Kho thương mại điện tử được các nhà bán lẻ trực tuyến lựa chọn để giúp xử lý nhanh yêu cầu đặt hàng và giao hàng. Ảnh: M.H.
Cơ hội xuất khẩu trực tuyến
Bà Megan Lim - Giám đốc Chiến lược kinh tế Access Partnership (tổ chức nghiên cứu quốc tế về thương mại điện tử) cho biết, theo kết quả báo cáo "Cơ hội XK trực tuyến tại Việt Nam" và các doanh nghiệp (DN) siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSME) khai thác cơ hội XK các sản phẩm ra toàn cầu thông qua thương mại điện tử (TMĐT) cho thấy, năm 2023, giá trị XK TMĐT B2C (DN tới người tiêu dùng) của Việt Nam đạt 86 nghìn tỷ đồng (khoảng 3,5 tỷ USD). Dự kiến năm 2028, giá trị này sẽ tăng gấp 1,7 lần, đạt 145,2 nghìn tỷ đồng (khoảng 5,8 tỷ USD). Trong đó, các DN MSME đóng góp 25%.
Hiện, các DN MSME Việt Nam có nhiều thuận lợi và cả thách thức trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới. 93% DN tham gia khảo sát khẳng định không thể XK nếu không thông qua nền tảng TMĐT như Amazon Global Selling, Alibaba hay Ebay.
Trong khi đó 65% DN được khảo sát cho rằng, hơn một nửa doanh số TMĐT B2C của DN đến từ thị trường nước ngoài và 50% kỳ vọng mức tăng trưởng trên 20% tổng doanh số TMĐT bán lẻ của DN trong 5 năm tới.
Ông Phan Văn Hiệu - Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc CVI Pharma chia sẻ, công ty đã bắt đầu nhận thấy mô hình bán hàng truyền thống cồng kềnh nên đã thay đổi mô hình kinh doanh và đầu tư nguồn lực con người để hướng đến thị trường TMĐT xuyên biên giới đầy tiềm năng. Bắt đầu bán hàng qua sàn TMĐT đi các nước từ đầu năm 2024 và DN đã nhận được tín hiệu tích cực với kênh phân phối này. Hiện, đơn vị ghi nhận có hàng chục nghìn đơn hàng, doanh số đạt khoảng 20.000 USD/tháng.
Tuy doanh số bán hàng trên TMĐT xuyên biên giới của DN còn khá khiêm tốn nhưng DN kỳ vọng sẽ có con số doanh thu lớn hơn. DN đang được tổ chức bán hàng khá bài bản, đồng thời nhận được nhiều lời khen từ người tiêu dùng các nước. Do vậy, đây là thời điểm vàng để tham gia TMĐT toàn cầu.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng mừng thu được từ TMĐT, 95% DN MSME Việt Nam được khảo sát cho biết, gặp khó khăn về tìm kiếm nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực TMĐT xuyên biên giới. 95% DN được khảo sát cũng cho rằng họ thiếu hiểu biết về các quy định nhập khẩu qua TMĐT tại thị trường nước ngoài và mong muốn được trang bị thêm kiến thức về quy định nhập khẩu của các thị trường kỳ vọng lớn như Hoa Kỳ, Nhật Bản Hàn Quốc...
Bà Nguyễn Huỳnh Thu Trúc (Công ty Organic Viet Food -OVF) chia sẻ, để đưa được sản phẩm lên sàn TMĐT, DN phải học hỏi và cập nhật liên tục. Với mong muốn DN Việt không chỉ xuất hạt điều thô mà phải gia tăng giá trị, hạt điều Bình Phước đã được OVF khoác lên chiếc áo thương hiệu Newbam với bao bì, mẫu mã, đóng gói… đúng chuẩn để XK. Đến nay, hạt điều Newbam đã được lên kệ của Amazon và xuất ra nước ngoài nhanh chóng đến với thị trường Mỹ, Canada.
Mở rộng mạng lưới
Ông Yap Kwong Weng - CEO Việt Nam SuperPort nhận định, Việt Nam có nhiều cơ hội XK hàng Việt qua TMĐT xuyên biên giới. Hiện các DN TMĐT lớn của Hoa Kỳ, Trung Quốc… đã có mặt ở Việt Nam là lợi thế lớn với DN Việt. Đây cũng là lợi thế để Việt Nam XK hàng hóa sang các thị trường lớn thông qua TMĐT xuyên biên giới. Không chỉ XK hàng hóa, khi những DN lớn vào Việt Nam đầu tư sẽ cần sự hợp tác với các DN Việt để mở rộng và phát triển mạng lưới hậu cần loigistics trong chuỗi cung ứng. Đơn cử như SuperPort đang hợp tác với Tập đoàn T&T group trong việc phát triển hạ tầng logitsics. Bên cạnh đó, những DN lớn về hậu cần, chuỗi cung ứng của nước ngoài cũng đã sẵn sàng để hỗ trợ Việt Nam phát triển TMĐT. “Việt Nam có vị thế chiến lược để hỗ trợ TMĐT xuyên biên giới phát triển” - ông Yap Kwong Weng nhấn mạnh.
Ông Đoàn Quốc Tâm, đại diện Hiệp hội TMĐT cho rằng, Việt Nam chuẩn bị bước qua giai đoạn khởi động của XK trực tuyến. Năm 2025 là năm bản lề để từ năm 2026 XK trực tuyến bước sang giai đoạn mới – giai đoạn cất cánh.
Theo đó, điều kiện đầu tiên là DN cần chủ động đầu tư nhân lực chất lượng cao, có năng lực sáng tạo sản phẩm độc đáo và xây dựng thương hiệu để đáp ứng nhu cầu của khách hàng trực tuyến ở nước ngoài. Tiếp đó, các cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt xu hướng phát triển, coi XK trực tuyến là một phần quan trọng của TMĐT và đề xuất các chính sách, giải pháp cụ thể, hỗ trợ hiệu quả DN.
Để đẩy mạnh cơ hội XK trên TMĐT, giới chuyên gia cũng khuyến nghị DN nên tham gia sàn TMĐT uy tín, đồng thời, đầu tư cho thương hiệu sản phẩm, tìm đối tác bản địa để hỗ trợ logistics và chăm sóc khách hàng, nắm bắt thị hiếu, nghiên cứu kỹ quy định nước sở tại, tận dụng các chương trình hỗ trợ của Bộ Công thương.