Thứ sáu, 29/03/2024 | 03:51
RSS

Những giáo viên dạy học từ.... giường điều trị bệnh nhân Covid-19

Thứ ba, 01/03/2022, 17:38 (GMT+7)

Với những cố gắng không ngừng nghỉ của toàn xã hội, đại dịch Covid-19 rồi sẽ qua đi. Nhưng chắc chắn mỗi người sẽ giữ cho mình những kỷ niệm “ngày tháng không quên” ấy. Với những người cầm phấn bảng, đó có thể là những giờ đứng lớp từ...chính căn phòng bệnh.

Sự kiện:
Covid-19

Một căn phòng điều trị tại bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cơ sở Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội). 18h, có hai vợ chồng bệnh nhân đang tỉ mẩn ngồi cắm sạc, chuẩn bị kết nối để... dạy học. Đúng 19h, những tiếng ê a non nớt vang lên “Chúng con chào cô ạ”

Suốt thời gian điều trị covid-19 Cô giáo Trịnh Thị Lê Dung (54 tuổi) bắt đầu những tiết học online của mình như vậy. Cô Dung công tác tại trường tiểu học Thăng Long (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội), đã hơn 30 năm gắn bó với nghề... gõ đầu trẻ nhưng với cô những tiết học vừa rồi sẽ mãi là kỷ niệm không bao giờ quên. 

Tháng 2/2021, hai vợ chồng cô Dung bất ngờ mắc Covid-19, cả hai phải nhập viện điều trị. Cô Dung nhớ lại: “Tôi xác định sẽ phải điều trị dài nên... ôm theo 2 valy to”.

Hành trang cô Dung mang theo là tư trang cá nhân, quần áo và... sách giáo khoa, vở tập viết, máy tính. Ở thời điểm đối mặt với bênh tật, cô vẫn không quên thiên chức của mình: dạy học. Do sức khỏe yếu, ngay từ khi nhập viện, cô Dung đã phải sử dụng thuốc chống đông máu do nồng độ oxy trong máu của cô xuống thấp và phổi đã bị tổn thương. 


Căn phòng bệnh biến thành...nơi giảng bài bất đắc dĩ. Ảnh Giang Trần.

Mặc những lo lắng bệnh tật, cô giáo đã gắn bó với lớp học quá nửa tuổi đời chỉ có một suy nghĩ: không thể bỏ lớp, không thể bỏ học sinh. 

“Ngay tối hôm đó, tôi gọi điện cho ban giám hiệu thông báo, đồng thời xin được tiếp tục đứng lớp dạy online. Trường Thăng Long thời điểm ấy đang rất thiếu người. Ngoài ra, đặc thù học sinh lớp 1 sẽ rất dễ hoảng sợ khi có giáo viên lạ. Thương các con, tôi và chồng động viên nhau cùng cố gắng”, cô Dung tâm sự.

Và cứ như thế, trong suốt 9 ngày điều trị, ô cửa sổ sát giường bệnh được tận dụng thành… giá sách, trên đó xếp gọn gàng cuốn Toán lớp 1 và quyển luyện chữ bìa vàng còn thơm mùi giấy mới. Với hai vợ chồng cô giáo, chẳng biết từ khi nào, hai giờ dạy học buổi tối ấy bỗng thành “giờ vàng”. “Đó như một niềm vui, động lực để chúng tôi vượt qua bệnh tật”, chú Nghĩa - chồng cô Dung, cho biết.

Và không chỉ với hai vợ chồng bệnh nhân “đặc biệt” này, các y bác sỹ của bệnh viện cũng quen dần với những tiếng nói thơ ngây của con trẻ vang lên từ phía căn phòng ấy. Cô Dung đi xin wifi của bệnh viện, những lúc mạng yếu thì dùng mạng 4G phát từ chiếc điện thoại. Và không ít lần, trẻ nhỏ bất ngờ khi webcam tắt hay không thấy cô giáo ngồi trước màn hình. Cô giáo của chúng mệt, phải nằm vật ra giường thở hổn hển. Lũ trẻ còn quá nhỏ để hiểu, cô giáo ấy yêu lớp, yêu trò đến chừng nào mới có thể như vậy.

Cũng giống như cô Dung, cô giáo Phùng Thị Thu Hòa (sinh năm 1978) cũng đã “đứng lớp” online từ chính căn phòng cách ly của mình. Hồi giữa tháng 2/20201, chị phát hiện mình đã là F0 do lây nhiễm từ con trai. 

Suốt 7 ngày chiến đấu với Covid-19, cô giáo Phùng Thị Thu Hòa chưa bỏ một tiết dạy nào. Bệnh dịch đã khiến chị bị viêm họng, ho nhiều nhưng không quá mệt. Dù trường có giáo viên hỗ trợ, nhưng chị tự thấy vẫn có thể dạy các con nên đã xin ban giám hiệu cho mình được tiếp tục. Gắn bó với nghề đã 20 năm, cô giáo Hòa tâm sự: “Đã gắn bó với lớp lâu, nên tôi biết rõ con nào yếu ở đâu, con nào khả năng tập trung chưa tốt. Nếu để người khác đứng lớp thay, các con sẽ thiệt thòi nhiều”


Giáo viên ​đã “đứng lớp” online từ chính căn phòng cách ly của mình. Ảnh Giang Trần

Thế là, cứ tối tối, F0 đặc biệt của trường tiểu hoc Thăng Long lại… bật mic, mở zoom với các học sinh của mình. Xen lẫn trong lời giảng, có cả tiếng kho han của cô giáo. Xuống sức về sức khỏe, tâm trí thì luôn lo lắng về bệnh dịch, tuy nhiên cô Hòa vẫn luôn lạc quan. “Chỉ cần nhìn gương mặt các em, mọi mệt mỏi trong phúc chốc đều như biến mất” - cô giáo Hòa nở nụ cười hiền hậu.

Cô giáo Nguyễn Thị Nguyệt Anh lại là một trường hợp đặc biệt khác. Mẹ để và cha chồng cô ra đi chỉ trong vòng nửa tháng. Khi nỗi đau mất những người thân yêu nhất chưa kịp nguôi ngoai thì cô cũng mắc Covid-19.

Và cũng như bao đồng nghiệp của mình, gác lại công việc gia đình, cố vượt qua bệnh tật, cô giáo Nguyệt Anh hiếm khi rời lớp học online. “Chúng tôi đều thấy sự tiều tụy, bi thương trong đôi mắt chị. Nhưng chỉ đến khi có việc quá gấp, chị mới tạm xa lớp học trực tuyến của mình” - một đồng nghiệp của cô Nguyệt anh nhớ lại khoảng thời gian ấy. 

Cô Nguyễn Thị Bình Minh, hiệu trưởng trường tiểu học Thăng Long chia sẻ: “Trong mỗi giờ học trực tuyến, học trò ngây thơ làm sao cảm nhận hết được sự vất vả của cô giáo mình, bởi thấy cô vẫn cười tươi dặn dò cả lớp giữ gìn sức khỏe, hỏi thăm các bạn nhiễm Covid-19, động viên tinh thần các con. Nhưng chỉ chúng tôi mới thấu hiểu đồng nghiệp đang nỗ lực thế nào, mỗi người đang cố gắng làm việc bằng hai, thậm chí còn nhiều hơn thế.”

Cũng theo cô Minh, nhà trường cũng tạo điều kiện hỗ trợ cho giáo viên bị F0 khi những người bị ốm nặng không thể dạy, sẽ bố trí người đứng lớp thay. Tuy nhiên, hầu hết các cô đều cố gắng không bỏ tiết và nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ của mình.

Cô Dung, cô Hòa, cô Nguyệt Anh… chỉ là một trong số ít những giáo viên F0 nhưng không ngừng việc truyền thụ kiến thức của mình trong những ngày tháng đặc biệt. Và khi thời gian trôi đi, 15-20 năm nữa, những đứa bé đã từng tham gia những tiết học ấy, có thể tự hào nói với mọi người: “Chúng tôi đã từng có một cô giáo, những tiết học như vậy”.

Giang Trần
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại