Thứ bảy, 18/01/2025 | 19:57
RSS

Nỗi đau của bậc sinh thành sau thảm án em chồng chém chết chị dâu dã man vì chiếc điện thoại

Thứ ba, 29/11/2016, 06:55 (GMT+7)

4 năm kể từ khi vụ án xảy ra, đôi bên thông gia đã quyết định gạt bỏ hận thù chung tay nuôi dưỡng đứa cháu

Án mạng kinh hoàng từ chiếc điện thoại

Vụ án Nguyễn Bá Yêm (sinh năm 1993) dùng dao sát hại dã man chị dâu là Mai Thị Thao (sinh năm 1987) đã trôi qua được 4 năm nhưng đối với người dân thôn Duyên Tục, xã Phú Lương (Đông Hưng – Thái Bình) đó vẫn là những kí ức kinh hoàng.

Tìm đến thôn Duyên Tục, PV vẫn không thể ngờ rằng dư âm của vụ án mạng xảy ra cách đây 4 năm lại nặng nề như vậy. Người già, người trẻ nơi đây đều có thể kể rành mạch như chính mình chứng kiến tận mắt vụ án đau lòng. 

Ngôi nhà ông Thụ (bố đẻ hung thủ Yêm) nằm đìu hiu bên con mương lớn ngập đầy hoa lục bình. Dẫn chúng tôi vào nhà, ông Thụ ngồi trầm ngâm nghĩ lại vụ việc thương tâm năm nào.

“Nguyên nhân vụ việc có gì đâu, tất cả cũng đều do chiếc máy điện thoại mà ra cả. Tôi còn nhớ hôm đó là tối ngày 6/3/2012, điện thoại của thằng Yêm hết tiền nên nó xuống nhà thằng anh cả (anh Nguyễn Bá Điềm – chồng nạn nhân Thao) mượn điện thoại để gọi.

Ông Thụ (bố đẻ hung thủ Yêm) chia sẻ với PV. Ảnh: Nguyễn Duẩn

Ông Thụ (bố đẻ hung thủ Yêm) chia sẻ với PV. Ảnh: Nguyễn Duẩn

Cái Thao nhớ ra ngày hôm sau thằng Điềm phải đi xây ở Hà Nội nên nói ý chồng tháo cái sim trong máy điện thoại ra để còn gọi về nhà. Thằng Yêm nghe thấy vậy vùng vằng, ném chiếc điện thoại về phía anh trai mình rồi bỏ đi.

Tưởng rằng mọi chuyện chỉ có thế nên thằng Điềm sang nhà bố vợ bàn chuyện đi làm. Con Thao ở nhà mang bát ra sân giếng rửa thì bị thằng Yêm dùng dao phay để trên bể chém túi bụi, công an xác định là 11 nhát gì đấy, trong đó có 2 nhát vào cổ làm cái Thao gần đứt lìa đầu, chết ngay tại chỗ”.

Ông Thụ cho biết thêm, ngay sau khi gây án, Yêm vứt con dao xuống ao nhà rồi chui vào trong buồng, đóng cửa cố thủ. Mãi cho đến khi an ninh xóm đến Yêm mới chịu mở cửa đầu thú.

Bà Miến (mẹ đẻ hung thủ Yêm) nghẹn ngào cho biết thêm: “Gia đình chúng tôi cũng không ngờ sự việc xảy ra như vậy. Trước khi vụ việc xảy ra, thằng Yêm và chị dâu nó thân nhau lắm, nào có ai ngờ”.

Liên quan đến vụ án, ông Thụ cho biết thêm. Qua quá trình điều tra, cơ quan chức năng xác định Yêm có dấu hiệu bị bệnh tâm thần nên không truy cứu trách nhiệm hình sự, trả tự do về cho gia đình điều trị.

Nỗi đau người ở lại

Nói về hoàn cảnh gia đình, bà Miến khóc nấc lên. Bà cho hay, sau khi án mạng đau lòng xảy ra, trong làng ngoài xóm truyền tai nhau đồn đại cho rằng nhà bà đã hết phúc.

Sở dĩ có chuyện như vậy là trong vòng 2 năm gia đình bà liên tiếp gặp những chuyện không may, khởi đầu là cái chết của bố chồng bà.

Tiếp theo, vào đúng ngày giỗ đầu bố chồng bà thì Yêm bị tai nạn giao thông rồi trở nên điên điên, dở dở. Để rồi sau  đó, chính Yêm đã gây ra vụ án mạng thương tâm cướp đi sinh mạng người chị dâu trưởng.

Bà Miến (mẹ đẻ hung thủ Yêm) kể lại vụ án năm nào. Ảnh: Nguyễn Duẩn

Bà Miến (mẹ đẻ hung thủ Yêm) kể lại vụ án năm nào. Ảnh: Nguyễn Duẩn

Khi vụ việc vẫn chưa lắng xuống, ông Thụ đau buồn quá rồi ngã bệnh, mất hẳn sức lao động. Trước đây khi chưa ngã bệnh, ông Thụ vẫn thường đi phụ hồ kiếm đồng ra, đồng vào cho gia đình.

Sau khi vụ việc xảy ra, người dân làng cũng ái ngại nên không ai dám thuê ông. “Họ kiếm cớ đuổi khéo không thuê mướn tôi làm gì nữa” - ông Thụ chua xót nói. Bây giờ ngoài thời gian làm việc ngoài đồng, ông bà dành hết tình yêu thương cho đứa cháu nội năm nay vừa tròn 8 tuổi.

Khi được hỏi về anh Điềm, cả hai ông bà đều không giấu nổi sự xót thương cho người con trai cả.

“Vợ nó mất được ít ngày thì nó xin phép gửi đứa con gái cho vợ chồng tôi chăm nom rồi vay mượn đi xuất khẩu lao động. Nó kí hợp đồng sang Ả Rập làm công nhân điện 3 năm.

Tuy nhiên mới đi được hơn 1 năm thì họ phá hợp đồng, yêu cầu nó về nước. Những lúc ngồi tâm sự tôi vẫn cứ khuyên nó đi thêm bước nữa, có người đỡ đần nuôi dạy con nhưng nó không chịu.

Tôi biết nó thương con Thao, những lúc uống rượu với bạn bè, quá chén, nó vẫn gào tên con Thao, ôm ảnh vợ khóc nức nở. Còn đứa con nó, thỉnh thoảng vẫn ôm cổ ông hỏi mẹ đâu?

Trước nó còn nhỏ thì còn nói dối là mẹ đi làm, sau lớn dần rồi nó cũng biết. Được cái con bé học hành giỏi giang, ông, bà, bố cũng được an ủi phần nào” - bà Miến nghẹn ngào.

Lại nói về Yêm, ông Thụ cho biết, sau khi xác định có dấu hiệu tâm thần và được thả tự do, Yêm được đưa về chăm sóc và điều trị tại nhà. Gia đình cũng đã đưa đi chữa bệnh ở nhiều nơi nhưng chưa có dấu hiệu tiến triển.

Những lúc trở trời hay nắng nóng, Yêm lại lên cơn, đập phá đồ dạc và nhiều lần đe doạ giết cả nhà. Người làng không ai dám đến gần những lúc Yêm lên cơn.

4 năm nghi ngờ bệnh thần kinh của hung thủ

Để bổ sung thêm thông tin, PV tìm đến nhà ông Mai Đức Trợp (bố đẻ nạn nhân). Ông Trợp cho biết, ngay sau khi con gái bị giết hại dã man, ông bà cũng đã nhờ đến chính quyền địa phương đâm đơn kiện khắp nơi đòi lại công bằng cho con gái.

Ông Trợp (bố đẻ nạn nhân Thao) từng trăn trở rất nhiều về bệnh thần kinh của hung thủ. Ảnh: Nguyễn Duẩn

Ông Trợp (bố đẻ nạn nhân Thao) từng trăn trở rất nhiều về bệnh thần kinh của hung thủ. Ảnh: Nguyễn Duẩn

Trong lúc mọi chuyện còn chưa đâu vào đâu ông bà tuyên bố sẽ không qua lại với thông gia, đồng thời cũng theo kiện đến cùng.

Sau khi có kết luận Yêm mắc bệnh tâm thần của Toà án nhân dân tỉnh Thái Bình, ông bà Thụ đã dẫn Yêm sang bên nhà ông Trợp.

Tại đây Yêm đã quỳ gối, đập đầu xin gia đình ông tha thứ. Một mặt là thông gia với nhau, một mặt còn tình làng nghĩa xóm nên ông bà đã chấp nhận, rút đơn kiện cáo, không truy cứu đến cùng sự việc nữa.

Giống như bao bậc cha mẹ khác, ông Trợp cũng đau buồn trước sự ra đi của con gái. Tuy vậy, linh tính trong người đàn ông từng 7 năm làm trưởng công an xã cho thấy có điều gì đó không ổn trong vụ án này.

Vợ chồng ông Trợp cho biết sẽ xóa bỏ mọi hận thù để lo cho đứa cháu gái. Ảnh: Nguyễn Duẩn

Vợ chồng ông Trợp cho biết sẽ xóa bỏ mọi hận thù để lo cho đứa cháu gái. Ảnh: Nguyễn Duẩn

Trong suốt 3 năm từ ngày con gái mất, ông Trợp vẫn luôn day dứt về lời kết luận hung thủ bị mắc bệnh tâm thần, được miễn truy cứu trách nhiệm hình sự.

Ông đưa ra cho PV hàng loạt những lý lẽ: “Thứ nhất, sau khi con gái tôi bị hạ sát, thằng Yêm vẫn bình tĩnh giấu hung khí gây án, chạy vào nhà lẩn trốn mọi người. Một thằng mắc bệnh tâm thần không bao giờ làm được như thế.

Thứ 2, sau khi được xác nhận là bị tâm thần, thằng Yêm được trả về nhà. Không giống như những đứa bị tâm thần khác, nó vẫn kéo lúa, tát nước, đi tán gái, làm lụng bình thường.

Thứ 3, đáng ra khi kết luận thằng Yêm bị tâm thần, cơ quan công an phải tiến hành theo dõi để xác minh. Nhưng không có một cuộc kiểm tra nào từ hồi nó được thả”.

Nhiều đêm trong giấc mơ, những câu hỏi đó vẫn ám ảnh tâm trí ông. Dẫu vậy ông Trợp cho biết thêm đó cũng chỉ là những suy luận của riêng cá nhân ông.

Nhắc đến đứa cháu ngoại tuổi vẫn chưa đủ lớn, ông Trợp nghẹn ngào: “Con bé hiện giờ đang sống với gia đình ông bà nội. Những khi ông bà bên ấy có việc bận, tôi đều xin đón cháu về để chăm sóc. Chỉ mong tình cảm của ông bà có thể phần nào bù đắp được những thiệt thòi mà cháu phải trải qua

Bản án cũng được đưa ra rồi. Sự việc cũng trôi qua hơn 4 năm, có đào sâu thêm thì người chết cũng không thể sống lại được. Điều quan trọng nhất đối với gia đình tôi bây giờ là cố gắng chăm lo cho đứa con gái duy nhất của nó”.

Nguyễn Duẩn
Theo Đời sống Plus