Ông Đặng Lê Nguyên Vũ là ai?
Đặng Lê Nguyên Vũ là một doanh nhân nổi tiếng và thành công khi tuổi đời còn khá trẻ. Tên tuổi của anh gắn liền với cà phê và những hoài bão, tham vọng vượt xa xuất phát điểm của anh, cũng như khát khao vươn ra tầm thế giới
Tháng 2/2012, Đặng Lê Nguyên Vũ lần đầu tiên được vinh danh là “Vua Cà phê Việt” một cách chính thức trên tạp chí uy tín National Geographic Traveller.
Tháng 8 năm 2012, một tờ báo Mỹ uy tín khác, Forbes, lại khắc họa chân dung về ông như một “Vua Cà phê Việt” trong đó ca ngợi ông là nhân vật "zero to hero" (từ vô danh thành anh hùng).
Đặng Lê Nguyên Vũ còn có sở thích sưu tập tượng của các danh nhân thế giới như Mao Trạch Đông, Napoleon, Balzac hay Beethoven. Ông nói: “Những thay đổi lớn được tạo ra bởi các cá nhân, chứ không phải một nhóm người”.
Khi không phải điều hành Trung Nguyên ở TP.HCM, Đặng Lê Nguyên Vũ lại đến nghỉ ngơi tại căn nhà trên cao nguyên với chuồng ngựa 120 con của mình. Theo giới doanh nhân phương Tây ở Việt Nam tài sản cá nhân của ông Vũ có thể lên tới 100 triệu USD. Đây là một con số khá lớn đối với quốc gia có thu nhập bình quân đầu người 1.300 USD một năm như Việt Nam.
Dám nghĩ khác, nghĩ táo bạo với một quyết tâm đi đến cùng để thực hiện ước mơ, Đặng Lê Nguyên Vũ đã khiến mọi người tin rằng, sự sáng tạo của anh đã đưa cà phê lên một tầm vóc mới, đồng thời, cà phê cũng khơi nguồn cho mọi người sức sáng tạo vô biên. Đó là lý do mọi người gọi anh là Vua cà phê.
Tuổi thơ đi từ con số 0...
Ông Vũ sinh ngày 10/02/1971 tại huyện Ninh Hoà, tỉnh Khánh Hoà trong một gia đình nông dân nghèo. Năm 1979, gia đình ông chuyển đến sinh sống ở huyện miền núi M’drak, tỉnh Đắk Lắk , Việt Nam.
Năm 1981, bố ông gặp trọng bệnh, gia cảnh sa sút, hình thành ý chí làm giàu trong ông. Ông tâm sự: “Tôi không bao giờ quên được cái ngày tăm tối đó, khi bố tôi đổ bệnh nặng mà chạy vạy khắp trong dòng tộc không làm sao kiếm đủ 2 triệu đồng cho ông chữa bệnh!”.
Khi Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới năm 1986, Đặng Lê Nguyên Vũ còn là một học sinh phổ thông. Thời đó, người ta nói rằng muốn làm kinh doanh thì cần phải có “ô dù”. Vũ cũng có ô, nhưng tuổi thơ của ông lại là những ngày bẻ ngô, chăm lợn và giúp mẹ đóng gạch.
Tuổi thơ thời đi học của ông là cảnh lội bộ trên con đường đất đỏ dài 15km trong suốt chín năm, ngày nắng cũng như mưa. Niềm vui trên con đường dài đến trường và về nhà là khi đi ngang qua trạm thuế vụ, thỉnh thoảng có được quả chuối chín hoặc vài củ khoai lang ăn sống của những người buôn bán tốt bụng cho.
Ông là một học sinh giỏi. Năm 1990, ông thi đậu trường Đại học Y Tây Nguyên. Mẹ ông đã phải bán đi nhiều tạ lúa và nhiều thứ khác trong nhà để tôi lên Buôn Ma Thuột nhập học. Vừa đi học, ông vừa đi làm thêm kiếm sống.
Những ngày học ở trường y, lúc nào ông cũng trăn trở về công việc và cuộc sống của người thầy thuốc. Càng học lên, điều đó càng bứt rứt trong lòng ông.
Bước ngoặt cuộc đời
Câu chuyện bắt đầu từ một quyết định đã làm thay đổi cuộc đời Đặng Lê Nguyên Vũ: Rời bỏ đại học ngành y, khởi nghiệp thu mua cà phê về rang xay. Trên chiếc xe đạp cà tàng, những ý tưởng đã dần lớn theo những vòng quay bánh xe. Nung nấu trong đầu chàng trai Tây Nguyên này là câu hỏi: Tại sao Việt Nam, mà chủ yếu là Buôn Mê Thuột, nơi có hạt cà phê vào loại ngon nhất thế giới, xuất khẩu cà phê cũng vào hàng đầu thế giới, nhưng giá trị thu về vẫn thấp, nông dân vẫn nghèo?
Những nhà xuất khẩu cà phê thô chỉ được hưởng một phần nhỏ, trong khi lượng tiền khổng lồ rót vào túi những hãng chế biến cà phê. Nguyên Vũ nhận ra, chỉ có chế biến cà phê, thì giá trị cà phê mới tăng lên gấp nhiều lần. Điều đó Việt Nam hoàn toàn có thể. Bởi đâu chỉ có hạt cà phê chất lượng, bí quyết rang xay cà phê của Việt Nam, đặc biệt là Buôn Mê Thuột đâu hề kém cạnh nơi nào. Ai đã từng thưởng thức ly cà phê Ban Mê, sẽ chẳng thể quên hương vị nồng nàn, quyến rũ của nó.
Phải làm cái gì đó khác, để thay đổi những thói quen cũ, nhưng lại phù hợp với xu hướng phát triển. Đó chính là tầm nhìn. Đặng Lê Nguyên Vũ đã có một nhận thức và tầm nhìn xa rộng về cà phê Việt Nam. Nhưng bắt đầu từ con số không, không thể trách nhiều người cho rằng anh không tưởng, viển vông. Nhưng anh vẫn quyết tâm, bởi anh nhìn thấy con đường. Và anh có sức sáng tạo không giới hạn chảy trong huyết quản.
Đặng Lê Nguyên Vũ đã đặt một cái tên khởi đầu sự nghiệp của mình, mà nghe qua ai cũng thấy “ngông”: “Hãng cà phê Trung Nguyên”. Chữ “Hãng”, trong tiếng Việt, và trong giới kinh doanh, phải là một cơ sở to tát, chứ không thể là một căn nhà nhỏ ọp ẹp và chiếc máy rang xay cà phê cũ kỹ công suất thấp.
Nhưng không lâu sau đó, cà phê Trung Nguyên vượt ra khỏi ranh giới Đắk Lắk, và làm một cuộc đổ bộ rầm rộ, nhanh chóng đến Sài Gòn năm 1998 qua phương thức nhượng quyền thương hiệu. Đây là cách mở rộng kinh doanh hiệu quả nhất bởi nó huy động được nguồn lực từ nhiều người khác để lớn mạnh, tạo thành một sức mạnh tổng hợp. Những năm của thập kỷ 90 thế kỷ trước, xuất hiện ở đâu, những quán cà phê Trung Nguyên cũng có sức hút mãnh liệt với dân ghiền cà phê.
Đâu chỉ có thế, cà phê Trung Nguyên còn dẫn dắt những người thưởng thức cà phê đến với những cảm thức mới về cà phê. Với việc tạo ra những loại cà phê khác nhau, hương vị khác nhau một cách tinh tế, Đặng Lê Nguyên Vũ đã khiến khách hàng có thể tự biến mình trở thành người sành điệu về cà phê qua việc phân biệt sự khác nhau trong từng hương vị của cà phê.