Thứ sáu, 22/11/2024 | 05:03
RSS

Ông Donald Trump đã lập nghiệp như thế nào?

Thứ năm, 10/11/2016, 08:01 (GMT+7)

Không giống như nhiều tỷ phú Mỹ thành danh với chứng khoán và công nghệ, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm giàu từ bất động sản.

Đối với hầu hết các tỷ phú Mỹ, chứng khoán và công nghệ là những lĩnh vực giúp họ tạo ra khối tài sản khổng lồ. Nhưng đối với Donald Trump – người vừa vượt qua đối thủ nặng ký là bà Hillary Clinton để trở thành Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ, bất động sản mới thực sự là chìa khóa để dẫn tới sự thành công.

Lập nghiệp từ bất động sản

Tỷ phú Donald Trump vừa trở thành Tổng thống Mỹ

Tỷ phú Donald Trump vừa trở thành Tổng thống Mỹ

Với tính cách quyết đoán, không bao giờ chấp nhận thất bại, Donald Trump đã trở thành một trong số những biểu tượng lớn nhất trong giới tỷ phú trong lĩnh vực bất động sản.

Donald Trump sinh ra trong gia đình có truyền thống kinh doanh và được kế thừa nhiều kinh nghiệm từ cha - ông Fred Trump, một trùm bất động sản nổi tiếng ở New York.

Ngay sau khi tốt nghiệp đại học, Donald Trump đã gia nhập công ty của cha, và bắt đầu sự nghiệp kinh doanh với việc cải tổ khách sạn Commodore thành Grand Hyatt. Ông tiếp tục xây dựng tòa tháp Trump Tower tại New York và một vài dự án nhà ở khác.

Donald Trump sau đó mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực hàng không và sòng bạc, trong đó có việc mua casino Taj Mahal từ tay nhà Crosby.

Từ khi khởi nghiệp, Donald Trump đã xây dựng cho mình một đế chế kinh doanh hùng mạnh trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực bất động sản. Tỷ phú này được coi là “ông trùm” ở Mỹ với cơ ngơi bất động sản vào loại nhất nhì New York.

Danh mục bất động sản thuộc quyền sở hữu và quản lý của ông Donald Trump này bao gồm vô số các khách sạn nổi tiếng, các khu giải trí casino, toà nhà văn phòng, chung cư cao cấp ở rất nhiều thành phố lớn trên toàn cầu.

Trong đó, phải kể đến tòa tháp Trump Tower nguy nga và tráng lệ tại khu phố Manhattan sang trọng, gây sửng sốt trong giới doanh nhân Mỹ.

“Máu liều” trong kinh doanh

Donald Trump sớm nổi tiếng với tính quyết đoán, thậm chí có thể gọi là liều lĩnh khi lao vào hàng loạt các thương vụ “khủng”, với phấn lớn tiền đầu tư đều đi vay.

Sinh ra may mắn, khởi đầu thuận lợi nhưng sự nghiệp kinh doanh của ông cũng không ít lần lao đao và đã từng rơi vào nguy cơ phá sản. Dường như sau nhiều lần phá sản, với Donald Trump chuyện nợ nần không còn quá nghiêm trọng.

Tỷ phú Donald Trump đã không ít lần “vấp ngã” trên thương trường, trong đó có dự án Trump Taj Mahal năm 1991. Đây là lần đầu tiên nộp đơn xin phá sản, và có thể là quá khứ “đau đớn” nhất của ông.

Để cứu vãn tình thế, ông đã bán đi chiếc du thuyền Trump Princess và hãng hàng không Trump Shuttle. Ngoài ra, ông cũng phải nhượng lại một nửa cổ phần tại khách sạn Trump Taj Mahal.

Tòa tháp Trump Tower

Chưa đầy một năm sau khi phá sản lần đầu, Donald Trump tiếp tục phải đến tòa án để nộp đơn xin phá sản cho sòng bạc Atlantic City. Lần phá sản này bao gồm các tổ hợp khách sạn Trump Plaza Hotel ở New York, khách sạn và casino Trump Plaza ở Atlantic City cũng như Trump Castle Casino Resort.

Ông đã từ bỏ một nửa lợi ích của mình ở New York Plaza cho Citibank, nhưng vẫn giữ lại cổ phần của mình tại các sòng bạc.

Đến năm 2004, Donald Trump xin phá sản thứ 3, với khoản nợ của Tập đoàn khách sạn và sòng bạc của ông lên đến 1,8 tỷ USD. Tương tự những lần trước, để cải thiện tình thế, ông phải giảm tỷ lệ cổ phần của mình tại tập đoàn này.

Vụ phá sản gần đây nhất của ông trùm bất động sản là vào năm 2009 tại công ty Trump Entertainment Resorts, sau khi không trả đúng hạn một khoản thanh toán trái phiếu trị giá 53,1 triệu USD. Donald Trump đã từ chức khỏi hội đồng quản trị và từ bỏ số cổ phần còn lại của mình tại công ty.

Tuy nhiên, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tỷ phú Donald Trump đều tỏ ra hết sức hiểu biết và khôn ngoan. Chỉ trong một thời gian ngắn, ông đã lấy lại được tài sản của mình và liên tục phát triển nó thành khối tài sản "khổng lồ" như ngày nay.

Theo ước tính của tạp chí uy tín Forbes, tài sản của vị tỷ phú này vào khoảng 3,7 tỷ USD./.

Trần Ngọc
Theo VOV/ CNN/ Forbes