Thứ sáu, 17/01/2025 | 16:01
RSS

Hà Nội: Thúc đẩy tổng lực 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa

Thứ sáu, 01/11/2024, 17:38 (GMT+7)

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với hơn 100 hoạt động chính bao quát cả 12 lĩnh vực.

Trong khuôn khổ lễ hội sẽ diễn ra hơn 18 hội thảo, toạ đàm xuyên suốt 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với hơn 100 hoạt động chính bao quát cả 12 lĩnh vực, đang chứng tỏ quyết tâm phát triển mạnh mẽ công nghiệp văn hóa Thủ đô.

Nơi tập trung di sản và nhân tài đất nước

Mặc dù tập trung vào 3 trụ cột chính: Thiết kế, Cộng đồng và Sáng tạo. Song Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 với chủ đề “Giao lộ sáng tạo”, không chỉ lần đầu tiên hình thành dọc theo 7 công trình di sản lịch sử tiêu biểu của Hà Nội, mà còn mở rộng sang các lĩnh vực chưa từng góp mặt tại lễ hội các năm trước, như: Điện ảnh, truyền hình - phát thanh, xuất bản…

Hà Nội được biết đến là thành phố di sản với 5.922 di tích lịch sử, văn hóa, trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới 21 di tích và cụm di tích quốc gia đặc biệt; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể. Nhắc đến di sản Hà Nội là nhắc đến Hoàng thành Thăng Long, phố cổ, hồ Hoàn Kiếm, đền Ngọc Sơn, Văn Miếu – Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò, hay các lễ hội lớn như hội chùa Hương, hội Gióng, hội Cổ Loa…

Hà Nội còn là đất bách nghệ, có số lượng làng nghề nhiều nhất cả nước với trên 1.350 làng nghề và làng có nghề, trong đó có hơn 300 làng nghề thủ công truyền thống tiêu biểu, 70 không gian sáng tạo và 1.095 lễ hội mang bản sắc văn hóa vùng Đồng bằng sông Hồng, gắn liền với câu chuyện lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc.

Với một đô thị giàu truyền thống văn hóa như Hà Nội, hệ thống di sản đô thị đang hiện hữu rộng khắp, trong đó nổi bật là các biệt thự cổ, công trình cổ, khu phố Pháp… Đây là nguồn lực vô cùng phong phú để khai thác, phát huy không chỉ phục vụ công tác bảo tồn mà có thể thu lại nguồn lợi.

Thế mạnh của Hà Nội không chỉ là vốn di sản văn hóa giàu có, mà còn có nguồn lực con người với trên 51,7% dân số trẻ; tập trung nhân tài, trí tuệ của cả nước với hơn 70% trường đại học, trung tâm nghiên cứu, học viện. Số nhà khoa học đầu ngành chiếm hơn 65% trong cả nước; 80% số phòng nghiên cứu khoa học trọng điểm của cả nước nằm trên địa bàn; có 2 khu công nghiệp công nghệ cao, hơn 3.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế, nghệ thuật, văn hóa, thời trang.

Báo cáo mới nhất của Ban Chỉ đạo Chương trình 06-CTr/TU đánh giá kết quả 6 tháng đầu năm 2024 về phát triển văn hóa của Hà Nội đạt kết quả toàn diện trên mọi lĩnh vực. Tuy vậy, vẫn còn những hạn chế, điểm nghẽn cần khơi thông để bứt phá – xứng đáng là thành phố đi đầu.

Chính vì vậy, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 không chỉ được kỳ vọng là ngày hội của giới thiết kế - sáng tạo - nghệ thuật, mà còn là ngày hội tổng hòa của công nghiệp văn hóa, là bệ phóng thúc đẩy Thủ đô phát triển thực sự xứng tầm là trung tâm sáng tạo của cả nước.

Tại buổi họp báo vào ngày 30/10, Ban tổ chức cho biết bên cạnh các lĩnh vực là thế mạnh của lễ hội trong suốt 3 năm qua, như: Du lịch văn hóa, kiến trúc, thủ công mỹ nghệ, nghệ thuật biểu diễn, thiết kế, ẩm thực, thời trang, quảng cáo, phần mềm, trò chơi giải trí Năm nay, lễ hội mở rộng sang tất cả 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa mà Chính phủ đã xác định.

Năm thứ 4 diễn ra Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội với nhiều hoạt động hấp dẫn, đa dạng, quy tụ đông đảo giới hoạt động sáng tạo tham gia.

Tạo bệ phóng phát triển công nghiệp văn hóa

Với hơn 100 hoạt động sáng tạo sôi nổi thuộc 12 lĩnh vực công nghiệp văn hóa, Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 không chỉ thí điểm một tuyến trải nghiệm về kinh tế sáng tạo cho Thủ đô trong tương lai, mà còn là nơi thể hiện tiềm năng sáng tạo, góp phần cộng hưởng, kết nối và thu hút các nguồn lực sáng tạo; đánh thức tinh thần sáng tạo của các thế hệ người Hà Nội.

Ngoài lĩnh vực cốt lõi của lễ hội là “Thiết kế”, gồm: Thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, thiết kế sản phẩm, thiết kế thời trang… còn mở rộng sang “thiết kế trưng bày” với các cụm tác phẩm nghệ thuật tương tác. Sự xuất hiện của lĩnh vực mỹ thuật và nghệ thuật đương đại bao gồm các tác phẩm hội họa, điêu khắc, tranh ảnh, sắp đặt nghệ thuật sẽ góp phần tạo nên không gian nghệ thuật đa dạng và sinh động cho lễ hội năm thứ 4 này.

Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn (sân khấu) với các vở kịch, biểu diễn nghệ thuật đương đại: Dự án “Thổ địa” kết hợp múa rối, trình diễn diễn thuyết và nghệ thuật sắp đặt; trích đoạn vở nhạc kịch “The Man Who Laughs” (Thằng Cười) - chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn Victor Hugo.

Ngành xuất bản với các hoạt động giới thiệu sách mới, sách kinh điển, tác phẩm văn học nghệ thuật độc đáo... không chỉ được ví như ngày hội sách, hội chợ sách mà còn trở thành một diễn đàn trao đổi giữa các tác giả, các nhà phát hành, nhà sản xuất; từ khâu sáng tạo đến tiếp nhận văn hóa phẩm.

Âm nhạc cũng được coi là điểm nhấn với sự trở lại của show “Rock Hà Nội chốn đi về” - một chương trình biểu diễn ngoài trời quy mô lớn, quy tụ của các ban nhạc rock lâu đời; workshop “Trạm chơi - Những thanh âm ngẫu hứng” dưới sự điều hành bởi nghệ sĩ nổi tiếng Ian Richter.

Điện ảnh tham gia với nhiều bộ phim thể hiện những góc nhìn sinh động về cuộc sống và xã hội đương đại. Trong đó, sự kiện “Xưa ta thuở nhỏ: Tự sự điện ảnh trẻ em Việt Nam thời chiến” trình chiếu 2 tác phẩm tiêu biểu của điện ảnh thập niên 70: “Em bé Hà Nội” và “Mẹ vắng nhà”.

Đặc biệt, lễ hội còn có sự góp mặt của công nghiệp phần mềm và trò chơi điện tử, thực tế ảo. Lĩnh vực này được kỳ vọng sẽ thu hút những người trẻ có đam mê sáng tạo công nghệ. Bên cạnh đó là workshop “Khoa học sáng tạo STEM và Robot Huna” và “Cú ngã” dự kiến đem lại các trải nghiệm thú vị, tương tác giữa con người và máy móc.

“Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 quy tụ 500 nhà sáng tạo, nhà thiết kế, kiến trúc sư, nghệ sĩ, chuyên gia, giới nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật… Các hoạt động diễn ra tại tuyến chính xung quanh Quảng trường Cách mạng tháng 8, quận Hoàn Kiếm cùng các địa điểm hưởng ứng ở 30 quận, huyện của Hà Nội, nhằm lan tỏa vẻ đẹp của sáng tạo, khuyến khích sự dũng cảm thực hành sáng tạo để thúc đẩy nền nông nghiệp văn hóa Hà Nội”, bà Trần Thị Vân Anh - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết.

Trần Hòa
Theo Giáo dục & Thời đại