Thứ bảy, 20/04/2024 | 04:41
RSS

'Nơi nắng gió như Tây Nguyên không nhất thiết phải dùng khẩu trang y tế'

Thứ tư, 05/02/2020, 16:56 (GMT+7)

Đây là phát biểu của ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Thứ trưởng Bộ Y tế tại cuộc họp báo chiều ngày 5/2.

15h chiều hôm nay (5/2), Bộ Y tế tổ chức họp báo, thông tin chính thức về tình hình dịch virus corona diễn biến phức tạp trong thời gian qua tại Việt Nam Chủ trì cuộc họp là ông Nguyễn Thanh Long, Phó trưởng Ban Tuyên giáo TƯ, Thứ trưởng Bộ Y tế.

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế, đặc trưng của virus này khi ho, hắt hơi, virus không lơ lửng trong không khí, mà bám khá lâu vào các bề mặt gỗ, đá, sắt.... Khi tay chạm vào các bề mặt và sờ lên mắt, mũi, miệng sẽ lây bệnh. Vì thế, phải rửa tay nhiều lần trong ngày.

Phòng bệnh tốt nhất bằng tránh đến nơi đông người và tiếp xúc đám đông chưa biết rõ. Và biện pháp quan trọng ít người để ý là lau bàn ghế, sàn nhà... bằng dung dịch vệ sinh bề mặt.

"Vậy khẩu trang có là vị cứu nhân không? Tổ chức y tế thế giới công bố dựa trên những chứng cứ khoa học đó là không cần đeo khẩu trang y tế với những người chưa biểu hiện bệnh và những vùng có nhiều nắng gió như Tây Nguyên", ông Long nhấn mạnh. 

“Khẩu trang không phải là cứu tinh, bởi chưa chứng minh được hiệu quả phòng bệnh. Nơi nắng, gió như Tây Nguyên không nhất thiết dùng khẩu trang y tế. Virus này rất sợ nắng, gió và tia cực tím” - ông Long hướng dẫn.

Chỉ đeo khẩu trang thôi sẽ không phòng ngừa bệnh hiệu quả. Ảnh: Thanh niên

Hiện nay dịch bệnh có 4 phương thức lây lan chủ yếu.

Thứ nhất, lây truyền qua không khí: tiếp xúc với nước bọt từ người ho, hắt hơi, rồi virus xâm nhập vào đường hô hấp.

Thứ hai, lây truyền trực tiếp khi tiếp xúc với người bệnh, bắt tay khi không thực hiện các biện pháp dự phòng như rửa tay...

Thứ ba, lây truyền khi tiếp xúc với các bề mặt bị nhiễm bẩn như bề mặt gỗ, đá, sắt, thép, vải,... có thời gian tồn tại khá lâu, khi con người sờ vào các bề mặt đó rồi đưa lên mắt mũi miệng dễ bị nhiễm.

Thứ 4, lây truyền qua đường phân, chủ yếu do chăm sóc người bệnh.

Tổ chức Y tế thế giới WHO khuyến cáo nên tránh xa người bệnh khoảng 1m. Khi ho, hắt hơi, sổ mũi, sẽ khiến virus bắn xa 1,8m, do đó người dân nên dùng các dụng cụ như khẩu trang (không nhất thiết phải sử dụng khẩu trang y tế), giấy rồi bỏ vào nơi đúng quy định, sau đó rửa tay bằng xà phòng hoặc nước diệt khuẩn.

 Ngoài ra, các chuyên gia cho rằng đỉnh dịch của Trung Quốc là 7-10 ngày tới. Còn Việt Nam thì còn quá sớm để nhận xét, nhưng nếu áp dụng đồng bộ các biện pháp, thì hiệu quả tốt hơn.

Việt Nam không đóng cửa biên giới, mà dùng biện pháp ngăn chặn, cách ly người từ vùng dịch về. Lý do ùn ứ hàng hoá là do phía bạn, nhưng đến 5-2 thanh long đã xuất khẩu được.

Minh Thuật ((tổng hợp)
Theo Đời sống Plus/GĐVN