Thứ sáu, 19/04/2024 | 03:48
RSS

Những ngôi chùa cầu may linh thiêng nên đi trong năm mới

Thứ sáu, 12/02/2021, 12:38 (GMT+7)

Đầu năm đi lễ chùa cầu nguyện một năm mới may mắn, bình an cho gia đình, người thân được xem là nét đẹp văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, năm nay do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên người dân nên cân nhắc khi đến chỗ đông người.

Chùa Quán Sứ

Ảnh: Giao Thông

Chùa Quán Sứ là một trong những ngôi chùa linh thiêng nhất ở Hà Nội. Chùa Quán Sứ nằm trên phố Quán Sứ từ lâu đã nổi tiếng là ngôi chùa linh thiêng, thanh tịnh. Ngoài ra đây còn là trụ sở của giáo hội Phật giáo Việt Nam, là nơi diễn ra nhiều sự kiện quan trọng của giáo hội. Bởi vậy trong ngày đầu năm mới, rất đông người dân, Phật tử về đây để đi lễ cầu mong mình và gia đình gặp nhiều may mắn, thuận lợi trong cuộc sống. Chùa Quán Sứ cũng là một trong rất ít ngôi chùa ở Việt Nam mà tên chùa cũng như nhiều câu đối đều được viết bằng chữ quốc ngữ.

Chùa Trấn Quốc

Được xây dựng từ thời vua Lý Nam Đến, chùa Trấn Quốc được bình chọn là một trong 16 ngôi chùa cổ đẹp nhất thế giới Chùa toạ lạc trên hòn đảo duy nhất của hồ Tây trên đường Thanh Niên, tạo nên cảnh quan phong thủy hữu tình.

Nổi tiếng linh thiêng về cầu tài, cầu lộc lại là danh thắng bậc nhất đất kinh kỳ, chùa Trấn Quốc xưa kia thường là nơi để các vua chúa ngự giá đến vãng cảnh và cúng lễ vào những ngày rằm, lễ Tết. Ngày đầu năm, ngôi chùa này luôn tấp nập những du khách, phật tử đến lễ chùa và cầu mong những điều may mắn sẽ đến với gia đình mình.

 Phủ Tây Hồ (Hà Nội)

Ảnh: Nhân Dân

Theo giadinh.net, Phủ Tây Hồ chính là địa chỉ nhiều người dân thủ đô tìm về vào những dịp đầu tháng hoặc ngày Rằm, đặc biệt là dịp đầu xuân năm mới. Nơi đây được xem là một trong những nơi chốn linh thiêng nhất Hà Nội. Phủ thờ Bà Chúa Liễu Hạnh - vị chúa Mẫu quyền năng trong Tứ Bất Tử Việt Nam.

Phủ thờ 3 pho tượng nữ thần đặt song hành: Mẫu Thượng Ngàn là vị mặc áo xanh lá cây, tượng trưng cho rừng; Mẫu Thoải là vị mặc áo trắng, tượng trưng cho nước; Mẫu Địa là vị mặc áo vàng, tượng trưng cho đất.

Cứ sau khoảnh khắc giao thừa, rất đông du khách tìm đến Phú Tây Hồ để cầu phúc, cầu lễ, lộc.

Đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh)

Thời điểm tốt nhất nên đi lễ đền Bà Chúa Kho là từ sau Rằm tháng Giêng.

Đền Bà Chúa Kho nằm trên lưng chừng ngọn núi Kho, tại khu Cô Mễ (xã Vũ Ninh, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh). Đây không chỉ là khu di tích lịch sử mà còn là nơi hàng ngàn người hành hương về trong dịp năm mới để xin lộc.

Người dân quan niệm, "đầu năm đến vay Bà, cuối năm trả nợ" sẽ giúp việc kinh doanh, buôn bán thuận lợi. Tùy theo mức độ "vay vốn" nhiều hay ít mà người đi sẽ sắp lễ to hay nhỏ.

Sở dĩ đền có tên là Bà Chúa Kho bởi đây chính là nơi tưởng niệm người phụ nữ đã có công giúp triều đình trông coi kho lương thực tại Núi Kho (tỉnh Bắc Ninh). Khi bà mất, nhà vua thương tiếc nên phong cho Bà là Phúc Thần. Ngôi đền hiện tại nằm trên mảnh đất của kho lương thực ngày xưa và do người dân lập nên.

Đền Trần (Nam Định)

Ảnh: Dân Sinh

Tọa lạc trên đường Trần Thừa, phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định, đền Trần năm nào cũng chật cứng du khách về xin ấn ngày Rằm tháng Giêng. Nhiều người tin rằng, có Ấn đền Trần sẽ được thăng tiến, thành đạt trong sự nghiệp.

Tương truyền, Ấn chỉ linh thiêng khi được lấy đúng vào 23 – 24h của ngày 14 tháng Giêng. Vì vậy, hàng vạn, hàng triệu người khắp nơi đổ về Đền Trần chen chúc, xô đẩy nhau cũng chỉ mong xin được Ấn vào thời khắc thiêng liêng ấy. Để xin được Ấn vua ban lúc nửa đêm, người dân phải xếp hàng, xin thẻ từ trước đó rất lâu.

Theo đó, lễ hội đền Trần sẽ được bắt đầu từ ngày 11 đến 16 tháng Giêng âm lịch với rất nhiều hoạt động văn hóa truyền thống độc đáo như: Rước kiệu Ngọc Lộ, rước nước, tế cá, múa lân, biểu diễn võ thuật…

Rất tiếc là năm nay do ảnh hưởng của dich Covid-19, nên lễ hội đền Trần sẽ không diễn ra.

Chùa Hương

Ảnh: Internet

Chùa Hương hay còn có tên gọi khác là Hương Sơn, nằm tại xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, thành phố Hà Nội. Đây là một trong số những quần thể văn hóa - tôn giáo nổi tiếng tại Việt Nam với nhiều đền chùa, đình thờ cúng tín ngưỡng. Chùa Hương là một trong những địa danh nổi tiếng được nhiều du khách gần xa tới hành hương, lễ phật và vãn cảnh chùa.

Nơi đây có thiên nhiên hữu tình, là sự kết hợp hài hòa giữa núi cao và nước xanh khiến thời tiết quanh năm mát mẻ. Bạn có thể tới Chùa Hương vào bất kỳ thời điểm nào trong năm. Vào những tháng mùa xuân từ tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch thì nơi đây thường đông đúc hơn hẳn. Đặc biệt, khoảng thời gian từ rằm tháng giêng cho tới khoảng giữa tháng 2 âm lịch là giai đoạn cao điểm của mùa hành hương đầu năm.

Ngày mùng 6 tháng giêng là ngày khai hội Chùa Hương, lễ hội Chùa Hương được tổ chức từ ngày mùng 6 đến hạ tuần tháng 3 âm lịch. Đây là thời điểm rất nhiều phật tử gần xa trở về hành hương, lễ phật để cầu mong một năm thuận lợi cho bản thân và gia đình. Tới Chùa Hương dịp lễ hội, du khách sẽ có dịp thưởng thức các chương trình văn nghệ như hát văn, hát chèo hay các cuộc thi chèo thuyền, leo núi... Ý nghĩa lễ hội Chùa Hương trước đây là khai sơn, mở rừng.

Tuy nhiên ngày nay còn có ý nghĩa là khai chùa, mở chùa. Khi đi lễ chùa hay tham quan thắng cảnh, bạn cần lựa chọn những bộ trang phục lịch sự, kín đáo. Tránh ăn mặc phản cảm khi lên chùa dâng hương. Nên chọn quần áo tối màu, có cổ, mặc quần thay vì mặc váy. Ngoài ra, khi đi du lịch Chùa Hương sẽ phải đi bộ và leo bậc khá nhiều các bạn nên lựa chọn cho mình những đôi giày thể thao hoặc giày bệt để cảm thấy thật thoải mái khi di chuyển.

Chùa Bái Đính (Ninh Bình)

Ảnh: Dân Sinh

Chùa Bái Đính là một quần thể chùa nằm trên núi Bái Đính ở Gia Viễn – Ninh Bình. Chùa với nhiều kỷ lục được xác lập bởi Trung tâm kỷ lục Việt Nam như: Khu chùa rộng nhất Việt Nam; Tượng Phật bằng đồng lớn nhất Đông Nam Á; hai quả chuông lớn nhất Đông Nam Á; chùa có nhiều tượng La Hán lớn nhất Việt Nam; Khu chùa có giếng lớn nhất Việt Nam…

Với kiến trúc hoành tráng, đồ sộ, mang đậm bản sắc truyền thống, nơi đây đã trở thành một điểm đến hấp dẫn của Ninh Bình. Lễ hội chùa Bái Đính là một lễ hội xuân, diễn ra từ chiều mùng 1 Tết, khai mạc ngày mùng 6 Tết và kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch.

Lễ hội chùa Bái Đính gồm 2 phần. Phần lễ gồm các nghi thức thắp hương thờ Phật, tưởng nhớ công đức Thánh Nguyễn Minh Không, lễ tế thần Cao Sơn và chầu thánh Mẫu Thượng Ngàn. Lễ hội chùa Bái Đính bắt đầu bằng nghi thức rước kiệu mang bài vị thờ Thần Cao Sơn, Đức Thánh Nguyễn và Bà chúa Thượng Ngàn từ khu chùa cổ ra khu chùa mới để tiến hành phần hội.

Chùa Tây Thiên (Vĩnh Phúc)

Chùa Tây Thiên nằm trên vùng đất thiêng thuộc dãy Tam Đảo – Vĩnh Phúc. Đây là một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam. Cảnh sắc thiên nhiên ở chùa Tây Thiên cũng kỳ thú, thanh bình và ngoạn mục trong mọi khoảnh khắc.

Du khách thập phương đến đây hành hương, cúng bái, cầu tài, cầu lộc. Với với mỗi người, chuyến hành hương Tây Thiên sẽ đều tràn ngập niềm hỷ lạc, an bình tự tại.

H.H (TH)
Theo Giáo dục & Thời đại