Thứ sáu, 22/11/2024 | 10:01
RSS

Những khóm lan khoe sắc và chuyện người phụ nữ "hồi sinh" vùng đất cằn

Thứ sáu, 15/03/2019, 11:43 (GMT+7)

Từ một vùng đất trũng ngập úng quanh năm giờ đây đã trở thành trang trại tổng hợp để chăn nuôi ngựa bạch, nấm Đông trùng hạ thảo, linh chi bonsai, tập huấn truyền đạt kiến thức làm kinh tế cho người dân, cho giá trị cao...

Trước đây, người dân xã Yên Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội đã không lạ gì khu đất thứ 7 và 8 “làm thì ít, bỏ hoang thì nhiều”, bởi lẽ đây là khu đất trũng, lại thường xuyên ngập úng khi có mưa lớn. Dù được chính quyền vận động, cho thuê chỉ với giá 7000 đồng mỗi sào/năm nhưng cũng chẳng ai nhận.

Điểm sáng về nông nghiệp Công nghệ cao ở huyện Thanh Trì, Hà Nội
Hàng trăm khóm lan cho giá trị cao được ươm trồng trong trang trại

Là một người dân địa phương, nhận thấy đất một vùng đất rộng lớn trên 6,3 ha để hoang hóa lãng phí, từ cuối năm 2004, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng đã mạnh dạn đề xuất với UBND xã Yên Mỹ ký hợp đồng giao khoán sản lượng trên diện tích 6,3 ha đất hoang hóa để cải tạo và xây dựng thành trang trại chăn nuôi, trồng trọt điển hình và là nơi tập huấn, bồi dưỡng kiến thức khoa học nông nghiệp tiên tiến cho cán bộ kỹ thuật về chăn nuôi, thú y cho người dân các tỉnh thành trong cả nước.

Sau khi được chính quyền chấp thuận, từ năm 2005, mô hình trang trại kinh tế tổng hợp mang tên Vạn An được thành lập. Để triển khai được dự án may ít, rủi nhiều này, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng đã tiến hành san lấp khu đất trũng để cải tạo, dựng lều tạm để sản xuất nông nghiệp công nghệ cao để trồng nấm Đông trùng hạ thảo, nấm linh chi bon sai, cây ăn hoa, chăn nuôi, đặc biệt là giống ngựa bạch cho giá trị lớn. Mô hình này cũng đã tạo công ăn, việc làm cho gần 30 lao động địa phương với thu nhập trung bình hơn 6 triệu đồng mỗi người/tháng. Đồng thời tổ chức các biện pháp bảo vệ môi trường, và được chính quyền xã cũng như UBND huyện Thanh Trì nhất trí cao.

Điểm sáng về nông nghiệp Công nghệ cao ở huyện Thanh Trì, Hà Nội
Những khóm lan nở khoe sắc trên khu đất xưa nay ngập úng, cho giá trị thấp

Được biết, từ tháng 5/2018, khu đất thứ 7 và thứ 8 thuộc xã Yên Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) đã được UBND huyện Thanh Trì Quyết định phê duyệt dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp Xây dựng trang trại tổng hợp. Theo đó phê duyệt dự án với mục đích sản xuất nông nghiệp: Trồng trọt (trồng cây ăn quả, hoa, cây cảnh, nắm); chăn nuôi (ngựa, dê, cừu, gà, lợn, thỏ, nhím); nuôi thủy sản.

Điểm nhấn của mô hình trang trại là xây dựng thành công mô hình chăn nuôi, giữ được giống gen ngựa bạch lớn nhất Việt Nam Trang trại là nơi có nhiều nhà khoa học trong lĩnh vực nông nghiệp đã bỏ nhiều công sức, tâm huyết nghiên cứu, nuôi dưỡng, thuần hóa, lai tạo thành công giống ngựa bạch quý hiếm, đồng thời cung cấp, chuyển giao công nghệ, quy trình chăn nuôi cho người dân có nhu cầu. Mặt khác bà Hằng còn mở thêm 10 trang trại tại nhiều tỉnh thành trên cả nước, với số lượng lên đến hàng trăm con ngựa bạch.

Điểm sáng về nông nghiệp Công nghệ cao ở huyện Thanh Trì, Hà Nội
Trang trại ngựa bạch thuần chủng có giá trị kinh tế rất cao.

Bên cạnh đó, trang trại còn phát triển diện tích cây ăn quả lâu năm, nghiên cứu cấy ghép nhiều loại hoa quý có hiệu quả kinh tế cao như hoa hồng ngoại, hoa lan... Đặc biệt là từ năm 2017 đến nay, trang trại đã trồng thành công nấm Đông trùng hạ thảo và nấm linh chi đỏ từ quy trình chuyển giao công nghệ của Trường ĐH khoa học tự nhiên. Hàng năm còn nuôi trồng, cung cấp ra thị trường hơn 20 tấn cá thương phẩm, cá giống, mạnh dạn nuôi cá cảnh có giá trị kinh tế cao.

Đối với mô hình trồng nấm, theo đánh giá của UBND huyện Thanh Trì, đây là mô hình nông nghiệp công nghệ cao trong nhà lạnh điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và ánh sáng, đảm bảo nghiêm ngặt các điều kiện về vệ sinh ATTP với quy mô hơn 3000m2, nhà trồng nấm được cấp giấy chứng nhận trang trại có sẵn.

Điểm sáng về nông nghiệp Công nghệ cao ở huyện Thanh Trì, Hà Nội
Đông trùng hạ thảo được nuôi cấy tại trang trại

Với những đóng thành tích trên, năm 2013, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen. Năm 2017, bà đã được Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”, cùng với nhiều bằng khen của các cấp Trung ương, địa phương.

Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Thị Thanh Hằng cho biết, trang trại là cơ sở của Trung tâm chuyển giao công nghệ thú y (Hội thú y Việt Nam), chúng tôi hoạt động trên cơ sở chuyển giao công nghệ, tập huấn cho người dân, nhân rộng mô hình, tạo ra lợi ích cho chính mình và xã hội.

Bên cạnh dự án chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo mô hình trang trại tổng hợp kết hợp với mô hình trồng nấm. Mặt khác trang trại còn phối hợp với các trường học để đưa các em học sinh, sinh viên đến học tập trải nghiệm về kiến thức nông nghiệp công nghệ cao.

Tuy nhiên, hiện nay hộ gia đình vẫn là đơn vị sản xuất phổ biến ở nông thôn, mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, chất lượng, bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã có nhưng chiếm tỷ trọng nhỏ. Đặc biệt, chưa có nhiều chính sách hấp dẫn nhằm khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn bởi việc tiếp cận đất đai, liên kết với nông dân trong sản xuất còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Một số quy hoạch, đề án và cơ chế chính sách hỗ trợ trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao đã có, nhưng việc triển khai thực hiện còn nhiều bất cập, nhất là nguồn lực thực hiện và thủ tục còn rườm rà.

Do đó để cho mô hình nông nghiệp công nghệ cao ngày càng phát triển, góp phần cải tạo đất hoang hóa, đất trũng có giá trị kinh tế thấp, đem lại thu nhập chính đáng cho người nông dân thì bên cạnh sự mạnh dạn đầu tư của doanh nghiệp, của người dân, thì rất cần sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp chính quyền.

Thanh Nam
Theo Đời sống Plus/GĐVN