Học sinh Tiểu học Ninh Bình chuyển sang học trực tuyến.
Đảm bảo tiến độ, chất lượng
Cô Đỗ Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Mỹ (Hoa Lư, Ninh Bình) cho biết: Từ đầu năm học tới nay trường chủ yếu dạy học trực tiếp nhưng phải chuyển sang trực tuyến, giáo viên và học sinh đã bắt nhịp ngay.
Tiến độ dạy học của trường đang ở tuần thứ 25/30, nhưng tuần thứ 27, 28 chủ yếu triển khai ôn tập lại kiến thức cho học sinh. Môn nào còn kiến thức mới thì giáo viên triển khai kết hợp củng cố thêm… Do hơn 2/3 hành trình năm học đã triển khai theo hình thức trực tiếp nên căn bản kiến thức học sinh đảm bảo.
Đối với đội ngũ giáo viên, khi chuyển sang dạy học trực tiếp có khoảng 70% sẵn sàng và có thể dạy học trực tuyến thành thạo và đạt hiệu quả. Một số giáo viên do cao tuổi, sắp về hưu… ứng dụng công nghệ hạn chế thì hiệu quả không bằng. Nhà trường sẽ khảo sát lại kiến thức các lớp sau học trực tuyến, đặc biệt với lớp giáo viên “cứng” tuổi và củng cố lại nếu cần.
Cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B (Yên Khánh, Ninh Bình) cũng cho biết, có 80% học sinh đã tham gia học trực tuyến. Số còn lại ở cùng ông bà, bố mẹ làm xa… không có phương tiện học tập, không có mạng Internet, zalo… thì giáo viên gửi bài qua zalo hoặc in phiếu bài tập gửi tới tận nhà. Dù vừa dạy học trực tuyến, vừa đưa bài tới nhà học sinh nhưng cơ bản giáo viên đều hiểu và vui vẻ triển khai với tinh thần trách nhiệm cao nhất.
Cũng do được tập huấn và chuẩn bị sẵn sàng cho việc dạy học trực tuyến từ năm đầu tiên có dịch nên hiện tại việc dạy trực tuyến giáo viên bắt nhịp và thành thạo. Về phía phụ huynh đa số tương đối hợp tác, hỗ trợ… trong quá trình con em học tập.
Hiện tại tiến độ dạy học của trường khá đảm bảo, thậm chí một số môn học một số khối đã bước sang tuần 28/30. Chương trình được đảm bảo theo kế hoạch bởi đã tận dụng thời điểm đầu năm học tới trước Tết dạy học trực tiếp để đẩy nhanh tiến độ dạy học trực tiếp. Ưu tiên dạy toàn bộ bài mới, dạy đẩy các môn cơ bản…
Các trường đang nỗ lực để tỉ lệ học sinh học trực tuyến đạt tối đa.
Thầy Trịnh Văn Cường, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kỳ Phú (Nho Quan, Ninh Bình) cũng cho biết: Thực tế dạy học đang ở tuần 25/30 nhưng trường đã dạy tới tuần 29.
Sở dĩ tiến độ nhanh hơn như vậy bởi thời gian học trực tiếp trường thực hiện đúng công văn 3969 tinh giản nội dung, tăng thời lượng một số tiết cho các môn chính nên đã cơ bản hoàn thành nội dung chương trình. Hiện tại, việc dạy học trực tuyến chủ yếu cho ôn tập, củng cố kiến thức cũ. Việc kết thúc năm học hoàn toàn nằm trong kế hoạch dự tính.
Theo chia sẻ của thầy Cường, khó khăn lớn nhất khi chuyển sang dạy học trực tuyến đó là thiết bị học tập còn hạn chế. Học sinh chủ yếu phải dùng nhờ thiết bị điện thoại mà ban ngày thì bố mẹ lại phải đi làm.
Trước khi bước vào học trực tuyến và quá trình học giáo viên của trường đã liên tục vận động để phụ huynh ưu tiên, tạo điều kiện để máy tại nhà cho con học. Ngày đầu bước vào học trực tuyến đạt khoảng trên 90% học sinh tham gia, những ngày tiếp theo có lớp đã đạt 100%. Tuy nhiên, vẫn còn tình trạng 2 học sinh gần nhà phải học chung 1 máy.
Mặt khác, để đảm bảo việc dạy học trực tuyến đạt tỉ lệ học sinh tham dự đông nhất, trường bố trí thời gian dạy vào buổi sáng như khi học sinh học tập bình thường. Với một số ít học sinh không có thiết bị vào buổi sáng giáo viên sẽ tiến hành dạy buổi tối để có thể mượn được thiết bị của bố mẹ.
Linh hoạt tháo gỡ
Cô Đỗ Thị Mỹ, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ninh Mỹ Trường cho biết, trước khi bước vào dạy học trực tuyến không lâu trường đã tiến hành khảo sát và có khoảng 40% học sinh có thiết bị học trực tuyến. Giáo viên đã tiếp tục tuyên truyền vận động, do đó khi bước vào học trực tuyến sẽ có khoảng trên 50% học sinh. “Với sự sắp xếp dần dần, tận dụng hoặc học nhờ… hy vọng tỉ lệ sẽ nâng lên trong 1-2 hôm tới…”, cô Mỹ trao đổi.
Vấn đề tháo gỡ khó khăn học trực tuyến, cô Mỹ cho biết trường đã phân khung thời gian dạy học để đảm bảo các gia đình có 2 con đều có thể tận dụng được thiết bị học tập. Buổi sáng dạy khối 4, 5, chiều khối 2,3, tối khối 1…
Theo cô Mỹ, tiến độ dạy học hiện tại không đáng lo ngại, nhưng nếu dịch bệnh phức tạp và phải kết thúc năm học trực tuyến thì cũng khó khăn chung trong việc kiểm tra đánh giá cuối kỳ. Song tinh thần chung sẽ là căn cứ theo tình hình dịch bệnh để tổ chức thi cuối học kỳ theo hình thức trực tiếp. Bởi thi trực tiếp sẽ đánh giá đúng nhất chất lượng giáo dục; học sinh không khó khăn khi phải làm bài trên máy…
Dù chuyển sang dạy học trực tuyến nhưng cơ bản các trường vẫn đảm nội dung, chương trình theo kế hoạch.
Cô Trần Thị Hợi, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Khánh Nhạc B cũng chia sẻ tháo gỡ cho dạy học trực tuyến, đó là trường đã thống nhất lịch dạy với khối THCS để phân luồng thời gian nhằm đảm bảo có đủ cơ sở vật chất cho các gia đình có con ở các lứa tuổi khác cùng được học.
Với học sinh THCS tính chủ động cao hơn và có thể tự học thì bố trí học buổi sáng, học sinh tiểu học do còn hạn chế trong sử dụng máy tính, điện thoại khi học trực tuyến nên học khung giờ từ 6h-10h tối khi bố mẹ ở nhà còn hỗ trợ. Không chỉ với học sinh khối 1, 2 mà trường khuyến khích bố mẹ học các khối cùng kèm và quản lý con trong quá trình học tập, tránh tình trạng mở máy nhưng không học...
Theo cô Hợi, nếu trường hợp dịch bệnh vẫn phức tạp, học sinh chưa thể đến trường thì dạy học trực tuyến cũng đảm bảo 15/4 sẽ kết thúc chương trình. Việc kết thúc năm học sẽ cố gắng bố trí theo hình thức trực tiếp.
“Từ nay đến cuối tháng 4 dịch đỡ lúc nào trường sẽ tiến hành thi kết thúc cuối kỳ II lúc đó, với tinh thần học đâu thi đó. Thi trực tiếp hạn chế tối đa tác động bên ngoài tới kết quả bài thi, mặt khác học sinh cũng không khó khăn khi làm bài trên máy…” - cô Hợi nói.
Thầy Trịnh Văn Cường cũng cho rằng: Nếu thi trực tuyến học sinh sẽ khó khăn trong thao tác, kết quả không thể phản ánh chính xác… Tuy nhiên, trường sẽ dựa trên chỉ đạo của Phòng giáo dục và vận dụng linh hoạt hình thức thi trực tiếp vào thời điểm kết thúc năm học. |