Thứ năm, 25/04/2024 | 19:54
RSS

Những giải pháp giúp trẻ hết biếng ăn

Thứ bảy, 16/05/2020, 06:45 (GMT+7)

Tình trạng trẻ biếng ăn kéo dài sẽ dẫn tới nhiều hậu quả nghiêm trọng và ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe cũng như trí não của trẻ. Vậy khi trẻ biếng ăn phải làm sao đây?

Các biện pháp:

Bạn chỉ nên gợi ý cho bé ăn khi nó đã đói. Trẻ em biếng ăn chẳng qua vì chúng chưa kịp đói. Thằng bé lười ăn của bạn hình như không bao giờ thấy đói? Cũng có thể do bạn đã không cho bé cơ hội ấy? Bạn hãy thử trong vài ngày liền không liên tục ép bé ăn. Hãy đợi để tự bé phải nhắc đến bữa ăn.

Khi đã quan sát được lúc nào bé thường thấy đói, bạn hãy cho bé ăn vào những giờ cố định. Trẻ em thích cuộc sống điều độ.

Mẹ nên lên thực đơn hàng ngày khoa học, đa dạng và hấp dẫn

Hãy giảm số bữa ăn. Một đứa trẻ 3 tuổi thực sự không cần đến 5 bữa ăn mỗi ngày. Giữa bữa sáng và bữa trưa, thay vì cho bé ăn cháo hay một lưng cơm, bạn hãy cho bé ăn một quả chuối hay miếng đu đủ, có thể sau đó bé sẽ ăn trưa một cách ngon lành.

Những giải pháp giúp trẻ hết biếng ăn
Những giải pháp giúp trẻ hết biếng ăn. Ảnh Internet

Khuyến khích trẻ tự lập

Tạo thói quen cho trẻ ngồi cùng mâm với cả gia đình để tạo không khí ăn uống sẽ hỗ trợ hiệu quả để bé ăn tốt hơn. Từ 7-9 tháng tuổi, mẹ có thể tập cho bé bốc ăn để tăng vận động của bàn tay. Một tuổi trở lên, bạn nên tập cho trẻ cầm thìa để con tự khám phá bữa ăn. Cách này rèn cho bé tính tự lập cao.

Hãy giảm những bữa ăn vặt. Bạn thử xem liệu bé có hay ăn vặt không? Vài cái kẹo, một gói bim bim, tưởng như không là gì cả nhưng lại ảnh hưởng rất nhiều đến sự ngon miệng của trẻ.

Đảm bảo giấc ngủ cho trẻ

Việc ngủ đủ giấc có mối liên hệ chặt chẽ với sự thèm ăn đối với trẻ nhỏ. Nếu trẻ bị thiếu ngủ thì não sẽ bị ức chế, ảnh hưởng đến khả năng tiêu hóa. Chính vì thế, để trẻ ngủ đủ và ngủ say giấc đóng vai trò rất quan trọng. Mẹ cũng nên nhớ số giờ bé cần ngủ dị biệt với mỗi độ tuổi.

Hãy giảm khẩu phần ăn của bé. Một bát cơm đầy có ngọn quả không kích thích sự thèm ăn của bé chút nào. Trái lại là đằng khác - nó khiến trẻ sợ và ngán. Sẽ hoàn toàn khác nếu trước mặt bé là một miếng thịt nho nhỏ, một chút xíu cơm và vài thìa canh. Ngần này thì có thể ăn được. Mà ngần ấy cũng đủ để một đứa trẻ hai tuổi no bụng.

Khuyến khích và khen ngợi trẻ

Mọi trẻ em đều thích được động viên và được khen. Mỗi lần bé ăn ngoan, hãy cung cấp cho bé một phần thưởng, có thể chỉ là một câu động viên, khen ngợi, một miếng dán bé ngoan…  Với cách làm này, việc muốn thử đồ ăn mới là việc sẽ xuất phát từ tự thân bé mà bạn không cần phải ép.

Hãy quan tâm đến tính đa dạng của các món ăn. Nếu ngày nào bạn cũng dọn cho bé món trứng đúc thịt, thì chẳng có gì ngạc nhiên khi nó không muốn ăn. Nếu bữa sau, bạn cho bé một khúc cá rán hay một bát súp sườn hầm khoai tây, củ cải, bạn sẽ thấy là ít ra thì bé cũng thử.

Bạn hãy cố gắng để các món ăn bày lên bàn trông thật màu sắc và ngon lành. Bên cạnh những búp súp lơ trắng là những cánh hoa cà rốt màu cam rực, bên cạnh những khúc đậu đũa xanh có cà chua đỏ… Một sáng kiến rất hay là món salad thập cẩm: Cà rốt, ớt ngọt, giá đỗ, khoai tây, dưa chuột…

Hãy để cho bé tự chọn. Trước khi nấu ăn, bạn hãy hỏi bé: "Con thích ăn gì nào?" và đưa ra một thực đơn mà bạn có thể làm để bé chọn. Có thể bé sẽ chẳng chọn gì cả, biết làm sao được!

Nhưng cũng có thể bé sẽ thích một món nào đó.

Hãy chấp nhận một số ý thích trái khoáy của bé. Nếu bé nhất định đòi uống sinh tố cà chua với cam, bạn đừng lấy đó làm điều bực mình, hãy làm cho bé. Đó chẳng qua là khẩu vị. Nếu bé chỉ thích bánh mỳ kẹp hình tam giác hay uống sữa bằng ống hút, bạn cứ chiều theo ý thích của bé, chắc chắn rồi đến lúc bé sẽ chán.

Đừng ép bé ăn cái mà nó không thích. Thay vì thịt, bạn có thể cho bé ăn trứng, cá hoặc giò, xúc xích. Nếu bé sợ rau, thì thay vì bực bội, bạn hãy cho bé ăn thêm trái cây.

Bạn đừng cố giấu những thứ bé không thích ăn vào các món ăn. Vì chắc chắn bé sẽ phát hiện ra và sẽ không chịu ăn gì nữa. Và nguy nhất là bạn đã làm nó ghét cái món mà đến nay nó vẫn thích.

Con trẻ biếng ăn là trường hợp thường xuyên bắt gặp tại các gia đình Việt. Mẹ không nên quá lo lắng hãy từ từ tìm hiểu và cải thiện dần cho con mỗi ngày nhé!

Trúc An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN