Thứ bảy, 20/04/2024 | 19:15
RSS

Những tình huống "cười bể bụng" với nàng dâu về quê chồng ăn Tết

Thứ năm, 28/12/2017, 19:30 (GMT+7)

Với giọng kể hài hước, châm biếm đầy chất nghệ thuật, người chồng trong câu chuyện “Về ngoại ăn Tết” đã đưa người đọc từ cười ngả nghiêng cho đến những suy ngẫm sâu sắc.

Nói đến cuộc chiến “Tết nội – Tết ngoại” người ta thường chỉ nghĩ đến vẻ sầu não, uất ức của những cô gái lấy chồng xa không được đón Tết bên bậc sinh thành. Bởi quan niệm “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu” đã ăn sâu vào tư tưởng của người Việt.

Đối với những cô gái thành phố lấy chồng ở quê, đón Tết ở những vùng quê nghèo luôn là ám ảnh kinh hoàng. Vốn sống trong nhung lụa, sạch sẽ, cô vợ trong câu chuyện dưới đây của facebooker Võ Tòng Đánh Mèo vừa hài hước nhưng cũng vô cùng thâm sâu.

Nhưng thông qua những chi tiết, câu chuyện trong bài, người đọc chợt nhận ra một thông điệp hết sức rõ ràng: Những phụ nữ đã lấy chồng, được ăn Tết nhà ngoại luôn là niềm ao ước.

Nội dung bài viết hài hước nhưng sâu sắc, với những mẩu chuyện vụn vặt trong một dịp về tỉnh lẻ ăn Tết của đôi vợ chồng trẻ nhưng lại có sức truyền tải thông điệp mạnh mẽ đã nhanh chóng nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng mạng.

ăn tết nhà ngoại
Chia sẻ của facebooker Võ Tòng Đánh Mèo về cuộc thi "Tết nhà ngoại - Đừng ngại sẻ chia" trên tetnhangoai.vn nhận được nhiều sự quan tâm của các ông chồng

ăn tết nhà ngoại
Nhiều bình luận bày tỏ sự thích thú dưới câu chuyện của Võ Tòng

Bài viết nhận được hơn 1 triệu lượt thích và chia sẻ. Hiện vẫn đang lan truyền với tốc độ chóng mặt trên mạng xã hội Có một điều đặc biệt, bài viết này thu hút sự quan tâm của cánh mày râu nhiều hơn. Các anh thi nhau tag vợ, bạn gái vào bài cùng những câu đùa vui hay gợi lại những kỷ niệm tương tự. Những quan điểm về việc ăn tết nội hay tết ngoại của cây bút trẻ cũng nhận được sự đồng tình của rất nhiều người.

Câu chuyện hài hước của facebooker Võ Tòng Đánh Mèo:

VỀ NGOẠI ĂN TẾT

Có lẽ lúc tôi cầu hôn vợ tôi, cô ấy chưa nghĩ đến chuyện mỗi năm sẽ phải về ăn Tết ở quê chồng, chứ nếu nghĩ tới, khả năng cao là giờ tôi vẫn đang ế vợ.

Hành trình hơn trăm ki-lô-mét trên chiếc xe khách cũ rích, chật ních như nhồi lợn, và cả hơn nửa cây số cuốc bộ từ quốc lộ vào nhà trên con đường quê lổn nhổn đất đá - khiến hai bên đế cao gót của vợ mấy lần lẹo trẹo như chực bung ra - chỉ là màn khởi động cho những áp lực và mệt mỏi mà vợ tôi sắp phải trải qua…

Về tới nhà, đúng lúc cả họ đang sắp cỗ. Vợ tôi cúi đầu lễ phép chào các cụ, các ông, các bà, các anh, các chị, các cô, rồi xoa đầu hỏi han các em nhỏ. Cố nội tôi - tuy đã già, chân tay đã yếu, nhưng mắt vẫn rất tinh, tai vẫn rất thính, và rất khó tính - đang ngồi trên thềm, thấy vậy thì thủng thẳng bảo: “Ở thành phố phóng khoáng thế nào cũng được, nhưng về quê chồng thì phải biết tôn ti trật tự nhà chồng: ai đời cháu dâu lại đi xoa đầu chú mình như vậy mà coi được sao?”. Vợ tôi ngớ người: hoá ra, trong đám mấy đứa trẻ vợ vừa xoa đầu ấy, có một thằng là con út của một ông nào đó mà ông ấy lại bằng vai với ông nội tôi, tức là cái thằng nhóc đó tuy mới năm, sáu tuổi, nhưng nó lại bằng vai với bố tôi, và vợ tôi phải gọi nó bằng chú. Từ lúc ấy, gặp đứa trẻ con nào vợ cũng cúi đầu: “Cháu chào cô, cháu chào chú!”. Vợ bảo vậy cho ăn chắc: thà chào nhầm còn hơn bỏ sót.

Đi đường bụi bặm, vợ muốn ra giếng rửa mặt mũi chân tay, nhưng vì giếng đông người đang sắp cỗ quá, vợ đành phải ra rửa ở cầu ao. Cầu ao nhà tôi bằng đá mọc đầy rêu xanh rì rất trơn, vợ sợ ngã nên chỉ dám nhún chân rón rén. Tôi bảo: “Em cứ thoải mái đi, không ngã được đâu mà lo. Anh sống ở quê bao nhiêu năm, mới chứng kiến đúng một lần bác hàng xóm nhà anh bị ngã ở cầu ao này thôi”. Vợ hỏi lại: “Bác ấy ngã rồi có bị sao không?”. Tôi đáp: “Bị ảnh hưởng chút thôi, nhưng vẫn làm việc nhà được, kia kìa, bác ấy kia kìa!” - vừa nói tôi vừa chỉ về phía góc sân bên nhà hàng xóm, nơi có một bác đang cố dùng cánh tay bị khoèo của mình kẹp cái rổ bên hông, cánh tay lành lặn còn lại thì cầm chiếc xào dài chọc chọc mấy quả khế, chắc để nấu canh chua. Mỗi lần có khế rụng xuống sân, bác lại lết lết cái chân thọt của mình tới nhặt khế bỏ vào rổ, xong ngửa cổ lên trời cười hềnh hệch… Vợ nhìn vậy thì chả hiểu sao lại bỏ lên bờ luôn, bảo không cần rửa ráy gì nữa!

Đến bữa cơm, tôi quan tâm, gắp thức ăn cho vợ, nhưng tôi để ý thấy vợ chỉ ăn cá chứ không ăn rau, tôi hỏi tại sao, vợ bảo: “Tại lúc nãy, em thấy một cô rửa rau ngoài cầu ao nhà mình, đang rửa thì có một thằng nhỏ chạy tới ngồi cạnh cô ấy rồi nó tụt quần đi vệ sinh thẳng xuống ao”. Tôi cười: “Không sao! cá nó xơi sạch rồi, không lẫn vào rau được đâu mà sợ! Mà không ăn rau thì thôi, ăn cá đi! Cá ao nhà đấy!” - tôi lại gắp thêm miếng cá nữa quẳng vào bát cho vợ, rồi cũng chả hiểu sao vợ lại bỏ bát đũa xuống, bảo không cần ăn uống gì nữa!

Tưởng đi đường mệt thì đêm hôm đó vợ tôi sẽ ngủ ngon, nhưng không: đang quen thành phố nằm đệm êm ái, thơm tho, giờ về quê nằm thang tre chiếu cói, vợ đau lưng, trằn trọc không ngủ được, mỗi lần vợ trở mình, cái thang giường lại kêu lên kèng kẹc như tiếng con thạch sùng não nùng gọi bạn tình trong đêm tuyệt vọng...

Được một lúc yên yên, tưởng là vợ ngủ, ai ngờ, lại thấy vợ nhỏm dậy đòi đi vệ sinh, rồi hỏi nhà vệ sinh ở đâu. Tôi bảo vợ cứ đi ra chỗ đống rơm, rồi cắt qua vườn mía, men dọc theo bờ ao, qua chuồng trâu, đến khóm dâu um tùm là tới! Giờ nghĩ lại mới thấy lúc ấy tôi tệ: đáng ra tôi phải dậy đưa vợ ra tận nơi chứ. Chợt ngẫm tới câu nói của một nhà hiền triết phương Tây mà thấy đúng quá, ông ấy nói là: “Một người chồng tốt phải là người chồng luôn ở bên vợ không chỉ những lúc vui, mà cả những lúc buồn” - buồn này chắc có bao gồm cả buồn vệ sinh...

Tôi ngủ thêm được một lát tới khoảng 4 giờ sáng thì phải dậy để cùng cả nhà chọc tiết lợn giã giò. Vợ tôi đương nhiên cũng phải dậy theo vì làm gì có chuyện mọi người dậy hết mà con dâu lại được nằm ngủ, dù rằng dậy thì vợ tôi cũng chả giúp được gì nhiều: chỉ ngồi bóc mấy củ tỏi, nhặt mấy cọng rau thơm. Nhìn vợ thiếu ngủ tóc tai bơ phờ, vừa nhặt rau vừa ngáp liên hồi, tôi nhớ lại bộ phim mới xem trên tivi hôm trước: bộ phim nói về một cô gái bỏ nhà ra đi dặt dẹo lang thang rồi dính vào nghiện ngập, không có tiền hút hít, cô đành ngồi vạ vật ở đường ngáp vặt ngửa tay xin tiền người qua lại…

Cỗ bàn dọn lên, mọi người ngồi ăn rôm rả, nhưng lại không thấy ông trưởng họ đâu, lát sau mới thấy ông vào, vẻ mặt ông đầy hậm hực: “Tôi vừa giẫm phải đống phân ở gần chỗ đống rơm. Đứa nào, đứa nào mất dạy đi vệ sinh bậy ở giữa lối đi vậy hả?”. Mọi người dừng đũa, xôn xao. Tôi liếc qua vợ, thấy mặt vợ đỏ bừng. “Thôi xong, chắc đêm qua sợ tối, vợ tôi không dám ra hố xí mà lỡ luôn ở chỗ đống rơm rồi” - tôi nghĩ vậy và lại cúi mặt ăn, chẳng biết nói gì. Rồi một bà cô vừa nhai nhồm nhoàm, vừa nói bằng giọng đầy từng trải: “Chắc là con chó, con mèo nào đó nó đi thôi, chứ làm gì có người nào mà lại vô ý thức đến thế!”. Nhưng ông trưởng họ vẫn chưa chịu: “Cô nói thế nào ấy chứ! Tôi từng này tuổi đời, đầu hai thứ tóc rồi, hơn bốn mươi năm công tác trong ngành văn hóa, về hưu lại là thành viên tích cực của hội hưu trí thôn, chả lẽ, tôi không phân biệt được phân người với phân chó hay sao?”.

Sợ không khí trở thành căng, tôi đành lên tiếng xoa dịu: “Thôi ông trưởng họ ơi! Ai đi thì cũng đã đi rồi! Mời ông ăn luôn đi cho nóng, kẻo cơm với thức ăn nguội hết bây giờ!”.

Về quê ăn Tết có 5 ngày mà vợ hốc hác, gầy sụt đi mất 4 cân. Tôi hỏi vợ: “Em có thích về nhà ngoại ăn một cái Tết thảnh thơi mà chẳng phải lo lắng, nghĩ ngợi gì hay không?”. Vợ nghe vậy thì không trả lời mà hỏi lại: “Thế giờ có một cô nàng xinh tươi, tuổi vừa mười tám đôi mươi rủ anh đến một resort để nghỉ ngơi, không phải lo lắng nghĩ ngợi gì, thì anh có thích không?”. Tôi đáp: “Tất nhiên là thích, nhưng anh sẽ không đi, vì anh còn trách nhiệm với gia đình, vợ con”. Vợ mỉm cười, bảo: “Em cũng thế!”.

Ừ! Đúng thật! Được về nhà mẹ đẻ mình ăn một cái Tết vô tư, thoải mái thì người vợ nào mà chẳng mơ, chẳng khoái. Nhưng ít người làm vậy, bởi lẽ cuộc đời không chỉ đơn giản là sống cho mình, mà còn phải sống vì chồng, vì con, vì trách nhiệm với gia đình. Tất nhiên, vẫn sẽ có những người phụ nữ làm được như thế: đó là những người chưa có chồng con, gia đình, hoặc có rồi nhưng mà coi như là không có! 

Nguyễn Lê Tuệ Minh
Theo Đời sống Plus/GĐVN