Thứ năm, 28/03/2024 | 21:32
RSS

Những câu nói chạm đến trái tim của PGS Văn Như Cương

Thứ hai, 09/10/2017, 09:50 (GMT+7)

Những câu nói vừa sắc sảo, vừa triết lý của thầy giáo, PGS Văn Như Cương sẽ là một trong những chân lý sống trong tim bao thế hệ học trò Việt Nam.

Thầy Văn Như Cương qua đời
Thầy Văn Như Cương qua đời ở tuổi 80 vào rạng sáng ngày 9/10. Ảnh Tri Thức Trẻ

Rạng sáng 9/10, thầy Văn Như Cương đã qua đời ở tuổi 80 sau khoảng thời gian chống chọi với bệnh tật. Không phải ngẫu nhiên, vị hiệu trưởng đáng kính của trường Lương Thế Vinh lại được bao thế hệ học trò yêu mến và kính trọng đến như vậỵ.

Sự ra đi của người thầy đáng kính là sự mất mát to lớn của trường Lương Thế Vinh nói riêng cũng như nền giáo dục Việt Nam nói chung. Hình ảnh PGS Văn Như Cương là một người thầy, người ông, người cha sẽ tồn tại mãi trong tim nhiều thế hệ học trò.

Cả cuộc đời, thầy Văn Như Cương đã dành trọn tâm huyết cho ngôi trường Lương Thế Vinh. Dù người thầy đáng kính ấy đã đi xa mãi mãi nhưng hình ảnh, cảm hứng cũng như những câu nói của thầy sẽ vẫn sống mãi trong sự nghiệp trồng người.

Thầy Văn Như Cương qua đời là một mất mát lớn
Hình ảnh người thầy đánh trống khai trường giờ chỉ còn là ký ức của trường Lương Thế Vinh. Ảnh VNE

Những câu nói như: “Ở tuổi 70 chúng tôi phải học tập nhiều ở tuổi 17 bây giờ” hay “Đứa trẻ kiêu căng, tự phụ hoặc tự ti, sợ hãi không phải mục tiêu của giáo dục” dường như là những chân của giáo dục sẽ mãi mãi được thế hệ mai sau khắc cốt ghi tâm.

Thầy Cương từng nói “Hồi cấp 3 tôi chỉ có 2 cái quần, một mới và một cũ. Cái quần mới thì đã cũ và cái quần cũ thì đã rách. Tuy nhiên, cuộc đời học sinh vẫn rất tươi vui và đầy mộng mơ”. Người thầy đáng kính đã cho chúng ta thấy rằng, dù bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào, tinh thần hiếu học vẫn sẽ giúp chúng ta vượt qua và thành công.

Thầy Văn Như Cương qua đời, hưởng thọ 80 tuổi
Bức tượng thầy Cương trong phòng làm việc của cô Văn Thùy Dương. Ảnh Tri Thức Trực Tuyến

Ngày 21/2 vừa qua, thầy Cương nhập viện vì sức khỏe ngày một yếu đi. Thầy đã kể một câu chuyện về cuộc gặp gỡ với thần chết. Khi được hỏi có lo sợ gì không, thầy Cương đáp rằng “"Không! Ta nay đã hơn 80 tuổi rồi, có đi cũng được rồi. Rất nhiều người trẻ ít tuổi hơn ta mà đã đi, họ bị tai nạn giao thông bị hỏa hoạn bị sóng thần, lũ quét, bị khủng bố, bị bom đạn chiến tranh, lại còn bị ăn phải thực phẩm bẩn… Bởi vậy, nếu ta phải đi bây giờ thì như nhà ngươi thấy đó, ta chẳng có gì mà lo lắng, sợ hãi cả!".

Thầy Cương có nhiều người sát cánh bên cạnh, thầy có học sinh, có chiến hữu, có gia đình, bạn bè…. Thầy bảo rằng “Học trò xem tôi như người bố, người ông nên tôi thấy mình đáng sống lắm”.

“Tượng đài nghề giáo bất khuất” này còn truyền cảm hứng sống cho mỗi người khi thầy bảo rằng “Các em có thể trở thành những người lao động chân chính, những nhà kỹ thuật có chuyên môn giỏi, những người nghiên cứu thành công, những doanh nghiệp tầm cỡ… nhưng trước hết phải là người tử tế”.

Thầy Văn Như Cương qua đời là một niềm mất mát lớn
Hình ảnh người thầy đáng kính sẽ mãi là hình ảnh khó quên đối với lớp lớp thế hệ học trò Việt  Nam. Ảnh Tri Thức Trẻ

PGS Văn Như Cương đã có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà. Thầy mạnh dạn phát ngôn và đề ra các phương án đổi mới giáo dục, chống tiêu cực thi cử, gian dối trong trường học, bạo lực học đường, lương tâm người làm nghề giáo, phẩm chất của học sinh… Thầy nói rằng: “Tôi thương con em chúng ta phải học đủ thứ”.

Không chỉ là niềm mong mỏi của mỗi thế hệ học sinh trường Lương Thế Vinh mỗi khi ngày tựu trường để được nghe thầy nói chuyện, những thế hệ học trò thậm chí chưa từng gặp mặt đều mong đợi những dịp khai giảng để lắng nghe những câu nói tâm huyết của người thầy đáng kính. Đúng như PGS Văn Như Cương từng nói “Biển học mênh mông, sách vở cũng chỉ là vùng biển gần bờ” sẽ tiếp thêm tinh thần học hỏi của lớp lớp thế hệ học sinh.

Không chỉ dạy học trò những câu nói về giáo dục, về sự học, người thầy đáng kính con trao niềm tin, trao kinh nghiệm cho chúng ta về vốn sống. Thầy đã từng bảo rằng “Là một thầy giáo lâu năm, tôi tin rằng không có lao động thì không có sáng tạo, một người lười lao động thì không có việc gì thành công”.

Mai An (T/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN