Thứ bảy, 18/01/2025 | 20:08
RSS

Những người "mẹ" của trẻ tự kỷ

Thứ hai, 08/03/2021, 12:03 (GMT+7)

Họ không chỉ dạy dỗ, chăm sóc hàng ngày mà còn là những "người mẹ" đặc biệt đồng hành cùng những cảm xúc vui buồn bất chợt của những đứa trẻ tự kỷ.

"Mái ấm" của trẻ tự kỷ

Trung tâm Sao Mai (số 6, ngõ 9 đường Hoàng Đạo Thúy, quận Thanh Xuân, Hà Nội) từ nhiều năm nay được coi là "mái ấm" của trẻ khuyết tật. Nơi đây trở thành địa chỉ quen thuộc của những gia đình không may có trẻ tự kỷ tìm đến để được khám, tư vấn, can thiệp sớm.

Năm nay đã bước sang tuổi 73 nhưng Bác sĩ Đỗ Thúy Lan - Giám đốc Trung tâm Sao Mai vẫn luôn mang trong mình nhiệt huyết cống hiến cho việc ngăn ngừa, phát hiện sớm, hỗ trợ cho trẻ em tự kỷ và khuyết tật trí tuệ ở Việt Nam

Những người mẹ của trẻ tự kỷ

Bác sĩ Đỗ Thúy Lan đang khám, tư vấn cho trẻ tự kỷ

Từng nhiều năm tìm hiểu, nghiên cứu trong lĩnh vực này, bác sĩ Đỗ Thúy Lan cho rằng đối với trẻ khuyết tật trí tuệ và tự kỷ là giáo dục chứ không hẳn là y tế do đó cần thiết phải áp dụng các phương thức tiếp cận giáo dục hòa nhập song song với điều trị bằng thuốc dành cho trẻ em gặp khó khăn về trí tuệ.

"Trẻ tự kỷ giống như một chiếc hộp đóng kín, thời gian đầu, bố mẹ, thầy cô và gia đình rất khó khăn trong việc tiếp cận trẻ. Cần phải biết cách để mở chiếc hộp đó, hiểu trẻ thích gì... nếu phát hiện và can thiệp sớm trước 3 tuổi sẽ giúp trẻ hòa nhập sớm", bác sĩ Đỗ Thúy Lan phân tích.

Nói về ý tưởng mở Trung tâm Sao Mai, bác sĩ Lan cho biết, trước đây bà từng thấy rất nhiều trẻ tự kỷ đến bệnh viện tâm thần để khám và uống thuốc.

"Lúc đó, các bác sĩ không biết đó là chứng tự kỷ. Sau này, khi đi học ở Hà Lan, tôi mới biết được rằng những đứa trẻ tự kỷ phải được hỗ trợ giáo dục là chính chứ không phải y tế", bác sĩ Đỗ Thúy Lan chia sẻ.

Những người mẹ của trẻ tự kỷ

Trẻ bị tự kỷ rất cần can thiệp, hỗ trợ từ sớm.

Năm 1995, Trung tâm Sao Mai ở Hà Nội chính thức được thành lập nhằm hỗ trợ, can thiệp cho trẻ mắc chứng tự kỷ và các vấn đề về trí tuệ, dạy cho các em các kỹ năng để chuẩn bị hòa nhập vào xã hội

Khi bắt đầu vào Trung tâm, khả năng tiến bộ của trẻ cũng phụ thuộc vào sự phối hợp chặt chẽ của gia đình. Cách dạy dỗ trẻ ở nhà cũng cần phải thống nhất, tương đồng với chương trình trên lớp.

Trung tâm cũng tổ chức tập huấn cho phụ huynh học sinh về các kỹ năng cơ bản trong việc chăm sóc, chơi và dạy trẻ tự kỷ ở nhà. Trước khi ra trường, trung tâm đánh giá mức độ phát triển các kỹ năng để tư vấn cho cha mẹ lựa chọn trường, lớp cho phù hợp với con. Tuy nhiên, sau khi ra trường, các em vẫn cần phải duy trì chương trình can thiệp cá nhân thì trẻ mới có khả năng theo kịp các bạn bình thường.

Niềm vui của những "người mẹ" đặc biệt

Hiện tại, Trung tâm Sao Mai có 18 lớp được đặt tên theo các loài hoa, loài chim rất đáng yêu, gần gũi như: Họa Mi, Vành Khuyên, Vàng Anh, Sơn Ca, Trà Mi, ,... phòng làm bánh, bếp ăn, vườn rau và quán cà phê thực hành kỹ năng sống, sân chơi trong nhà.

Trung tâm còn lập ra quán cafe Sao Mai giúp các em có nhiều cơ hội giao tiếp với mọi người hơn. Những em được làm việc ở đây khá nhanh nhẹn, tự tin trong giao tiếp, người ngoài khó có thể nhận ra sự khác biệt với trẻ bình thường.

Những người mẹ của trẻ tự kỷ

Theo bác sĩ Đỗ Thúy Lan, trẻ đến với Trung tâm đa số là chậm phát triển ngôn ngữ, tự kỷ, không giao tiếp, được các cô giáo, nhân viên ở đây dạy phát triển ngôn ngữ - giao tiếp, kỹ năng xã hội - sử dụng các giác quan để nhận biết mọi thứ xung quanh, vận động tinh (viết), vận động thô (đi lại, chạy nhảy).

Đối với mỗi bé, Trung tâm lại có một giáo trình riêng tùy theo nhận thức. Để các bé học được cách chào hỏi, các cô sẵn sàng hóa thân thành các nhân vật để vui đùa, tạo không khí để kích hoạt sự hoạt bát, trí tưởng tượng của trẻ.

Cô Nguyễn Thị Thanh Hương - Giáo viên của Trung tâm Sao Mai chia sẻ, việc dạy dỗ các cháu bị tự kỷ sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với trẻ bình thường.

"Ban đầu, các bé bị tự kỷ thường có biểu hiện chậm hơn so với trẻ cùng lứa tuổi, gần như chưa nói được từ gì. Trong quá trình dạy dỗ, các cô phải dạy đi, dạy lại rất nhiều lần các cháu mới thành thạo", cô Thanh Hương nói.

Nhiều em nhỏ khi đến Trung tâm vì chỉ số quá thấp nên can thiệp chuyên sâu, học 1 cô - 1 trò. Các cô ở đây không chỉ là giáo viên mà còn chăm sóc các em như một người mẹ đặc biệt. Từ động viên, chơi đùa cho đến làm trò giúp các em hòa nhập.

Những người mẹ của trẻ tự kỷ

Ngoài giúp đỡ, hỗ trợ việc ăn uống cho trẻ bị tự kỷ, các cô còn dạy dỗ, vui đùa hàng ngày như một "người mẹ" đặc biệt.

Nhờ sự nhiệt tình, kiên trì của các giáo viên trong Trung tâm nên nhiều bé lúc đầu tình trạng rất nặng, không có ngôn ngữ, giao tiếp cũng như các kỹ năng xã hội khác nhưng chỉ sau một thời gian theo học ở các lớp can thiệp, trị liệu sớm đã giúp các cháu bé đã có những tiến bộ rõ rệt.

Hiện nay, Trung tâm đang hỗ trợ, can thiệp và điều trị cho gần 200 em nhỏ mắc chứng tự kỷ và các vấn đề về trí tuệ. Mỗi năm Trung tâm có khoảng 60, 70 cháu được chuyển ra học hòa nhập với cộng đồng.

"Việc dạy cho các con dẫu rất vất vả và khó khăn nhưng niềm hạnh phúc và mong muốn lớn nhất của các giáo viên trong Trung tâm là các con có thể sớm hòa nhập với cuộc sống bình thường", cô Vũ Thị Thảo giáo viên của Trung tâm Sao Mai tâm sự.

Những người mẹ của trẻ tự kỷ

Nhiều trẻ bị tự kỷ phải dạy đi dạy lại rất nhiều lần mới tiến bộ và hòa nhập được.

Nhiều phụ huynh cho biết, sau khi đưa con vào Trung tâm để được tư vấn, hỗ trợ, can thiệp cho trẻ mắc chứng tự kỷ và các vấn đề về trí tuệ đều cảm thấy vui mừng vì sự tiến bộ rõ rệt của con sau từng ngày.

Chị Nguyễn Mai Trang (34 tuổi, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ, vợ chồng chị từng rất khổ tâm khi con gái 6 tuổi bị tự kỷ. Khi mới đưa vào Trung tâm, cháu không biết gọi tên bố mẹ, chậm giao tiếp so với bạn bè cùng trang lứa.

"Cháu thường ít ăn, khó ngủ, khi được bố mẹ gọi thì không quan tâm nên cả nhà rất khổ tâm. Sau khi vào Trung tâm hơn 1 năm, được các cô giáo dạy dỗ, hỗ trợ nên cháu đã ra trường học lớp hòa nhập. Giờ cháu đã giao tiếp bình thường, biết hát, biết đọc thơ... Với vợ chồng tôi đó thực sự là niềm hạnh phúc", chị Mai Trang tâm sự.

H. Nam
Theo GĐVN