triệu cây số để sống chết cái nghiệp gánh nặng hai vai…

Mỗi ngày vượt 50 cây số bất chấp nắng mưa gió rét

Sớm nào cũng vậy, bất kể trời rét cắt thịt cắt da, bất kể mưa gào gió rít, cứ chừng 7 giờ sáng, tôi lại thấy ông lão lắc lư trên chiếc xe thồ cũ rỉ cùng 2 xảo chuối ú hụ hai bên xuôi từ hướng Hà Đông lên trung tâm thành phố. Mấy lần tạt vào hỏi chuyện nhưng ông lão chỉ ậm ờ rồi lại lủi thủi với công việc của mình.

Gánh chuối rong của ông cụ nay đã 90. Ảnh: Đào Thanh Tuy

Ông cụ đi thì đúng giờ như lập trình nhưng về thì chẳng biết giờ nào. Hôm đắt hàng thì về sớm, hôm ế thì tất tả về khi phố đã lấp lánh ánh đèn. Bởi thế, mấy bận định bí mật theo về để tận thấy gia cảnh nhà ông, người mà bất cứ ai thấy cũng bùi ngùi xa xót nhưng không được.

Bởi đã thành quen nên sáng nọ, đi làm thấy đường phố thiếu ông, tôi đâm lo lắng. Hay ông đổ bệnh, hay ông bị tai nạn chỗ nào… Nỗi lo lắng lạ lùng đó đã thúc giục tôi quyết tâm thực hiện ý định mà mình từng theo đuổi ấy là tìm về nơi ông ở.

Theo chỉ dẫn của mấy người bán hàng ven con đường mà ông vẫn hằng qua thì ông tên đầy đủ là Nguyễn Trung Khánh, người dân thường gọi là cụ Đạc, nhà ở xã Cao Viên, Thanh Oai, Hà Nội. Trên đường lần tìm đến địa chỉ đó, tôi cứ nghĩ chắc nơi ông ở cũng tuềnh toàng, xác xơ như cái vẻ khổ hạnh, thanh bần của ông vậy.

Thế nhưng, khi tới nơi thì tôi đã thực sự bất ngờ. Nơi ông ở là một ngôi nhà gỗ giả cổ rất đỗi khang trang, sạch đẹp với khoảng sân lát gạnh vuông đỏ phẳng lỳ. Gọi cổng, thấy chẳng có động tĩnh gì.

Đang lúc hốt hoảng vì nghĩ chắc ông ốm thật thì một chị nhà ở gần đó chạy ra í ới: “Cụ Đạc xuống bãi lấy hàng rồi, cần gì thì tối hẵng đến”. Lạy trời ông vẫn khỏe, tôi đã thở phào khi nghe được câu nói đó.

Ông ngồi cười mủm mỉm khi tiếp chuyện khách khứa. Ảnh: Đào Thanh Tuy

Tối đó, tôi lại tìm đến nhà ông. Ngày cuối tuần, gia đình vẫn quây quần bên mâm cơm ấm cúng. Riêng ông thì miệng đã ngậm tăm, thư thái ngồi trên bàn nước.

Rót nước mời khách xong, chẳng đợi chúng tôi bắt chuyện, ông đã vội vào đề: “Chắc các bác đến hỏi việc tại sao tôi có tuổi rồi mà vẫn đi chợ chứ gì!? Tôi thấy mình còn sức thì còn phải làm việc thôi. Không làm thì buồn lắm, chân tay bứt dứt, không chịu được! Mà đấy, làm mãi mà chả được cái trung nông, vẫn bần nông".

Nói rồi ông lặng thinh, dõi mắt ra chiếc xe thồ đã xếp ú hụ những nải chuối vàng óng ngoài sân. “Hôm nay bận quá không đi chợ được! Không đi một ngày là thấy chân tay bải hoải, buồn buồn làm sao ấy!”.

Dù đã cố dẫn dắt, khơi gợi nhưng câu chuyện của tôi với ông cứ nhát gừng và không đầu không cuối. Chẳng phải không còn mẫn tuệ mà có lẽ bởi ông nghĩ, việc mưu sinh mà nhiều người coi là phi thường thì với ông lại rất đỗi bình thường.

Hỏi ông gắn bó với gánh hàng tự khi nào, ông không nhớ rõ. Chỉ biết khi Hà Nội vừa giải phóng thì ông đã có mặt ở ngoài đó với gánh hàng trĩu nặng trên vai. Ngày ấy chưa có xe thồ nên giống như nhiều người khác ở làng, muốn bán nông sản ra thủ đô thì chỉ còn cách kẽo kẹt gánh gồng.

“Tôi mất mấy chục năm phải gánh đấy. Ngày đó khổ lắm, phải đi từ nửa đêm, có khi mặt trời bằng con sào rồi thì mới ra đến phích nước Rạng Đông (Hạ Đình, Hà Nội- PV). Sau đổi mới, (1986- PV) gom góp mãi mới mua được chiếc xe thồ. Đi cái anh này nhàn hẳn. Đúng là đổi mới cái gì cũng tốt!”, ông cười mủm mỉm.

Ngày mưa cũng như ngày nắng, ông đã vượt quãng đường hơn 1 triệu cây số với nghiệp bán hàng rong. Ảnh: Đào Thanh Tuy

Ứa nước mắt khi thấy bố mình lam lũ

Câu chuyện bập bõm của tôi với ông bị cắt ngang bởi tiếng than phiền: “Khổ lắm các anh ạ! Tôi là Nguyễn Trung Điển, con thứ ba của ông. Ông đang ở với vợ chồng tôi. Các anh không đến đây thì lại nghĩ gia đình tôi thế này thế nọ để ông tuổi cao mà phải khổ, phải vất vả.

Chúng tôi đã nói, đã khuyên giải bao nhiêu lần rồi, dùng đủ mọi cách rồi mà ông có nghe đâu. Từ hơn chục năm trước, chúng tôi đã bảo, bố có tuổi rồi, đã vất vả cả đời rồi thì giờ bố nghỉ ngơi đi, thế nhưng ông đâu có nghe! Khổ chúng tôi lắm! Đấy, các anh nhìn xem, nhà tôi có thiếu thứ gì.

Ở làng này, trông lên thì chẳng bằng ai nhưng trông xuống thì cũng mấy ai bằng mình. Thế mà ông thì lúc nào cũng nghĩ nhà mình mãi chưa được cái… trung nông nên phải làm việc khi thấy mình còn sức khỏe!”. Ông Điển ngượng nghịu phân trần.

Nhấp một ngụm trà tỏa khói nghi ngút, ông Điển buột miệng: “Có lẽ ngày trước bởi quá lam lũ nên giờ bố tôi mới vậy, không làm thì không thể nào chịu nổi! Nhưng nhìn bố tôi thế, anh em chúng tôi ai cũng rớt nước mắt nhưng chả biết làm thế nào để ngăn cụ nữa!”.

Ông Điển là con trai thứ ba của cụ ông bán chuối rong. Ảnh: Đào Thanh Tuy

Ông Điển kể, cụ thân sinh của ông có 4 người con. Cao Viên là vùng trũng, ngày trước lụt lội liên miên nên đời sống khó khăn lắm. Để nuôi bày con khôn lớn, bố ông đã phải bươn trải không biết bao nhiêu là nghề.

Nào thợ mộc, nào xẻ gỗ thuê, nào làm ruộng và cuối cùng là nghề buôn chuối. Ngày ông còn khỏe, khắp đất Hà Tây cũ này, cứ chỗ nào có chuối là ông gánh gồng đến mua rồi chuyển ra Hà Nội bán. Thương bố vất vả nên khi vừa lớn lên, anh em ông cũng xúm vào phụ giúp.

Bởi các con chăm chỉ nên đời sống gia đình cũng khá hơn lên. Thế nhưng, có lẽ bởi suốt ngày tối mắt tối mũi với công việc nên bố ông đã quên mất là mình đã có tuổi rồi, không phù hợp với những việc nặng nhọc nữa.

Theo ông Điển thì cách đây mười mấy năm, khi bố ông mới 70 tuổi mấy anh em ông đã họp và ra “nghị quyết”: “Đã đến lúc bố được nghỉ ngơi, việc lo kinh tế gia đình giờ bàn giao lại cho con cái!”.

Thế nhưng, khi ấy, bố ông bảo: “Các anh chắc gì đã khỏe hơn tôi, tôi còn có sức thì vẫn phải làm!”. nhưng ông chẳng nghe vẫn cứ dậy từ khi gà trong chuồng le te gáy và lụi cụi đẩy xe chuối đi. Nhìn dáng bố liêu xiêu trong khói sương mờ mịt, anh em ông ai cũng ruột gan quặn thắt.

Đường sá lên dốc xuống đê, thương sức cha có hạn lại thêm nỗi lo ông ra đường loạng quạng va vào ai ngã thì khốn khổ vô cùng. Và, nỗi lo lắng đó cũng chẳng thừa. Chỉ cách đó ít lâu, đang rong ruổi với xe chuối nặng đến cả tạ trên đường, ông bị xe máy quệt.

Cú va chạm đó khiến một xương vai ông gãy. Nằm một chỗ đến nửa năm trời, thương bố lắm nhưng anh em ông cũng… mừng thầm bởi nghĩ rằng sau cú tai nạn khủng khiếp này, ông sẽ treo xe “giải nghệ”.

Thế nhưng, anh em ông đã nhầm. Vừa rời khỏi giường bệnh là ông lại tìm đến chiếc xe và lại tất tả lên đường. Hoảng hốt, không còn lựa chọn nào khác, chọn một buổi bố vắng nhà, ông đem chiếc xe thồ đã gắn bó với bố ông suốt mấy chục năm trời đem bán cho cánh đồng nát ở ngoài phố.

Mặc các con ngăn cản, ông vẫn sống chết với nghề buôn chuối. Ảnh: Đào Thanh Tuy

Tưởng mất “phương tiện làm việc” thì bố sẽ nghỉ nào ngờ chỉ hai ngày sau, bố ông lại rước về một chiếc xe mới. Không “đánh chặn” được bằng cách đó, anh em ông chia nhau đi ra bãi, nơi bố ông thường thu mua chuối xanh, dặn với các chủ vườn ở đó rằng đừng bán hàng cho bố mình nữa.

Thế nhưng cách đó cũng chẳng đem lại kết quả gì. Không lấy hàng ở vùng đó thì ông lại tìm mua ở vùng khác xa hơn. Đến nước này thì dù lo lắng, xót thương lắm nhưng chẳng biết làm thế nào khác được.

Bất lực, không tìm ra “phương thuốc” chữa “căn bệnh” tham công tiếc việc của bố mình, anh em ông Điển đành mua cho bố bộ quần áo mưa thuộc dạng đắt tiền để ông mặc mỗi trời đông rét mướt hay khi mưa gió thất thường.

Thế nhưng, mua về ép thế nào bố ông cũng không chịu mặc mà cứ gói ghém cẩn thật và cất vào trong tủ hay đem cho người khác còn mình thì vẫn cứ bộ quần áo nâu bạc thếch vá chằng vá đụp rồi quấn quanh người bằng tấm ni lon cũng rách tả tơi.

Bố ông bảo, mặc thế quen rồi, diện đồ mới thấy… không cần thiết! “Nhiều hôm trên phố, vô tình bố con gặp nhau tôi chẳng dám nhìn. Thấy bố mình xác xơ đánh vật với xe hàng, là con ai cầm lòng cho được!”, ông Điển nói mắt rơm rớm nước.

Chưa biết bao giờ mới đến… tuổi hưu

Từ nhà ông Điển ra Hà Nội có 2 con đường. Một là đường qua Thạch Bích, hai là đi trên trườn đê ra Mai Lĩnh, Ba La. Cũng chạy hàng hoa quả như bố mình nhưng bởi đi bằng xe máy nên ông Điển thường đi đường qua Thạch Bích bởi đường này nhẵn hơn còn đường đê qua Mai Lĩnh gồ ghề, xóc nảy đom đóm, ông không đi nữa.

Thế nhưng bố ông thì vẫn cứ lối cũ đi về. Thương bố, mấy lần ông đã chỉ dẫn bố nên đi con đường mới đó nhưng bố ông bảo: “Đi đường cũ quen rồi, không muốn thay đổi nữa!”.

Đường đi lại đã khó thế nhưng theo ông Điển, sau buổi chợ về, bố ông cũng chẳng chịu về không. Khi thì trên xe là đống củi cao ngất, khi thì những bó bã mía mà bố ông lượm nhặt trên đường. Những thứ ấy, ông đem về chất đầy một gian kho.

Nhà dùng ga, dùng điện nên những “chiến lợi phẩm” đó bỏ mục, có khi lại phải bỏ đi. Nhiều lần bảo bố không làm cái việc rọn rác cho thành phố ấy nữa nhưng ông cũng chẳng nghe. Ông bảo, thấy người ta vứt thì tiếc, nhặt nhạnh về biết đâu khi cần lại dùng đến.

Bữa trưa bên đường vội vã của cụ ông bán chuối rong. Ảnh: Đào Thanh Tuy

Theo ông Điển thì xuân tới, bố ông bước sang tuổi 90. Tuổi ấy, ở vùng này cũng chẳng còn có mấy người. Đã mấy lần ông ý tứ hỏi bố thấy sức khỏe thế nào thì bố ông vẫn trả lời bằng một câu quen thuộc: “Các anh không phải lo, tôi biết sức khỏe của tôi mà!”.

Bố ông đã nói vậy thì có nghĩa là bố ông chưa muốn rời xa chiếc xe thồ. Mà nếu vậy thì có nghĩa gia đình ông vẫn phải sống trong nỗi bồn chồn lo lắng.

“Đấy, các anh xem, mùa hè thì bố tôi dậy đi từ 3 giờ sáng, còn mùa rét thì cứ 4 giờ là ông cụ đã ra khỏi nhà. Những hôm trời mưa như trút, bảo ông nghỉ ông cũng chẳng nghe. Ông bảo, hàng nhập về rồi, chậm một ngày chín nẫu thì chỉ có vứt đi.

Của tiền… một đống, không bỏ được. Ông đi tôi đi làm cũng chẳng yên. Tối về, cơm dọn lên mà chưa thấy ông về thì cả nhà lại nháo nhào lo lắng. Bao giờ nghe thấy tiếng xe của ông cót két ngoài ngõ thì mới thở phào, mới yên tâm mà ăn với uống!”, ông Điển lo lắng.

Đào Thanh Tuy
Theo Đời sống Plus