Chủ nhật, 06/10/2024 | 22:55
RSS

Nỗi niềm giáo viên cắm bản

Thứ tư, 21/04/2021, 14:49 (GMT+7)

Buổi sáng phòng là lớp học, tối đến là chỗ sinh hoạt ăn, ngủ của hơn 20 cô giáo trường mầm non xã Yên Thắng, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hoá). Sinh hoạt tập trung nên không gian riêng tư cho cả hiệu trưởng và các giáo viên gần như không có…


Giáo viên và học sinh tại điểm Trường Mầm non xã Yên Thắng (Lang Chánh, Thanh Hóa).

Sáng là lớp học, tối là nhà

Con đường tỉnh lộ 530 đầy khó nhọc, đưa chúng tôi ngược về Trường Mầm non Yên Thắng, huyện miền núi Lang Chánh (Thanh Hóa) trong một ngày không có nắng. Buổi sáng, những bản làng vùi trong sương sớm, dọc đường thấp thoáng bóng người đi nương và tiếng ríu ran của con em dân bản tới trường.

Cô Lê Thị Phượng, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Yên Thắng tay bắt mặt mừng khi thấy chúng tôi. Có lẽ, lâu lắm cô Phượng mới có khách ở xa thế đến thăm. “Ở điểm trường vùng cao còn vô vàn khó khăn này, ít khi các cô có khách dưới xuôi lên thăm. Phải là khách đặc biệt lắm nhỉ!”, cô Phượng cười và bắt chặt tay chúng tôi như những người thân lâu ngày mới có dịp tái ngộ.

Quan sát quanh nhanh căn phòng nhỏ của cô hiệu trưởng, phần nào cũng cho thấy những khó khăn hiện hữu. Ngoài bộ bàn ghế tiếp khách, căn phòng nhỏ còn có thêm 1 chức năng nữa là chứa đựng đồ đạc, các dụng cụ để giảng dạy của nhà trường.

Theo cô Phượng, do địa hình đồi núi phân cách nên nhà trường vẫn còn tới 5 khu lẻ nằm rải rác tại các bản. Với hơn 400 học sinh, nhà trường được bố trí 47 cán bộ giáo viên; trong đó, có 25 cán bộ giáo viên nữ từ miền xuôi và các huyện khác lên công tác phải ở lại. Khó khăn hiện tại của nhà trường, đầu tiên phải kể đến là thiếu phòng lớp học (thiếu 5 phòng), cũng như tình trạng xuống cấp tại 1 số điểm lẻ. Bên cạnh đó, bất cập nhất là hơn 20 cán bộ giáo viên hiện không có nhà công vụ để ăn ở, sinh hoạt.

“Vậy các cô ở đâu sau những giờ lên lớp?”, tôi hỏi cô. Theo cô Phượng thì, ngày trước cũng có cô ra ở trọ với bà con dân bản. Tuy nhiên, do phong tục và tập quán và nhiều nguyên nhân khác, đến giờ các cô đều ở lại trường, điểm trường góp gạo thổi cơm chung. Theo đó, khu chính có 12 cô ở lại tại trường, khu Vần có 6 cô, khu Tráng 2 cô, khu Vặn 5 cô. Khó khăn hơn cả là các cô ở lại tại những khu lẻ.

Để ra trung tâm mua sắm lương thực, thực phẩm cõng về điểm trường, các cô phải cuốc bộ hàng cây số đường khó, địa hình cách trở. Nơi ăn, ngủ của các cô cũng là tạm. Giường là những chiếc đệm, là cái chõng vốn của các con tận dụng để nằm. Phòng học gánh thêm 1 chức năng là mái nhà chung của các cô. 

Nỗi niềm người “gieo chữ” rẻo cao

Câu chuyện với những giáo viên ở đây, chúng tôi cũng được biết: Tại ngôi trường vùng cao này, đa phần các giáo viên đều là nữ và hầu hết các cô giáo lên đây “cắm bản” có tuổi đời còn rất trẻ, có người mới lập gia đình, hoàn cảnh khó khăn.

Để đảm bảo việc giảng dạy nhiều cô phải địu cả con lên bản để nuôi dạy rất vất vả. Trong đó có thể kể như, trường hợp cô Lê Thị Tuyến (25 tuổi) phải địu đứa con 4 tuổi lên khu Vặn vừa để chăm con, vừa lên lớp; cô Phạm Thị Tâm Thương có con 5 tuổi, dạy ở khu Ngàm; cô Hà Thị Nguyệt (27 tuổi), có con 2 tuổi đưa lên khu Ngàm; Cô Nguyễn Thị Viễn, có con 5 tuổi dạy ở  khu Vần…

Cô Phạm Thị Tâm Thương nén cảm xúc tâm sự: “Nhà hai vợ chồng em ở dưới thành phố, chồng làm tự do thường xuyên vắng nhà, trong khi ông bà nội tuổi cũng đã cao nên em đưa con lên đây ở cùng, vừa là tiện chăm sóc, dạy dỗ và một phần cũng vì nhớ con, không thể thường xuyên xuôi ngược, tốn kém. Tuy nhiên bất cập ở chỗ, chồng em cũng bảo nhớ con, muốn lên thăm con cũng khó vì không có nơi ở”.

Khi trời chiều rủ bóng, các con trở về nhà cũng là lúc các cô giáo tất bật dọn dẹp đồ đạc. Dọn xong, những tấm đệm đã cũ từ kho được các cô mang ra trải dồn về một góc phòng học, bên cạnh những đồ chơi, tranh vẽ của các con. Hôm nay các cô rôm rả hơn khi trường có khách, song cũng có những cô tủi ngại mà lẩn tránh những ánh nhìn.

Trước khi rời trường, rời bản ông Lương Văn Hải - Chủ tịch UBND xã Yên Thắng không khỏi trăn trở níu vai tôi: “Các cô dưới xuôi lên đây công tác giảng dạy đã phải chịu nhiều khó khăn, thiệt thòi. Không chỉ bà con dân bản kiến nghị, mà mỗi cán bộ như chúng tôi cũng ái ngại khi để các cô phải ăn ở tại trường, tại lớp. Tuy nhiên, để giải quyết khó khăn này thì xã gần như “lực bất tòng tâm”. Hy vọng những kiến nghị về một dự án nhà công vụ cho các cô sẽ sớm được triển khai”…

NGUYỄN CHUNG
Theo Đại Đoàn Kết