Chủ nhật, 19/01/2025 | 07:16
RSS

Những tình tiết đắt giá của nguyên tác mà phim "Sống chung với mẹ chồng" đã bỏ qua

Thứ hai, 03/07/2017, 21:36 (GMT+7)

Phim “Sống chung với mẹ chồng” đã kết thúc trong sự tiếc nuối của nhiều khán giả. Cùng nhìn lại kết thúc đắt giá của nguyên tác mà phim đã bỏ qua.

Bộ phim “Sống chung với mẹ chồng” gây sốt thời gian vừa qua được biên kịch Đặng Thiếu Ngân phóng tác từ một cuốn tiểu thuyết cùng tên của Trung Quốc Mặc dù kết phim có hậu hơn nguyên tác nhưng đây là cái kết chưa đủ trong lòng khán giả Việt. Nếu đem cả hai lên bàn cân thì bộ phim đã bỏ lỡ nhiều chi tiết "đắt giá" trong tiểu thuyết “Sống chung với mẹ chồng”.

1. Một đám cưới hạnh phúc và một gia đình nhỏ trọn vẹn

Trong tiểu thuyết “Sống chung với mẹ chồng”, Hy Lôi – nguyên mẫu của Minh Vân (Bảo Thanh) sẽ kết hôn với Liêu Phàm – nguyên mẫu của Sơn (Việt Anh). Kết thúc đẹp nhất của tình yêu chính là hai người về chung một nhà và có những đứa trẻ giống cả bố và mẹ.

Cuộc hôn nhân của Hy Lôi và Liêu Phàm không chỉ ngập tràn trong hạnh phúc của tình yêu đôi lứa mà sau nhiều cố gắng, Hy Lôi đã mang thai dù mất đi một nửa khả năng sinh đẻ. Đây chắc chắn là cái kết khiến người xem mãn nguyện nhất.

Kết phim “Sống chung với mẹ chồng”, Tuấn Sơn trao cho Minh Vân một nụ hôn dài. Dù sau đó, người xem có thể đoán chắc 2 người sẽ cưới nhau và có cuộc sống hôn nhân hạnh phúc. Nhưng việc tưởng tượng và việc được nhìn thấy đám cưới trong mơ khác biệt rất lớn.

Đặc biệt, Minh Vân có thể có đứa con của riêng mình hay không cũng là một mong mỏi lớn trong lòng người xem. Giá như Minh Vân và Tuấn Sơn có thể có cái kết đẹp như tiểu thuyết thì người xem sẽ thấy thỏa lòng hơn.

2. Cuộc sống chung của mẹ chồng mới và con dâu

Dù Hy Lôi chỉ sống chung với mẹ chồng mới ít ngày nhưng đã cho độc giả thấy được sự trưởng thành và thay đổi lớn trong suy nghĩ của cô. Những chia sẻ thẳng thắn, thật lòng của hai mẹ con khiến việc sống chung trở nên thoải mái hơn rất nhiều. Cảm nhận của Hy Lôi khi sống chung với mẹ chồng lần này đã để lại bài học nhân văn cho những ai đọc tiểu thuyết gốc.

Mẹ chồng – nàng dâu “đại chiến” lỗi không chỉ của riêng ai. Hy Lôi có thể hạnh phúc bên chồng và mẹ chồng mới một phần vì gặp được nhà chồng tốt nhưng phần lớn nhất chính là vì cô đã thay đổi. Cô không còn giữ tính đỏng đảnh, tiểu thư nữa mà thực sự muốn hòa nhập và thật lòng xem mẹ chồng là người thân của mình.

Tình thương của mẹ chồng – nàng dâu không thể tự nhiên mà có, cả hai người cần phải nỗ lực và cố gắng để có cuộc sống thuận hòa hơn.

3. Quá khứ của mẹ chồng mới

Mẹ của Liêu Phàm vốn không phải là bà mẹ chồng tốt ngay từ đầu. Đối với vợ cũ của Liêu Phàm, bà là mẹ chồng hà khắc, độc ác, soi mói quần áo rồi cách nói chuyện, cách đi đứng, tiêu tiền của con dâu. Bà dùng lời lẽ cay nghiệt để sỉ nhục con dâu vì con dâu vui vẻ, âu yếm với con trai, bà thấy trống trải và có tâm trạng phức tạp.

Cuối cùng không chịu đựng được bà mẹ chồng “phù thủy”, vợ cũ của Liêu Phàm đã phải dựng lên một vụ ngoại tình để thoát khỏi cuộc hôn nhân khó thở này. Trước khi rời khỏi nhà, vợ của Liêu Phàm đã nói với mẹ chồng sẽ giúp bà giữ hình tượng một người mẹ tốt trong trái tim con trai bà nhưng cô sẽ không tha thứ cho bà.

Chính bước ngoặt lớn này đã thay đổi mẹ của Liêu Phàm, bà nhận ra lỗi lầm của mình và quyết định thay đổi trở thành bà mẹ chồng đáng mơ ước như hiện tại. Không ai sinh ra vốn đã tốt hay đã xấu, họ trở thành người tốt hay xấu là so sự lựa chọn và những gì họ đã thực sự trải qua.

Kết

Sau cuộc hôn nhân đổ vỡ, tất cả các nhân vật của cuốn tiểu thuyết thật sự đã học được bài học của mình. Đây chắc chắn là cái kết nhiều chứa nhiều bài học nhân văn và thực tế mà nhiều người xem muốn nhận được. Nếu phim “Sống chung với mẹ chồng” vẫn giữ những chi tiết đắt giá trên cùng với kết thúc có hậu như hiện tại thì phim đã có cái kết viên mãn hơn.

Hoàng Linh
Theo Khampha.vn