Thứ bảy, 23/11/2024 | 17:11
RSS

Người trẻ tại Mỹ "kiệt quệ", không tìm thấy mục đích sống

Thứ tư, 06/11/2024, 07:39 (GMT+7)

Nghiên cứu cũng giải thích lý do nhiều thanh thiếu niên không đạt được những cột mốc hẹn hò hay có bằng lái xe như các thế hệ trước.

Tại Mỹ, các bạn trẻ từ 13 đến 17 tuổi đang phải đối mặt với tình trạng căng thẳng và kiệt sức kéo dài do áp lực học tập và kỳ vọng thành công gia tăng. Jayden Dial, một học sinh trung học, chia sẻ rằng mình phải làm podcast, tham gia sự kiện trường học, hoàn thành bài tập về nhà và chuẩn bị hồ sơ đại học mỗi ngày. 

Mặc dù không có thời gian nghỉ ngơi, Jayden cảm thấy mình vẫn chưa đủ nỗ lực. Đến tuổi 18, khi các bạn đồng trang lứa khoe lịch trình làm việc dày đặc trên YouTube, cô thúc ép bản thân phải cố gắng hơn nữa.

Một báo cáo gần đây của tổ chức Common Sense Media phối hợp với các nhà nghiên cứu từ Đại học Harvard và Đại học Indiana chỉ ra rằng, áp lực này không chỉ dành riêng cho người trưởng thành mà còn ảnh hưởng đến nhóm trẻ vị thành niên. 

Trong số hơn 1.500 người được khảo sát, 56% cho biết họ cần có một kế hoạch rõ ràng, 53% cảm thấy áp lực phải đạt được thành tích xuất sắc. Trước áp lực đó, 27% thừa nhận mình bị kiệt sức, ví mình như "một cỗ máy bị khai thác kiệt quệ" và không thấy mục đích sống.

Mặt trái của xã hội trọng thành tích

Người trẻ ở Mỹ đối mặt với nhiều áp lực. Ảnh: IG.

Nhiều người trẻ đang hy sinh sức khỏe tâm thần và thể chất để theo đuổi thành công. Họ không chăm sóc bản thân, hy sinh giấc ngủ hoặc từ chối gặp bạn bè để tập trung cho công việc. Dù nhiều người đổ lỗi cho điện thoại thông minh và mạng xã hội, nhưng thực tế sâu xa hơn là áp lực từ xã hội trọng thành tích, trong đó mục tiêu thành công cơ bản như có nhà, tiền tiết kiệm hay công việc ổn định trở nên xa vời do lạm phát từ đồ ăn đến giá nhà ở.

Emily Weinstein, giám đốc điều hành Trung tâm Phát triển Kỹ thuật số Harvard, tác giả chính của nghiên cứu, ban đầu định tập trung vào tác động của công nghệ đến sức khỏe tâm thần của thanh thiếu niên. Tuy nhiên, chính người được khảo sát lại đề nghị mở rộng phạm vi nghiên cứu để xem xét mọi khía cạnh trong cuộc sống của họ, bao gồm kế hoạch tương lai, điểm số và thành tích, ngoại hình, đời sống xã hội, tình bạn và hoạt động xã hội. Cuộc khảo sát đã diễn ra ở nhiều nơi, thuộc nhiều tầng lớp kinh tế, bao gồm cả thanh niên da màu và thuộc LGBTQ+.

Nghiên cứu phát hiện trẻ em từ gia đình có thu nhập cao thường chịu áp lực về thành tích nhiều hơn nhóm còn lại. Những người trẻ như Jayden Dial cảm thấy mạng xã hội khiến áp lực trở nên trầm trọng hơn khi người xem dễ tự ti với thành công của người khác. 

Sara Konrath, đồng tác giả nghiên cứu và là giáo sư chuyên về nghiên cứu các hoạt động từ thiện tại Đại học Indiana, cho biết ngoài mạng xã hội, người trẻ chịu áp lực lớn nhất từ cha mẹ, giáo viên và huấn luyện viên. Họ có thể muốn giúp đỡ con trẻ nhưng không nhận ra rằng bản thân vô tình thúc đẩy hành vi thiếu lành mạnh như bỏ qua việc ngủ nghỉ, tập thể dục hay sở thích cá nhân.

Trọng Hà (Theo AP)
Theo Dân Việt