Thứ bảy, 18/01/2025 | 14:57
RSS

Nhiều sinh viên từ bỏ phòng trọ, đi xe bus vài chục km mỗi ngày để tiết kiệm

Thứ tư, 06/11/2024, 17:06 (GMT+7)

Việc phải trả một khoản tiền thuê trọ bằng cả chi phí ăn uống của cả gia đình khiến nhiều sinh viên ở Hà Nội cảm thấy áp lực. Để giảm bớt gánh nặng kinh tế, không ít bạn đã quyết định trả phòng trọ và chấp nhận đi lại bằng xe bus đường dài mỗi ngày.

Bỏ thuê phòng trọ: Tiết kiệm 50% tiền chi tiêu mỗi tháng

Thảo Trang (Sóc Sơn, Hà Nội) đang là sinh viên năm 2 Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Khoảng cách từ nhà tới trường hơn 30km, một quãng đường không xa nhưng cũng không gần khiến Thảo Trang nhiều lần suy nghĩ mình nên ở trọ hay sáng đi chiều về để tiện cho việc học hành.

Năm nhất đại học, Thảo Trang thuê trọ ở gần trường. Nhưng từ đầu năm hai, giá nhà trọ liên tục tăng khiến cô sinh viên đưa ra quyết định trả nhà trọ. Thay vào đó, mỗi ngày Trang bỏ ra khoảng hơn 2 tiếng để đi và về nhà bằng xe bus.

Nhiều bạn sinh viên có xu hướng bỏ nhà trọ, sáng đi tối về bằng xe bus để tiết kiệm tiền.

Tuyến xe bus mà Thảo Trang đi ngày nào cũng chật kín người, nếu vào giờ cao điểm có hôm phải đứng đợi gần 20 phút mới có xe. "Bản thân mình thấy đi xe bus thì bất tiện, khó chịu và tốn rất nhiều thời gian nhưng cũng nhờ thế mà hàng tháng mình tiết kiệm được hơn 3 triệu đồng tiền tính cả tiền trọ lẫn tiền ăn cho bố mẹ", Thảo Trang tâm sự.
Thảo Trang kể lại, khi mới vào năm nhất, Trang cùng 2 người bạn thuê chung một phòng tại ngõ 155, (đường Cầu Giấy, Hà Nội). Ban đầu nhóm bạn rất hài lòng với mức giá thuê phòng 4,5 triệu và tiền điện 2.500 đồng/số.

Tuy nhiên, vào ở Thảo Trang mới tá hỏa khi biết rằng còn rất nhiều khoản phí phát sinh khác như tiền nước, internet, vệ sinh, bảo trì thang máy, dọn vệ sinh và tiền gửi xe. Chưa kể, chủ nhà còn yêu cầu đóng tiền thuê trước 3 tháng, khiến gánh nặng tài chính càng nặng nề thêm.

"So với các bạn khác thì khu mình ở cũng khá khang trang, sạch sẽ nhưng chi phí lại quá cao, tính ra riêng tiền ăn ở, mình đã tiêu hết 3 triệu đồng/tháng của cha mẹ. Cộng thêm cả sinh hoạt phí, tiền học phí nữa thì thật sự quá sức với gia đình mình", Thảo Trang nói.

Giá phòng trọ, nhà trọ ngày một tăng cao khiến chi phí sinh hoạt của sinh viên tăng lên.

Chính vì lý do đó mà sau khi hợp đồng thuê kết thúc, Thảo Trang đã quyết định chuyển hẳn về quê cho tiết kiệm. Đều đặn mỗi sáng, Thảo Trang phải dậy từ lúc 5h để chuẩn bị tới trường. Tuy di chuyển vất vả nhưng hoàn toàn xứng đáng với khoản tiền mà Thảo Trang có thể tiết kiệm được cho gia đình.

Giống như Thảo Trang, Anh Thư (Mỹ Đức, Hà Nội) sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội cũng quyết định trả lại phòng trọ tại đường Cầu Diễn để hàng ngày đi xe bus từ nhà tới trường. Cả đi lẫn về mỗi ngày, Anh Thư ngồi xe bus khoảng 70 km.

"Em tiết kiệm được tiền nhà trọ, tiền ăn uống nữa và nhiều khoản chi phí khác như tụ tập bạn bè. Xe bus chạy qua nhà nên cũng tiện đi lại. Khoảng thời gian ngồi trên xe bus khi đi về em có thể học thêm tiếng anh, lướt mạng xã hội hoặc nghe nhạc giải trí", Anh Thư tiết lộ.

Việc xe bus tỏa đi khắp các huyện ngoại thành Hà Nội là điều kiện thuận lợi để sinh viên trả phòng trọ rồi đi về mỗi ngày.

Anh Việt Hải (Thanh Hóa), vừa trải qua "cuộc chiến" tìm trọ cho con. Tìm kiếm trên mạng, anh thấy một người rao căn hộ mới, đẹp tại Hai Bà Trưng, Hà Nội. Tới xem nhà, anh thất vọng khi thấy đó là một căn phòng trọ rộng chưa đầy 15m2 nhưng có giá lên tới 4,5 triệu đồng/tháng, tiền điện 4.500 đồng/số…

"Ban đầu tôi thấy giá phòng cao như vậy cũng thấy bất ngờ. Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu nhiều nơi thì không có chỗ nào ổn hơn cả và giá cả lẫn phòng trọ. Giá tiền phòng tuy hơi đắt so với kế hoạch của gia đình, nhưng tôi cũng cố gắng để con tôi có điều kiện sống tốt để an tâm học tập", anh Hải bộc bạch.

Giá tiền phòng trọ "leo thang" để bù chi phí vận hành

Việc tăng giá phòng trọ là một quyết định khó khăn nhưng cần thiết đối với nhiều chủ nhà trọ. Bên cạnh việc đối mặt với áp lực tăng giá các mặt hàng thiết yếu như điện, nước, các chủ nhà trọ còn phải chịu thêm gánh nặng từ các quy định ngày càng chặt chẽ về an toàn phòng cháy chữa cháy.

Để đáp ứng các tiêu chuẩn này, họ buộc phải đầu tư chi phí vào việc lắp đặt các thiết bị phòng cháy, hệ thống báo cháy, và cải tạo lại cơ sở vật chất. Vì vậy, việc tăng giá phòng trọ là một giải pháp cấp thiết để bù đắp các khoản chi phí phát sinh và đảm bảo hoạt động kinh doanh có thể tiếp tục.

Nhiều sinh viên phải chấp nhận ở trong những phòng trọ tồi tàn để có giá thấp hơn.

"Việc nâng cấp hệ thống điện nước, trang bị nội thất hiện đại và đáp ứng nhu cầu của sinh viên đã khiến giá thuê phòng trọ trở nên cao hơn. Điều này cho thấy, thị trường nhà trọ đang có những biến động đáng kể" - chị Bích Lộc, một chủ trọ tại Hà Nội chia sẻ.

Việc từ bỏ nhà trọ để đi về nhà mỗi ngày bằng xe bus chỉ có những bạn sinh viên sống ở các huyện ngoại thành Hà Nội mới làm được, bởi vì với quãng đường không quá xa, trong khi xe bus công cộng tỏa đi khắp nơi, thuận tiện đi lại. Còn với sinh viên tỉnh lẻ buộc phải chấp nhận thuê nhà trọ.

Nam Phương
Theo Dân Việt