Thứ sáu, 26/04/2024 | 10:50
RSS

Nỗi buồn của những đứa trẻ mồ côi

Thứ ba, 15/12/2020, 19:15 (GMT+7)

Lối rẽ nào cho các em trước ngưỡng cửa tương lai? Câu hỏi ấy cứ chập chờn như bánh xe lăn qua những con dốc, lăn qua những con đường lởm chởm đất đá… lẩn khuất sau những cánh rừng nơi miền Tây xứ Nghệ.

Nỗi buồn của những đứa trẻ mồ côi
Một tiết học tại Trường Tiểu học Lượng Minh (Tương Dương, Nghệ An).

Những tổ ấm lạnh lẽo...

Có những nỗi đau không gì bù đắp, có những thiếu thốn chẳng thể lấp đầy, có những nỗi buồn khó để nguôi ngoai. Và tôi chẳng thể mường tượng hết những xúc cảm, khát khao trong trái tim của những đứa trẻ ấy - những đứa trẻ mồ côi ở các bản làng vùng cao xứ Nghệ.

Trong số những huyện miền núi phía Tây Nghệ An, Tương Dương được biết đến là vùng đất có đầy đủ các tệ nạn ma túy, vàng tặc, lâm tặc, buôn bán người… Hệ lụy từ những vấn nạn ấy đã khiến bao gia đình tan nát, bản làng tiêu điều, để rồi những đứa trẻ nơi ấy sớm phải sống cảnh mồ côi.

Ngót 1 giờ, vượt quãng đường gần 15km từ thị trấn Hòa Bình, chênh vênh một bên núi cao một bên dòng Nậm Nơn, chúng tôi mới đặt chân đến trung tâm xã Lượng Minh.

hầy Nguyễn Văn Thanh- Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lượng Minh, cho biết: Các em ở đây, mỗi đứa một số phận, một hoàn cảnh, thương lắm. Vừa đi, thầy Thanh vừa chậm rãi: Trường có 548 học sinh nhưng có đến 71 cháu mồ côi, chiếm gần 1/8 tổng số học sinh của trường đấy. Thương nhất vẫn là những trường hợp mồ côi, không nơi nương tựa ở điểm trường Chăm Puông.

Đơn cử như trường hợp hai chị em Ngân Thị Hợi và Ngân May Khăm rau cháo nuôi nhau đã mấy năm. Hợi 13 tuổi học lớp 6 Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Lượng Minh còn Khăm học lớp 4E tại điểm trường Chăm Puông.

Có bố, có mẹ mà “cũng như không” bởi mẹ đã bỏ đi biệt xứ, còn bố làm phu vàng tận Quảng Nam. Thiếu vắng người lớn, tổ ấm ấy đã trở nên hoang lạnh, vách nứa dột tứ tung. Khi được hỏi về cuộc sống thường ngày, Ngân Thị Hợi cúi mặt: Cha mẹ đi lâu rồi không về. Hai chị em ở với nhau, bữa nào không có ăn thì nhịn.

Hay như, 2 chị em Lương Thánh Nông lớp 3E và Lương Thị Tường lớp 4E trú tại bản Xộp Mạt, hai chị em sớm mồ côi cha mẹ, phải về ở nhờ nhà chú ruột. Nghèo, nhận thức hạn chế, người chú ấy chẳng thiết tha đến chuyện học của hai đứa cháu kém may mắn.

Theo thầy Đào Như Kiều, giáo viên chủ nhiệm lớp 4E, điểm trường Chăm Puông, Trường Tiểu học Lượng Minh cho biết: Cứ học được ít bữa lại thấy hai chị em Nông, Tường nghỉ học. Đến nhà thì hai đứa đang phải chăn bò vì ông chú không muốn cho đi học.

Những đứa trẻ sống “lay lắt” như vậy ở Lượng Minh không hề hiếm. Thống kê của ba bậc học ở Lượng Minh khiến nhiều người sửng sốt vì ở đây có đến 133 học sinh mồ côi cha hoặc mẹ, mồ côi cả cha và mẹ, hoặc có cha mẹ nhưng “cũng như không” khiến các em phải sống với người thân hay tự sống một mình. Tôi càng sửng sốt hơn, khi cả ba bậc học của toàn huyện Tương Dương có đến 618 học sinh rơi vào hoàn cảnh như vậy.

Cô Vi Thị Phương, giáo viên chủ nhiệm lớp 7C Trường THCS thị trấn Thạch Giám buồn rầu khi nói về học sinh mồ côi của mình, các cháu thiếu thốn tình thương của mẹ cha ngay từ khi còn nhỏ, nhiều lúc nhìn các cháu mà ứa nước mắt, thầy cô có quan tâm, chia sẻ đến đâu nhưng cũng không thể nào bù đắp được tình thương của bố mẹ.

Nói về số phận những học sinh kém may mắn ấy, thầy Trần Quốc Dương, Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú - THCS Yên Na (Tương Dương) rưng rưng: “Lẽ ra các em đã có một tuổi thơ hồn nhiên, ngây thơ, vô tư vui đùa. Nhưng sớm cảnh mồ côi nên đã để cho một thế hệ được sinh ra trong thiếu thốn, luôn tự ti và mặc cảm về thân phận”.

Mịt mù tương lai

Thiếu hơi ấm của mẹ, sự dạy bảo ân cần của cha, con đường đến trường và xa hơn là tương lai của các em hẳn sẽ gập ghềnh như con đường mòn vắt qua những triền núi mà ngày ngày em vẫn đến trường.

Thầy Nguyễn Văn Thanh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lượng Minh trầm tư: Thiếu mẹ cha, sự nhắc nhở, bảo ban, dạy dỗ của người thân sẽ không được đủ đầy, trọn vẹn. Vì thế, trường luôn cố gắng hoàn thành nhiệm vụ học tập tại lớp, không giao bài tập về nhà vì nếu có thì các em cũng không có thì giờ làm bài.

Những đứa trẻ sinh ra chưa một lần gặp mẹ cha cũng lớn lên rồi cắp sách tới trường. Nhưng có lẽ thẳm sâu bên trong tâm hồn non nớt, ngây thơ ấy, hẳn là một khát khao, một ước mơ cháy bỏng về một mái ấm gia đình.

Nói về vấn đề này, thầy Hà Huy Thắng, Hiệu trưởng Trường THCS thị trấn Thạch Giá day dứt: Nhiều em sức học yếu nhưng nó chưa quan trọng bằng việc các em rất thiếu kỹ năng mềm, dễ bị rủ rê và tâm lý thì luôn mặc cảm. Vì vậy, công tác giáo dục trên lớp, ngoài giờ đang rất khó khăn.

“Vừa giảng dạy, thầy cô còn kiêm luôn tư vấn viên, quan tâm, giúp đỡ, động viên, sẻ chia với các em ngoài giờ lên lớp. Nhiều trường còn tổ chức sinh hoạt bán trú định kỳ mỗi tuần một lần, giao trách nhiệm các giáo viên kèm cặp nhiều hơn”- thầy Thắng cho biết thêm.

Thầy Kha Văn Lập, Trưởng Phòng GDĐT huyện Tương Dương cho biết: Các trường đã làm tất cả những gì có thể để bù đắp sự trống vắng tình cảm, dạy bảo của cha mẹ. Có một điều chắc chắn rằng, các em bước vào đời sẽ vất vả hơn, nhọc nhằn hơn so với chúng bạn.

Rồi thầy Lập bỏ lửng câu nói: “Để hình thành nhân cách, tri thức của một đứa trẻ thì rất cần sự phối hợp của gia đình, nhà trường và xã hội Gia đình là yếu tố đầu tiên nhưng

Điền Bắc
Theo Đại Đoàn Kết