Ngày 21/7, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội) thông tin, bệnh nhân N.V.Q. (36 tuổi, ở huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), tài xế GrabBike bị cướp đâm 6 nhát đã qua cơn nguy kịch, đang dùng thuốc trợ tim liều cao.
Là người đưa anh Q, vào viện cấp cứu, chị Nguyễn Thị Kim Nhung (trú tại Gia Lâm, Hà Nội) cho pháp luật & Bạn đọc biết, vào khoảng 2h30 rạng sáng 20/7, khi vừa đi làm về đang ngồi uống nước thì thấy một người đàn ông phóng xe máy qua bảo có vụ cướp, nạn nhân bị thương nặng, đang nằm ở khu vực chỗ bờ đê sông Đuống nhưng chưa có người đưa đi cấp cứu.
Nghe tin, chị Nhung vội đến hiện trường thì thấy có 2 xe ô tô khác cũng đỗ ở đây. Trong lúc những người khác tỏ vẻ hơi ngại ngần vì tài xế Grab đang chảy nhiều máu, chẳng biết sống chết thế nào thì chị Nhung liền nhờ mọi người đưa người gặp nạn lên xe ô tô của mình rồi chở nạn nhân đến viện.
Theo lời chị Nhung, khi đến hiện trường, thấy nam tài xế Grab người chảy nhiều máu chị cảm thấy rất hoảng sợ. Sau giây lát, chị mới bình tĩnh điều khiển xe ô tô đưa người gặp nạn đi cấp cứu.
"Lúc ấy ngoài tôi còn có 2 ô tô khác dừng lại ở hiện trường. Trong lúc những người khác ngại ngần vì tài xế grab đang chảy nhiều máu, chẳng biết sống chết thế nào thì tôi nhờ mọi người đưa anh ấy lên ô tô của mình để đến bệnh viện. Nghĩ cho cùng xe cũng chỉ là phương tiện đi lại, mạng người mới quan trọng nhất", chị Nhung kể lại vưới PV GĐXH.
Chị Nhung tiếp lời: "Tôi nhìn anh Grab chảy quá nhiều máu mà khóc không thành tiếng. Em trai tôi cũng mới qua đời bên nước ngoài do xuất huyết dạ dày nên tôi rất sợ cái cảm giác ở thời khắc sinh tử. Tôi vừa đi vừa cầu nguyện cho anh này tai qua nạn khỏi. Còn anh ấy thì cứ hổn hển nói: Nhà em nghèo lắm, em còn vợ và 2 con nhỏ. Bố mẹ không có tiền…".
Khi chị Nhung đưa tài xế Grab đến Bệnh viện Đức Giang thì đã gần 4h sáng. Sau đó chị về nhà nhưng cứ trằn trọc, nóng ruột không biết anh này được chuyển sang Bệnh viện Bạch Mai hay Việt Đức để chữa trị. Đến sáng, sau khi xin được số điện thoại người nhà nạn nhân, biết anh Q. đã được chuyển sang điều trị tại Bệnh viện Việt Đức nên chị vội tìm đến.
“Đối với tôi, khi gặp người đi trên đường không may bị nạn, mình cứu giúp họ là việc tốt nên làm. Người ta bảo với tôi, cứu người như vậy hay bị vạ lây nhưng tôi nói lại với họ vạ lây tôi không sợ, mình có làm gì sai đâu mà sợ. Nếu sau này, có gặp 10 trường hợp như thế, tôi cũng sẵn sàng cứu giúp họ mà không phải lo sợ gì cả”, chị Nhung nhấn mạnh.
Theo chị Nhung chia sẻ, sau sự việc, chị đi công tác nên khi nào về Hà Nội chị sẽ qua thăm lái xe Grab bị nạn.