Ngày 8/1, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin, đơn vị vừa tiếp nhận thêm 2 trường hợp chấn thương nặng do pháo tự chế phát nổ. Trường hợp đầu là bệnh nhân H.V. Đ (nam, 41 tuổi, ở Hải Phòng). Khi đang chế tạo pháo thì bất ngờ thuốc pháo phát nổ khiến ông Đ bị chấn thương.
Ngày 7/1, bệnh nhân Đ vào viện trong tình trạng tỉnh, hàm mặt xây xát; mắt 2 bên đau, nhìn mờ; tay phải dập nát ngón 3,4,5, đầu chi xẹp tím lạnh; vết thương phần mềm ô mô cái 5 cm bờ nham nhở, vết thương xây xát bìu và đùi 2 bên. phim chụp xquang cho thấy gãy xương các đốt ngón 4,5 tay phải.
Bệnh nhân được mổ cấp cứu, sửa mỏm cụt ngón 3,4,5, xử lý vết thương phần mềm gan tay, khâu vết thương bìu. Hiện tại, bệnh nhân Đ đang tiếp tục được theo dõi và điều trị tại Khoa Phẫu thuật Chấn thương chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Trường hợp còn lại là bệnh nhân N.Q.T (nam, 15 tuổi, ở Hà Nội). Ông N.Q.N, bố của bệnh nhân N.Q.T cho biết: Ngày 7/1, T cùng bạn tự chế tạo pháo, trong khi bạn của T cạo bột từ hộp que diêm thì T lấy bột đã cạo từ hộp que diêm để đốt.
Trong lúc phát nổ chỉ có T bị chấn thương còn bạn em may mắn không làm sao. Ngay sau đó, T được người nhà chuyển đến bệnh viện huyện sơ cứu và 3h00 sáng ngày 8/1, T được chuyển lên Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Bác sĩ Đoàn Lê Vinh - Khoa Phẫu thuật Chấn thương chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: “Bệnh nhân T vào viện trong tình trạng tỉnh táo, hàm mặt sưng nề; giảm thị lực mắt phải, chấn thương đụng dập nhãn cầu và tổ chức hốc mắt phải; tay trái dập nát ngón 1 đến xương bàn, dập nát ngón 2,3 đến đốt 1, dập nát ngón 4 đến đốt 2, lóc da phức tạp gan tay và mu tay.
Phim chụp xquang cho thấy gãy phức tạp nhiều xương bàn tay trái. Bệnh nhân đã được mổ cấp cứu, sửa mỏm cụt ngón 1 đến 4, xử lý da lóc bàn tay và chuyển sang Bệnh viện Mắt Trung ương để xử lý chất thương mắt.”
Trước đó, ngày 5/1, bệnh viện cũng tiếp nhận bệnh nhân D.T.H (nam, 15 tuổi, ở Hải Dương) đa chấn thương do chế tạo pháo. T cùng bạn mua bột về chế tạo pháo, trong lúc chế tạo thì đột nhiên phát nổ. Bệnh nhân vào viện trong tình trạng đa chấn thương, vết thương bàn tay phải: dập nát đốt 1 ngón III, đốt 3 ngón II, I; vết thương bàn tay trái: dập nát ngón V.
Ngoài ra, bệnh nhi còn có vết thương gan bàn tay, đứt gân ngón tay, khuyết hổng phần mềm ô mô cái (thuộc gan bàn tay) và vết thương ở mu chân phải, nham nhở nhiều dị vật.
BS Ngô Tuấn Hưng - Khoa Hồi sức cấp cứu, Viện Bỏng quốc gia, cho biết bệnh viện liên tiếp cấp cứu nhiều bệnh nhân bỏng do thuốc pháo. Đặc biệt, nhiều bệnh nhân bỏng do tự chế tạo thuốc pháo theo hướng dẫn trên mạng. “Hiểm họa do chơi pháo tự chế đã được cảnh báo từ nhiều năm trước nhưng đến nay tai nạn vẫn không giảm”, BS Ngô Tuấn Hưng cho hay.
Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 137/2020/NÐ-CP về quản lý, sử dụng pháo, có hiệu lực từ ngày 11/1/2021 (thay thế Nghị định số 36/2009/NÐ-CP). Với nhiều điểm mới quy định về nguyên tắc quản lý, sử dụng pháo; quy định về cho phép các cơ quan, tổ chức, cá nhân được sử dụng pháo, quy định về tiêu hủy pháo… Do đó các tổ chức cũng như người dân cần hiểu đúng, nắm rõ quy định để tránh vi phạm.
BS Ngô Tuấn Hưng cảnh báo, trong pháo có những hóa chất như phốt pho, lưu huỳnh, người đốt thường phải tiếp xúc rất gần nên khi phát nổ dễ bị các tổn thương nặng ở mặt, mắt, tay, cổ, ngực.... Vùng tổn thương có thể nhanh chóng phù nề, cản trở hô hấp, gây suy hô hấp.
Bỏng vùng mặt, cổ dễ để lại di chứng thẩm Mỹ về sau, ảnh hưởng đến khả năng tái hòa nhập cộng đồng của nạn nhân. Bỏng ở hai tay và bàn tay sẽ bị sẹo co kéo.
Bác sĩ Hưng khuyến cáo, vết thương do tai nạn khi tự chế pháo nổ rất nguy hiểm bởi sức công phá lớn. Vì thế, gia đình, nhà trường cần giáo dục phòng ngừa trẻ em không được tự chế, sử dụng các loại pháo nổ.
Đồng thời, các chuyên gia y tế cũng cảnh báo, tình trạng chế tạo pháo xảy ra nhiều nhất là ở lứa tuổi học sinh. Do đó, các cơ quan chức năng cần khuyến cáo các bậc phụ huynh, nhà trường nên phối hợp tuyên truyền, giáo dục, có các biện pháp để phòng ngừa hậu quả đáng tiếc xảy ra cho các em khi chế tạo, nổ pháo.