Thứ năm, 28/03/2024 | 23:59
RSS

Những việc cần làm ngay khi ngộ độc thực phẩm kẻo nguy hại tính mạng

Thứ năm, 21/12/2017, 21:20 (GMT+7)

Rất nhiều người đã từng hoặc gặp trường hợp người thân bị ngộ độc thực phẩm. Trong trường hợp như vậy, cần làm gì trước khi chuyển bệnh nhân đến có sở y tế? Bác sỹ sẽ chỉ cho bạn cách xử lý đúng nhất.

Trao đổi với PV, PGS.TS Phạm Thị Dụ, Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết, ngộ độc thực phẩm là biểu hiện bệnh lý xuất hiện sau khi ăn, uống những thức ăn nhiễm độc, nhiễm khuẩn, thức ăn bị biến chất ôi thiu, có chất bảo quản, phụ gia...

Dấu hiệu của ngộ độc thực phẩm thường bao gồm: đau bụng quằng quại, nôn nhiều, tiêu chảy... Khi bị ngộ độc thực phẩm, bệnh nhân và người nhà cần bình tĩnh để xử lý nhanh kẻo ảnh hưởng xấu đến sức khỏe

Cách xử lý nhanh khi bị ngộ độc thực phẩm

cách xử lý nhanh khi ngộ độc thực phẩm
Kiến thức về cách xử lý nhanh khi ngộ độc thực phẩm vô cùng cần thiết với tất cả chúng ta

Theo PGS Dụ, xử trí cấp cứu trước tiên là phải làm cho người bị ngộ độc nôn ra cho hết chất đã ăn vào, làm cản trở sự hấp thu của ruột đối với chất độc, phá huỷ độc tính, đồng thời bảo vệ niêm mạc dạ dày. 

"Việc gây nôn phải làm sớm càng tốt để chất độc không bị ngấm sâu vào trong cơ thể. Nếu bỏ qua thì nạn nhân có thể mất mạng hoặc để lại những di chứng nặng nề, điều trị hồi phục không đơn giản"- PGS Dụ nói.

Có thể gây nôn bằng cách dùng hai ngón tay ngoáy móc họng để kích thích nôn hết thức ăn ra ngoài hoặc uống một cốc nước muối loãng, sau đó dùng tay hoặc thìa đè vào cuống lưỡi để nôn càng nhiều càng tốt.

Tuy nhiên PGS Dụ cũng nhấn mạnh không gây nôn cho bệnh nhân đang bị hôn mê vì sẽ dễ xảy ra tình trạng sặc thức ăn vào đường thở rất nguy hiểm.


PGS.TS Phạm Thị Dụ, Nguyên Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai 

Cũng theo PGS Dụ, khi bị ngộ độc thực phẩm người bệnh thường bị mất khá nhiều nước do gây nôn và tiêu chảy. Vì vậy cần bù lại lượng nước đã mất bằng cách uống dung dịch oresol (pha 1 gói với 1 lít nước), nước cam, nước dừa hoặc cháo loãng… Ngoài ra có thể pha nửa thìa cà phê muối với 4 thìa cà phê đường cho người bệnh uống.

Ngoài việc bù nước và chất điện giải, việc uống các dung dịch trên còn giúp pha loãng nồng độ chất độc ở trong cơ thể làm hạn chế tối đa tác hại. Trong trường hợp ngộ độc nhẹ sau khi gây nôn nên để người bệnh nghỉ ngơi và thường xuyên bù nước.

PGS Dụ cũng chia sẻ thêm, nên loại bỏ suy nghĩ bị ngộ độc thực phẩm thì phải nhịn ăn chỉ nuôi dưỡng bằng cách truyền đạm, nước hoặc ăn cháo. Như vậy sẽ làm cho cơ thể bị suy kiệt vì thực ra người bệnh vẫn cần được cung cấp chất dinh dưỡng.

Ngoài ra, người nhà bệnh nhân cũng nên lưu ý cho người bệnh ăn thức ăn mềm, dễ tiêu hoá và tránh hiện tượng ăn quá no để giảm tải cho hệ tiêu hoá. Để an toàn hơn, sau khi gây nôn nên cho bệnh nhân đến cơ sở y tế để khám và rửa ruột nếu cần thiết.

Ngoài ra cần đưa người bệnh đến bệnh viện khi có các dấu hiệu như sau: Sốt cao, đau bụng dữ dội không thuyên giảm, tiêu chảy nhiều, mất nước nặng, phân có máu…

Những trường hợp ngộ độc nặng cần được điều trị bằng những biện pháp chuyên khoa đặc hiệu, nếu không sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng.

Cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm

ăn rau sống cũng có thể gặp phải nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Rau sống là món ăn yêu thích của nhiều người nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ ngộ độc thực phẩm

Theo PGS.TS Nguyễn Thị Dụ, cách phòng ngừa ngộ độc thực phẩm đơn giản nhất là thực hiện ăn chín, uống chín; không để thức ăn sống lẫn với thức ăn chín; thức ăn đã nấu chín nên ăn ngay (trong 2 giờ đầu), phải được bảo quản đúng cách, đun kỹ trước khi sử dụng lại; không sử dụng thức ăn quá hạn, bị ôi thiu; rửa sạch tay trước khi chế biến, giữ vệ sinh trong quá trình chế biến; khám sức khỏe định kỳ…

Không sử dụng các loại thực phẩm để lâu ngày, thực phẩm đã có dấu hiệu thay đổi về mùi, màu sắc, hình dáng so với ban đầu.

Không sử dụng các loại thực phẩm được khuyến cáo có khả năng chứa chất độc, các loại thực phẩm lạ.

Biện pháp phòng ngừa hữu hiệu nhất là chọn mua các loại thực phẩm có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, đọc kỹ các thông tin trên nhãn, thông tin liên quan đến thực phẩm; vệ sinh thực phẩm kỹ trước khi chế biến, nấu chín, mở vung khi đun nấu…

PV
Theo Đời sống Plus/GĐVN