Một phần bản danh sách thí sinh bị thay đổi điểm thi môn Ngữ văn sau khi chấm thẩm định tại Sơn La (Ảnh: Dân trí)
Theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Sơn La và kết quả chấm thẩm định của Bộ giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT), có 44 thí sinh của Hội đồng thi Sở GD-ĐT tỉnh Sơn La với 95 bài thi trắc nghiệm và 2 bài thi ngữ văn có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm thi đã công bố trước đây. Trong đó, thí sinh có điểm thi sau thẩm định giảm nhiều nhất là 26,55 điểm (tổng 3 môn). Bài thi có điểm giảm nhiều nhất là môn toán với 9,00 điểm.
Chỉ 1 thí sinh mà được nâng khống tổng điểm đến 26,55 thì quá khủng khiếp! Mục đích chắc chắn là để đỗ vào các trường đại học có điểm chuẩn rất cao. Giả sử thí sinh này có điểm thi bằng 0 (tức là bị điểm liệt, không được xét tốt nghiệp), chỉ riêng với số điểm được nâng khống 26,55 đó, thí sinh này thừa sức trúng tuyển vào các trường đại học y dược (năm 2018, điểm chuẩn vào các trường đại học y dược danh tiếng hầu hết đều dưới 25 điểm). Thử tưởng tượng xem, học dốt cỡ đó mà cũng đòi làm bác sĩ, sau này "cầm nắm" biết bao sinh mạng, số phận bệnh nhân thì đáng kinh sợ nhường nào!
Còn hậu quả thực tế đã xảy ra của nạn gian lận điểm thi - như mọi người đã biết - cũng thật khủng khiếp. Cho dù Bộ GD-ĐT có giải thích kiểu gì thì xì-căng-đan động trời ấy vẫn khiến người ta mất niềm tin vào kỳ thi THPT quốc gia. Và nhiều thí sinh khác có năng lực hơn và học hành chăm chỉ, lẽ ra cơ hội trúng tuyển đại học là của các em nhưng đã bị người khác đánh cắp. Thay vì bước vào giảng đường đại học với tương lai có thể tươi sáng, nhiều thí sinh rớt đại học đã phải chọn lối rẽ khác cho cuộc đời mình, nhọc nhằn hơn. Ai bù đắp cho sự thiệt thòi này?
Dư luận xã hội nhìn chung rất ủng hộ Bộ GD-ĐT và Bộ Công an trong việc kiên quyết làm sáng tỏ và xử lý thích đáng những cá nhân, tập thể nhúng chàm trong kỳ thi TPHT quốc gia 2018 (có thể là những kỳ thi trước đó nữa). Nhưng đã làm thì phải làm cho tới, thà một lần đau mà cắt bỏ được ung nhọt để cơ thể lành lặn thay vì dung dưỡng nó để phải đối mặt những hiểm họa sau này.
Cụ thể là phải công bố rộng rãi toàn bộ danh sách các thí sinh được nâng điểm. Đừng lấy lý do "sợ ảnh hưởng tâm lý các em" mà lờ đi chuyện này, bởi lẽ các thí sinh đều đã 18 tuổi (hoặc hơn), hoàn toàn có thể chịu trách nhiệm công dân theo luật định. Hơn nữa, các em đều biết mình được nâng điểm; biết mà im lặng và chấp nhận nó, tức là gian dối, đồng lõa với sự sai trái. Ở cái tuổi chuẩn bị vào đời và trưởng thành mà đã sớm tham gia làm chuyện xấu tày trời như vậy, lại không phải chịu trách nhiệm gì cả, thì sau này trở thành "trí thức" được sao?
Quan trọng nữa là phải làm rõ và công bố những ai đã dùng quyền lực và tiền bạc can thiệp vào điểm thi của các thí sinh. Đương nhiên là các cán bộ khảo thí không cớ gì tự nguyện bắt tay nhau lén lút nâng khống điểm qua các công đoạn phiêu lưu như vậy mà chẳng được gì. Họ thừa biết làm vậy là vi phạm pháp luật có nguy cơ thân bại danh liệt, nên phải được đổi chác bằng giá trị vật chất hoặc cam kết quyền lực tương xứng thì họ mới làm.
Bất cứ phụ huynh hoặc cá nhân có thế lực nào đã dùng quyền và tiền mua điểm cho con, cháu đều phải bị bêu tên, xử lý kỷ luật, thậm chí xem xét trách nhiệm hình sự. Phải làm tới tận cùng như vậy thì mới đúng với bản chất vụ việc và lấy lại thanh danh cho kỳ thi THPT quốc gia nói riêng, ngành giáo dục nói chung.
Về việc này, cả nước đang nhìn vào Bộ GD-ĐT!