Thí sinh dự thi vào lớp 10 năm học 2021-2022 tại Hà Nội. Ảnh: Phạm Quang Vinh.
Chấp nhận thực tế, thay đổi nhận thức
Điệp khúc “trượt lớp 10 công lập không phải là dấu chấm hết” mùa thi nào cũng được nhắc đi nhắc lại nhưng từ câu chuyện trên có thể thấy, không phải phụ huynh nào cũng có thể chấp nhận thực tế con mình đã trượt nguyện vọng đỗ vào trường công lập.
Mặc dù trước kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10, con số cảnh báo có gần 40% thí sinh sẽ không đỗ vào các trường công lập được truyền thông liên tục nhắc đến song nhiều người vẫn không tin rằng con mình nằm trong số đó. Cú sốc với người mẹ ở trên có thể lý giải một phần là vì trước đó, con gái chị có 7 năm là học sinh giỏi.
Bỏ qua một bên việc học thật, thi thật vẫn còn nhiều tranh cãi trong giáo dục hiện nay, người viết bài này tin chắc rằng không ít phụ huynh có con thậm chí luôn được cô giáo nhắc nhở, cảnh cáo rơi vào top cuối của lớp, của trường nhưng vẫn nuôi hi vọng con đỗ vào trường công lập. Nhưng sẽ không có phép màu sẽ xảy ra trong phòng thi.
Kết quả điểm thi và điểm chuẩn vào trường được công bố, con không đỗ bất kỳ nguyện vọng nào trong danh sách các nguyện vọng đã đăng ký, bố mẹ buồn bã và lúc này phải chấp nhận thực tế con học chưa tốt, vừa bắt đầu cân nhắc con đường tiếp theo con sẽ đi. Chọn trường dân lập, trường tư thục hay trung tâm giáo dục thường xuyên hay rẽ lối sang học nghề?
Bài toán cân não lúc này được đặt ra với không chỉ thí sinh, phụ huynh mà thậm chí là cả đại gia đình bởi với truyền thống khoa bảng của nước ta, một người đi thi thì cả họ đều quan tâm, hỏi thăm, góp ý, tư vấn… Áp lực là điều không tránh khỏi với những người trong cuộc.
Một phụ huynh có con vừa trượt lớp 10 một trường công lập ở huyện ngoại thành Hà Nội cho biết hai tuần nay, mạng xã hội cá nhân của chị ngập tràn thông tin của bạn bè “khoe” con đỗ trường này, trường kia, được bao nhiêu điểm thi, thậm chí á khoa trường nào…
Bản thân chị không chia sẻ thông tin gì, cũng không chúc mừng ai bởi xuất hiện lúc này sẽ không tránh được hỏi thăm của người này, người kia. Mọi người quan tâm dù rằng có ý tốt cũng không làm thay đổi được kết quả mà chính con trai và gia đình chị cần ngồi lại thẳng thắn trò chuyện với nhau về hướng đi sắp tới. Vô vàn sự lựa chọn nhưng căn cứ vào nguyện vọng của con, tình hình tài chính của gia đình, và yếu tố môi trường, hoàn cảnh xung quanh việc lựa chọn đó để quyết định sẽ chọn phương án nào.
“Con trai khẳng định vẫn muốn cố gắng theo đuổi con đường học tập ở bậc THPT và nhận ra, kết quả ngày hôm nay là do mải chơi game, sa đà vào điện thoại, mạng xã hội… chứ không bao biện rằng “học tài thi phận” gì cả. Con xin được học tại một trường dân lập gần nhà có mức học phí gần 4 triệu đồng/tháng và cam kết sẽ nghiêm túc học tập, cải thiện kết quả so với năm lớp 9. Chúng tôi đã đồng ý”, vị phụ huynh này tâm sự.
Xu hướng học nghề lập nghiệp
Thống kê của TP Hồ Chí Minh cho thấy, năm nay, hơn 16.000 học sinh lớp 9 không đăng ký dự thi Tuyển sinh lớp 10 các trường THPT công lập. Các em đã chủ động lựa chọn con đường học tập khác phù hợp với năng lực của bản thân và hoàn cảnh gia đình mình. Trong đó, hình thức học tập được nhiều học sinh chọn lựa là học nghề tại các trường trung cấp, cao đẳng trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Sở GDĐT TP Hồ Chí Minh cho biết, trước đây nhiều người có suy nghĩ chỉ những học sinh học yếu mới chọn học nghề. Tuy nhiên, trên thực tế có học sinh học khá, có thể đậu vào lớp 10 công lập nhưng vẫn chọn học nghề.
Hiện các trường nghề trên địa bàn TP đã cải tiến rất nhiều, từ việc đổi mới phương pháp giảng dạy cho đến bổ sung cơ sở vật chất hiện đại, đáp ứng nhu cầu thực hành của học viên nghề. Đó là chưa kể ưu đãi đối với học sinh mới tốt nghiệp THCS mà đăng ký học trường nghề sẽ được miễn học phí 100%.
Linh hoạt, mở và vẫn đảm bảo quyền lợi được học liên thông lên những cấp học cao hơn sau này, mô hình 9+ đang nhận được nhiều sự quan tâm của các trường.
Về bản chất, 9+ là mô hình đào tạo song hành học nghề và học văn hóa sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9 và có thể tiếp tục liên thông lên bậc cao đẳng, rút ngắn thời gian đào tạo. Mô hình này đã triển khai thành công ở nhiều nước trên thế giới.
Điển hình là tại Đức với mô hình đào tạo kép, Nhật Bản với mô hình đào tạo KOSEN, đào tạo cho người học tốt nghiệp tương đương THCS ở Việt Nam rất thành công, đem lại giá trị về nguồn nhân lực đáp ứng nền kinh tế của đất nước.
Mô hình 9+ theo Luật GDNN và theo thông lệ quốc tế là học hết lớp 9, học sinh có quyền lựa chọn học nghề ngắn hạn trong thời gian 6 tháng đến 1 năm và các em tham gia thị trường lao động ngay tại các trung tâm dạy nghề. Các em không phải làm những công việc độc hại và được pháp luật cho phép độ tuổi từ 16 - 18.
Lựa chọn khác là học sinh tham gia chương trình đào tạo 9+2, 9+3, 9+4, 9+5 để theo tám bậc của khung trình độ quốc gia. Sau hai năm, các em lấy bằng trung cấp và có thể học liên thông lên CĐ- ĐH...
Cân nhắc hướng đi phù hợp với điều kiện hoàn cảnh, sở thích và năng lực của mỗi học sinh tuổi 15 là một bài toán cần sự định hướng đúng đắn của các bậc phụ huynh thay vì áp lực chỉ một con đường duy nhất là học lớp 10 công lập sẽ giúp cho mỗi kỳ thi bớt đi phần nào áp lực đỗ - trượt.