Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:16
RSS

Những số 7 định mệnh trong cuộc đời cố nghệ sĩ cải lương Thanh Sang

Thứ sáu, 21/04/2017, 10:50 (GMT+7)

Trong suốt cuộc đời dài 74 năm lắm truân chuyên, nhiều thăng trầm của mình, nghệ sĩ Thanh Sang dường như có một mối duyên kỳ là với con số 7.

Ngày 21/4/2017 có lẽ là một trong những ngày buồn nhất với khán giả yêu cải lương khi nghệ sĩ Thanh Sang qua đời. Thanh Sang là một trong những nghệ sĩ cải lương nổi tiếng nhất của Việt Nam

Nghệ sĩ Thanh Sang qua đời 1

Nghệ sĩ Thanh Sang qua đời là mất mát lớn với cải lương Việt Nam. Ảnh PLO

Ông và nghệ sĩ Thanh Nga từng một thời là cặp đào kép lý tưởng trên sân khấu và cho đến tận bây giờ, cũng hiếm có thế hệ đàn em nào vượt qua được. Với những đóng góp của mình cho nền văn hóa nghệ thuật nước nhà, ông được phong danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT).

Những số 7 định mệnh

Trong cuộc đời dài 74 năm lắm nỗi truân chuyên của mình, nghệ sĩ tài hoa có mối liên hệ kỳ lạ với con số 7. NSƯT Thanh Sang sinh năm 1943, tên thật là Nguyễn Văn Thu. Quê ngoại ông ở Tuy Hòa, Phú Yên; quê nội ở Bình Định.

Năm Thanh Sang mới 7 tuổi, cha ông hy sinh trong cuộc Kháng chiến chống Pháp. Để nuôi dạy 4 đứa con nhỏ dại, trong đó chỉ có ông là trai, mẹ ông phải làm lụng vô cùng cực nhọc. Thương mẹ, từ năm 8 tuổi, Thanh Sang đã biết đi biển đánh cá để vừa phụ giúp gia đình, vừa kiềm tiền học chữ. 

Do gia đình sống gần rạp cải lương Hải Lạc nên Thanh Sang sớm bị nghề hát xướng hớp hồn. Ban đầu, ông thường nhại lại giọng của các bậc tiền bối như Út Trà Ôn, Chín Sớm, Thành Công và được khán giả ủng hộ nhiệt tình vì giống quá.

Năm 1960, đoàn cải lương Ngọc Kiều của bầu Ngọc Đán, Hoàng Kinh tới rạp Hải Lạc biểu diễn. Mỗi khi có kép bị ốm, ông thường được đưa vào diễn thay và được bầu Hoàng Kinh đặt cho nghệ danh Thanh Sang từ đó.

Nghệ sĩ Thanh Sang qua đời 2

Nghệ sĩ Thanh Sang và nghệ sĩ Thanh Nga trong “Tiếng trống Mê Linh”. Ảnh PLO

2 năm sau, nghệ sĩ Thanh Sang được bầu Hoàng Kinh cho thế vai Đông Nhật của nghệ sĩ Hùng Cường trong vở “Tuyết phủ chiều đông”. Sau vai diễn thành công ngoài sức tưởng tượng này, ông trở thành kép chính của đoàn cải lương Ngọc Kiều.

Năm 1964, Thanh Sang chuyển về đoàn “Hoa mùa xuân”, sau đổi tên thành “Dạ lý hương”.  Cùng năm, ông được trao huy chương vàng Thanh Tâm với vai Tạ Tốn trong vở “Cô gái Đồ Long”. Nhân vật này vốn bị mù nên rất khó thể hiện, vậy mà ông diễn hay tới mức cho đến tận sau này, nhiều người vẫn gọi ông bằng biệt danh của Tạ Tốn là Kim Mao Sư Vương.

Vậy là từ một chàng trai làng chài chưa từng được đào tạo bài bản, nghệ sĩ Thanh Sang vụt sáng thành ngôi sao trong làng sân khấu chỉ sau 7 năm. Thế nhưng, đây là cũng là giai đoạn đen tối trong cuộc đời Thanh Sang khi ông phải đi tù 7 lần.

NSƯT Thanh Sang nhớ lại: “Tôi bị bắt đi quân dịch tới 7 lần. Đi lính hết 7 năm, trốn ra rồi lại bị bắt, bị bỏ tù 7 lần. Tôi muốn đi hát kiếm tiền nuôi gia đình thôi chứ đâu muốn cầm súng đối mặt với chiến tranh.

Khoảng năm 1974, tôi còn tính chặt ngón tay để không phải đi quân dịch nhưng may mà năm 1975, đất nước được giải phóng. Thật lòng mà nói, cái giá của hòa bình đắt lắm, lớp trẻ chưa trải qua chiến tranh có khi chưa thấu hiểu đâu”.

Nghệ sĩ Thanh Sang qua đời 3

Cuộc đời NSƯT Thanh Sang gắn liền với con số 7. Ảnh Phụ Nữ Online

Đặc biệt, cái duyên kỳ lạ với số 7 còn gắn liền với đường tình lận đận của nghệ sĩ Thanh Sang. Cuộc đời ông có tới 7 người vợ và trước khi đến với người vợ thứ 7, ông phải trải qua 7 năm cô đơn không vợ con.

Năm 1985, nghệ sĩ Thanh Sang thôi hát tại các đoàn văn nghệ, chỉ thu băng đĩa hoặc hát phục vụ khi có yêu cầu. 3 năm sau, ông cùng đoàn nghệ sĩ Việt Nam sang Pháp biểu diễn. Năm 2001, ông phải rời xa sân khấu một thời gian dài do lâm trọng bệnh.

Một nghệ sĩ tài hoa, một tấm lòng nghĩa khí

Suốt 50 năm đứng trên sân khấu, nghệ sĩ Thanh Sang đã trở thành giọng hát rất đặc biệt trong giới kép chánh sáng giá thời bấy giời nhờ chất giọng mùi mẫn, chất chứa đầy tâm sự. Lối diễn xuất tinh tế, điềm đạm giúp ông có nhiều vai diễn để đời.

Với chất giọng mùi mẫn, nhiều tâm sự, Thanh Sang trở thành giọng hát rất đặc biệt trong nhiều anh kép sáng giá thời bấy giờ. Lối diễn xuất điềm đạm, tinh tế giúp ông có nhiều vai diễn để đời.

Nghệ sĩ Thanh Sang qua đời 4

NSND Bạch Tuyết và NSƯT Thanh Sang trong vở “Kiều Nguyệt Nga”. Ảnh Thanh Niên

Những người yêu mến Thanh Sang chắc vẫn nhớ mãi các nhân vật ba của Hạnh trong “Đời cô Hạnh”, Đông Nhật trong “Tuyết phủ chiều đông”, Đảnh trong “Tần Nương Thất”, Đường Huyền Tông trong “Dương quý phi”, Du Thản Chi trong “Kiều Phong – A Tỷ”, Lê Hoàn trong “Thái hậu Dương Vân Nga”, 

Lê Long Hồ trong “Tuyệt tình ca”, Lĩnh Nam trong “Sân khấu về khuya”, Quách Tĩnh trong “Anh hùng xạ điêu”, Lục Vân Tiên trong “Kiều Nguyệt Nga”, Tạ Tốn trong “Cô gái Đồ Long”, Tạ Tử Lăng trong “Cô gái khi rừng mới sang thu”, 

Tô Điền trong “Tiếng hạc trong trăng”, vua cha thế tử Ngũ Châu trong “Đường gươm Nguyên Bá”, Thi Sách trong “Tiếng trống Mê Linh”, Trần Minh trong “Bên cầu dệt lụa”, Triệu Quân Tường trong “Chuyện tình An Lộc Sơn”.

Bên cạnh đó, ông còn có nhiều tác phẩm ca cổ nổi tiếng như “Mồ em Phượng”, “Nhớ mẹ hiền”, “Người đánh đàn trên Bắc Mỹ Thuận”, “Nhớ mẹ”, “Lối về xóm nhỏ”, “Tâm sự với quê hương”, “Chuyến tàu hoàng hôn”, “Chiều”, “Chiều tàn”, “Qua bến đò xưa”,…

Ngày 4/3/2007, nhà hát TP.HCM tổ chức đêm nhạc “50 năm một tình yêu nghệ thuật” do NSND Bạch Tuyết làm đạo diễn để tri ân 50 năm nghiệp hát của ông. Những năm cuối đời, NSƯT Thanh Sang không đi hát nữa vì sức khỏe yếu.

Người kép già trải lòng: “Riết rồi không dám nói chữ nhớ luôn. Mình nhận lời đi hát, rủi có sự cố thì tội nghiệp ông bà bầu. Thích thì tự ca mà nghe”.

Clip trích đoạn “Tiếng trống Mê Linh” của nghệ sĩ Thanh Sang và nghệ sĩ Thanh Nga

Ngay trước khi nghệ sĩ Thanh Sang qua đời, NSND Bạch Tuyết – một bạn diễn ăn ý với ông đã đến thăm. Bà kể, trước đó không lâu, Thanh Sang còn từng tâm sự muốn được quay lại với sân khấu cải lương.

Với bà, Thanh Sang là một nghệ sĩ tài hoa trên sân khấu, là "một tấm lòng trung cang nghĩa khí” ngoài đời. Đám tang nghệ sĩ Thanh Sang được tổ chức tại nhà riêng ở đường số 17, phường Hiệp Bình Chán, quận Thủ Đức, TP.HCM.

 

Tri Thu (T/h)
Theo Đời sống Plus