Thứ ba, 19/03/2024 | 14:05
RSS

Nhiều nơi tăng "sốc" học phí từ năm học 2022-2023: Chuyên gia khuyến cáo điều gì?

Thứ hai, 23/05/2022, 15:00 (GMT+7)

Trao đổi với báo Dân Việt, các chuyên gia đã có những ý kiến trái chiều xoay quanh việc tăng học phí từ năm học 2022-2023.

Nhà nước và người dân cùng chia sẻ

Nếu dự thảo được thông qua, học phí năm học tới của học sinh Hà Nội sẽ tăng gấp đôi và 4 năm sau sẽ tăng gấp 4 so với mức hiện hành. Tương tự, tại TP.HCM ở nhóm 1, học phí tăng mạnh nhất ở bậc THCS, tăng gấp 5 lần. Ở nhóm 2, học sinh bậc THCS, GDTX THCS tăng hơn 2 lần. Một số tỉnh thành khác cũng cho biết đang có kế hoạc tăng học phí từ năm 2022-2023.

Liên quan đến việc chủ đề "nóng" tăng học phí này, chia sẻ với PV báo Dân Việt, TS. Lê Viết Khuyến, nguyên Phó vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho hay: "Chúng ta sẽ không bàn đến các trường tư thục vì họ phải huy động nguồn kinh phí từ người dân để duy trì hoạt động. Nhưng các trường công lập thì dùng ngân sách của nhà nước. Mà ngân sách nhà nước từ đâu ra? Chính là do người dân đóng góp. Nếu ngân sách nhà nước hết thì phải chịu, còn nếu có thì phải phân bổ hợp lý các lĩnh vực khác nhau. Không thể để người dân đóng ngân sách nhà nước rồi lại huy động tiếp học phí từ người dân. Đó là điều vô lý".


Nhiều phụ huynh lo lắng khi nghe tin học phí tăng từ năm học tới. Ảnh: Tào Nga

Theo TS Khuyến, nếu có đóng góp thì ở đây là chính sự chia sẻ. Nhà nước và người dân cùng chia sẻ chi phí giáo dục với nhau. Không thể "đổ" hết chi phí vào học phí và bắt người dân phải đóng. 

Ngoài ra, TS Khuyến cho rằng: "Học phí tăng cao đến gấp đôi, đến gấp 4, 5 lần lại càng không ổn. Học phí thấp hay cao phải so với mức thu nhập bình quân của người dân. Muốn tăng thì phải dần dần nếu không học sinh "không chịu được" sẽ bỏ học thì rất nguy hại, phi nhân văn, trái với bản chất ưu việt của nước ta".

PGS.TS Trần Hữu Quang, tác giả cuốn sách: "Từ phụ huynh đến nhà giáo - Những vấn đề kinh tế - xã hội trong nền giáo dục phổ thông" cho rằng: "Chúng ta đang đi thụt lùi, trước năm 1975, trường công ở miền Bắc hay miền Nam đều hoàn toàn miễn phí. Vậy nên bây giờ đã đến lúc cần phải xem xét và trả lại vấn đề về đúng chỗ".

Hiến pháp Việt Nam (sửa đổi tháng 12/2001) ghi "phải thực hiện phổ cập giáo dục THCS". Và cho dù tiểu học là "bắt buộc, miễn học phí" thì việc "phổ cập", theo ông Quang, cũng đã bao hàm cả sự cưỡng bách và sự miễn phí. Vì nếu không hiểu như vậy thì không thể có đủ điều kiện để thực hiện sự "phổ cập".

Ông Quang kiến nghị: "Cần miễn phí hoàn toàn ở trường công lập cấp tiểu học và THCS. Không chỉ miễn học phí mà phải bỏ tất cả các khoản thu vô lý trong nhà trường hiện nay, chỉ ngoại trừ những khoản thu chính đáng như tiền ăn bán trú, tiền xe đưa đón... Các khoản phi lý như tiền sổ học bạ, sơn bảng, tiền mua đèn, quạt, mua ghế ngồi ở sân chào cờ, tiền vệ sinh, bảo vệ... đương nhiên nhà trường công lập phải đảm nhiệm".

Một thạc sĩ giáo dục ở TP.HCM cũng cho rằng: "Tư tưởng giáo dục bắt buộc và miễn phí đối với học sinh phổ thông là nhân văn và tiến bộ. Nhưng chúng ta chỉ mới áp dụng giáo dục bắt buộc và miễn phí đối với tiểu học. Nhiều người nói vài chục, vài trăm nghìn không đáng bao nhiêu nhưng việc của nhà nước là đảm bảo công bằng, dù giàu hay nghèo thì mỗi người vẫn có quyền lợi được hưởng chính sách từ nhà nước".

Nên lắng nghe tâm tư của phụ huynh

Anh Bùi Ngọc Phúc, đồng tác giả sách "Cùng con bước qua các kỳ thi" và "Tư vấn kỳ thi vào 10" cho hay: "Việc tăng học phí là mối quan tâm của nhiều gia đình có con đang cắp sách đến trường. Theo tôi việc chia địa bàn thành các khu vực có thu nhập khác nhau để điều chỉnh là hợp lý. Trong bối cảnh kinh tế hiện nay, với nhiều nhà có từ 2 con trở lên đi học thì thêm một khoản chi phí cũng là gánh nặng không hề nhỏ.

Tuy nhiên, xét ở góc độ nào đó, tôi thấy học phí không phải là vấn đề khiến phụ huynh băn khoăn bằng việc học phí tăng nhưng chất lượng dạy học có tăng theo? Những khoản được gọi là thu theo thỏa thuận liệu có "tát nước theo mưa", bởi những khoản thu này mới là gánh nặng thật sự.

Sở GDĐT tăng học phí phù hợp với lộ trình, nhưng vẫn nên lắng nghe tâm tư của phụ huynh, những người chịu tác động trực tiếp bởi quyết định".

Thạc sĩ Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM: "Tăng học phí là phù hợp với thực tế bây giờ nhưng phải có chính sách để người nghèo ở Hà Nội, TP.HCM khỏi thất học. Học sinh học 2 buổi ở trường và không phải học thêm nữa. Các em cần nhiều thời gian để vui chơi (có tổ chức), đừng bắt buộc các em phải học tập những điều không cần thiết. Ngoài ra, cần có chính sách cho vay, lãi suất thật thấp hoặc tài trợ, cho những gia đình có con đang học để các em có cơ hội học tập. Cần có câu trả lời cho những điều trên thì mới tăng học phí được và như thế tăng học phí không là gánh nặng cho gia đình.

Còn ở bậc đại học tăng học phí cao nhiều hơn so với quy định của Bộ GDĐT vì các trường muốn mạnh thì phải có tiền để đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giảng viên; xây dựng chương trình đào tạo; xây dựng chương trình như đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, thực tế ở doanh nghiệp... Các em có nhiều sự lựa chọn để học tập sau THPT như bậc cao đẳng, trung cấp với thời gian ngắn hơn và tiếp tục theo học liên thông đại học nếu có nhu cầu".

Dự thảo mức thu học phí năm học 2022-2023 tại Hà Nội và TP.HCM

HĐND TP.Hà Nội vừa đưa ra dự thảo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập trên địa bàn từ năm học 2022-2023 đến năm học 2025-2026.

Theo đó, học phí đối với cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông công lập chưa tự bảo đảm chi năm học 2022-2023 ở vùng 1 và vùng 2 là 300.000 đồng, với vùng 3 là 100.000-200.000 đồng, vùng 4 là 50.000-100.000 đồng/tháng. Trong 3 năm học sau đó, học phí tăng theo từng năm.

Sở GDĐT TP.HCM, bậc mầm non nhóm 1 (nhà trẻ) sẽ có mức học phí từ 200.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng. Ở bậc mầm non (mẫu giáo), trẻ trong nhóm 1 sẽ có mức học phí từ 160.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng.

Đối với bậc THCS, dự kiến năm học sắp tới sẽ có mức học phí tăng mạnh nhất, trong đó nhóm 1 từ 60.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng.

Bậc THPT, GDTX THPT nhóm 1 từ 120.000 đồng/học sinh/tháng lên 300.000 đồng/học sinh/tháng. Nhóm 2 bậc THPT, GDTX THPT sẽ từ 100.000 đồng/học sinh/tháng lên 200.000 đồng/học sinh/tháng.

 

Tào Nga
Theo Dân Việt