Nhiều người cho rằng shipper là nghề "rẻ tiền" (ảnh minh hoạ: GD&TĐ)
Một ngày làm shipper của anh Nguyễn Văn Hùng (28 tuổi, trú tại Định Công, Hà Nội) bắt đầu từ 9h sáng và kết thúc vào 7h tối. 9 tiếng làm việc trong một ngày có thể là con số không lớn với nhiều người. Tuy nhiên, với những người làm công việc giao đồ ăn thức uống, chạy xe máy liên tục dưới thời tiết nắng như đổ lửa là điều thực sự không dễ dàng.
Ngồi bên quán nước ven đường dưới cái nắng chói chang của mùa hè, đưa tay gạt nhanh những giọt mồ hôi đầm đìa trên khuôn mặt, Hùng kể trước đây công việc chính của anh là đi lắp đặt điều hòa. Tuy nhiên, vì phải leo trèo nguy hiểm, thu nhập lại theo mùa vụ không ổn định nên đành bỏ nghề. Sau đó, được bạn bè giới thiệu, Hùng tham gia vào “đội quân shipper”.
Ai cũng nghĩ nghề shipper đơn giản, chỉ cần nhận hàng từ người bán giao cho người mua là hoàn thành công việc. Nhưng thực tế đôi khi lại không hề xảy ra theo cách đơn giản như vậy. Hùng kể có lần ứng cả triệu tiền hàng hải sản, giao gần đến nơi thì khách thông báo có việc đột xuất. Định quay trở lại cửa hàng để trả thì gặp cảnh tắc đường, chờ cả tiếng đồng hồ mới đến nơi, lúc này đồ đã bị ươn chủ hàng không chịu nhận, Hùng đành ngậm ngùi ôm lấy mớ hàng.
Cũng có lần, khách đặt vài cốc trà sữa, đi gần chục cây số mang đến nơi thì điện thoại khách không liên lạc được. “Thế là mất toi cả buổi trưa cho việc chờ đợi và rước bực vào mình” - Hùng chia sẻ.
Hình ảnh một shipper khốn khổ vì bị bom 1,2 triệu tiền hàng
Tâm sự về công việc shipper sau gần 2 năm làm nghề, Hùng cho biết: “Công việc này lấy đi quá nhiều sức khỏe thời tiết xấu mới có nhiều đơn, chứ mát mẻ đâu ai cần mình. Cả ngày chỉ ngồi xe máy có nhiều khi lưng đau như muốn gẫy, về đến nhà là không còn đủ sức làm việc gì nữa. Hay thậm chí có những lúc đi nắng nhiều cũng hoa mắt chóng mặt. Nhưng cũng không còn cách nào khác, vì công việc vì miếng cơm manh áo nên phải chấp nhận đánh đổi”.
Ngoài ra, có một thực tế mà Hùng phải xót xa thừa nhận đó là trong mắt nhiều người, shipper thực sự chỉ là nghề “rẻ tiền”, không có giá trị.
“Có nhiều cửa hàng rất thân thiện các shipper, nhân viên luôn ưu tiên phục vụ shipper. Tuy nhiên có những cửa hàng shipper chả là cái gì cả, nhân viên tỏ thái độ khinh thường, thậm chí phân biệt đối xử so với khách khác.
Có những quán hồi đầu mới mở ra rất thân thiện nhưng sau 1 thời gian nhờ các shipper đã phát triển đáng kể, có được đã có 1 lượng khách ổn định thì lại không coi shipper ra gì cả. Tuy nhiên, vì công việc mà đôi khi mình vẫn phải ngậm đắng nuốt cay. Im lặng để nhân viên hàng quán quát tháo chỉ mong lấy được hàng còn nhanh chóng đi giao” - Hùng ngậm ngùi chia sẻ.
Chàng trai đến từ Hà Nội cũng thẳng thắn thổ lộ: “Đi làm shipper là phải xác định mình chẳng có quyền gì cả. Cửa hàng chấm điểm cho ship, khách cũng có thể chấm điểm, nhưng shipper thì không. Ứng dụng đặt hàng có phần phân loại đơn tốt, không tốt. Nhiều khi ship chẳng làm gì (không muộn thời gian, không thiếu đồ, thái độ tốt) nhưng vẫn bị khách đánh giá không tốt chỉ bởi vì không vừa lòng với của hàng.
Một thông báo được dán ở quán trà sữa khiến nhiều tài xế Grab cho rằng mình bị 'kỳ thị'
Dù lắm nỗi gian truân, vất vả, đôi khi gặp rủi ro trong nghề, nhưng nếu chịu khó, cẩn thận, không quản khó, ngại khổ, mỗi tháng shipper cũng kiếm được 10 – 15 triệu đồng. Điều này là lý do mà nhiều bạn trẻ, thậm chí cả sinh viên tốt nghiệp đại học chấp nhận chạy theo.
Tuy nhiên, Hùng cũng thừa nhận rằng chưa bao giờ anh có ý định gắn bó lâu dài với công việc này. “Nói gì thì nói shipper không phải là nghề, chỉ là công việc tạm thời. Về lâu về dài, mình e rằng đến lúc có muốn chạy cũng không còn đủ sức khoẻ và kiên nhẫn để tiếp tục”.