Thứ tư, 11/12/2024 | 16:11
RSS

Hợp nhất Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng: Dự kiến các cơ quan bị "xóa bỏ", những đơn vị thành lập mới

Thứ tư, 11/12/2024, 16:10 (GMT+7)

Đại diện Bộ Giao thông vận tải (GTVT) cho biết, Bộ GTVT và Bộ Xây Dựng đã có cuộc bàn thảo, trao đổi và thống nhất đề xuất tên Bộ sau khi hợp nhất là "Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải".

Sẽ hợp nhất và giải thể một số đơn vị

Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đã ký ban hành văn bản số 141/KH-BCĐTKNQ18 ngày 6/12/2024 kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Trong đó, hợp nhất Bộ giao thông vận tải (GTVT) và Bộ Xây dựng. Tên Bộ sau sắp xếp dự kiến là Bộ Phát triển Hạ tầng hoặc Bộ Giao thông và Xây dựng đô thị, nông thôn (thực hiện chức năng quản lý nhà nước về các ngành, lĩnh vực hiện đang giao cho Bộ Giao thông vận tải và Bộ Xây dựng).

Trụ sở Bộ GTVT. (Ảnh: Thế Anh)

Liên quan tới vấn đề này, trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Bộ GTVT cho biết: "Đầu tiên hai Bộ GTVT và Bộ Xây dựng sẽ thảo luận với nhau, rà soát chức năng nhiệm vụ quản lý của hai Bộ, chức năng nhiệm của các Cục, Vụ, các đơn vị của hai Bộ".

"Dựa trên cơ sở hướng dẫn của Trung Ương, hai Bộ sẽ xem xét chức năng nhiệm vụ của những đơn vị nào tương đồng giống nhau để cùng hợp nhất bộ máy và giải thể một số đơn vị", vị này cho hay.

Theo đại diện Bộ GTVT, sau sắp xếp sẽ sáp nhập chức năng nhiệm vụ của một số đơn vị, tinh giảm, tinh gọn bộ máy. Việc này, phải đảm bảo được đúng tỷ lệ theo yêu cầu của Trung Ương. Những đơn vị nào có chức năng đặc thù lĩnh vực sẽ được xem xét giữ lại để đảm bảo sự ổn định trong công tác quản lý Nhà nước đối với các dự án đang triển khai và sắp triển khai thi công.

Trụ sở Bộ Xây dựng. (Ảnh: Thế Anh)

Xóa bỏ và sáp nhập các cơ quan

Đến nay, Bộ GTVT và Bộ Xây Dựng đã có cuộc bàn thảo, trao đổi và thống nhất đề xuất tên Bộ sau khi hợp nhất là: "Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải".

Về cơ cấu tố chức Đảng: Kết thúc hoạt động Ban cán sự đảng 2 Bộ và thành lập Đảng bộ Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải gồm ban chấp hành, ban thường vụ, bí thư, phó bí thư đảng ủy; ban thường vụ đảng ủy gồm đồng chí Bộ trưởng làm Bí thư, các đồng chí Thứ trưởng, đồng chí Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ và 1 đồng chí Phó Bí thư chuyên trách. Giải thể Văn phòng Ban cán sự đảng 2 Bộ; sáp nhập Văn phòng đảng ủy 2 Bộ.

Về cơ cấu tổ chức chính quyền: Khối thuộc cơ cấu cơ quan hai Bộ trước khi hợp nhất gồm: 44 đơn vị (Bộ Xây dựng 19 đơn vị; Bộ GTVT 25 đơn vị). Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất hai Bộ, Khối thuộc cơ cấu cơ quan giảm xuống chỉ còn 29 đơn vị (giảm 15 đơn vị, tương đương 34%).

Trong đó, Khối tham mưu tổng hợp có 6 đơn vị (Văn phòng, Thanh tra, 4 Vụ); Khối chuyên ngành có 18 đơn vị (13 Cục và 5 Vụ); Khối sự nghiệp công lập có 5 đơn vị.

Tên gọi của 29 đơn vị sau khi hợp nhất hai Bộ như sau: Vụ Quy hoạch - Kiến trúc; Vụ Quản lý đầu tư; Vụ Vận tải; Vụ Khoa học công nghệ môi trường và vật liệu xây dựng; Vụ Kế hoạch - Tài chính; Vụ Pháp chế; Vụ Hợp tác quốc tế; Vụ Tổ chức cán bộ; Vụ Quản lý doanh nghiệp; Văn phòng; Thanh tra; Cục Kinh tế xây dựng; Cục Quản lý hoạt động xây dựng; Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng; Cục Phát triển đô thị và nông thôn. Cục Kết cấu hạ tầng; Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản; Cục Đường bộ Việt Nam; Cục Đường cao tốc Việt Nam; Cục Hàng hải Việt Nam; Cục Hàng không Việt Nam; Cục Đường sắt Việt Nam; Cục Đường thủy nội địa Việt Nam; Cục Đăng kiểm Việt Nam; Học viện Cán bộ quản lý xây dựng và giao thông vận tải; Báo Xây dựng và Giao thông vận tải; Tạp chí Xây dựng và Giao thông vận tải; Trung tâm thông tin; Viện Chiến lược Xây dựng và Giao thông vận tải.

Về cơ cấu Khối đơn vị sự nghiệp công lập theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ như sau:

Số đơn vị sự nghiệp của 2 Bộ trước khi hợp nhất có 32 đơn vị (Bộ Xây dựng 11 đơn vị; Bộ GTVT 19 đơn vị). Dự kiến sau sắp xếp, sáp nhập, hợp nhất giảm xuống chỉ còn 23 đơn vị (giảm 09 đơn vị, tương đương 28%).

Theo đó, 23 đơn vị này gồm: Viện Khoa học công nghệ Xây dựng và Giao thông vận tải; Viện Vật liệu xây dựng. Viện Kinh tế xây dựng; Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia; Viện Kiến trúc quốc gia; Học viện Hàng không Việt Nam; Trường Đại học Hàng hải Việt Nam; Trường Đại học Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Công nghệ Giao thông vận tải; Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội; Trường Đại học Kiến trúc Thành phố Hồ Chí Minh; Trường Đại học Xây dựng miền Trung; Trường Đại học Xây dựng miền Tây; Nhà xuất bản Xây dựng.

Ban Quản lý dự án Thăng Long (Giải thể sau khi kết thúc dự án hoặc hợp nhất); Ban Quản lý dự án 2 (Giải thể sau khi kết thúc dự án hoặc hợp nhất) 17; Ban Quản lý dự án 6 (Giải thể sau khi kết thúc dự án hoặc hợp nhất); Ban Quản lý dự án 7 (Giải thể sau khi kết thúc dự án hoặc hợp nhất); Ban Quản lý dự án 85 (Giải thể sau khi kết thúc dự án hoặc hợp nhất); Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận (Giải thể sau khi kết thúc dự án hoặc hợp nhất); Ban Quản lý dự án Hàng hải và Đường thủy; Ban Quản lý dự án Đường sắt và đường Hồ Chí Minh; Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng chuyên ngành - Xây dựng.

Sắp xếp lại khối doanh nghiệp sau khi hợp nhất Bộ GTVT và Bộ Xây dựng. (Ảnh: VNA)

Sắp xếp lại nhiều doanh nghiệp

Về Khối tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn góp nhà nước do Bộ làm đại diện chủ sở hữu, trong đó, số doanh nghiệp do hai Bộ làm đại diện chủ sở hữu trước khi hợp nhất có 14 doanh nghiệp (Bộ Xây dựng 06 doanh nghiệp; Bộ GTVT 08 doanh nghiệp). Dự kiến sau sắp xếp, hợp nhất, Bộ Xây dựng và Giao thông vận tải là chủ sở hữu của 19 doanh nghiệp.

Khối doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ gồm: Tổng công ty Xi măng Việt Nam (VICEM); Tổng công ty Đầu tư Phát triển nhà và đô thị (HUD); Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy; Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam.

Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Bắc; Tổng công ty Bảo đảm an toàn hàng hải miền Nam; Công ty Thông tin điện tử hàng hải Việt Nam; Công ty TNHH MTV Nhà xuất bản giao thông vận tải; Công ty Cơ khí ô tô và Thiết bị điện Đà Nẵng (DAMCO).

Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (LILAMA) - Vốn nhà nước 97,88%; Tổng công ty xây dựng Hà Nội - CTCP (HANCORP) - Vốn nhà nước 98,83%; Tổng công ty Viglacera - CTCP (VIGLACERA) - Vốn nhà nước 38,58%; Tổng công ty Cơ khí xây dựng - CTCP (COMA) - Vốn nhà nước 98,76%; Tổng công ty Xây dựng đường thủy - CTCP - Vốn nhà nước 36,62%.

Tổng công ty Hàng không - Vietnam Airlines - Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ; Tổng công ty Cảng hàng không VN – ACV - Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ. Tổng công ty Hàng hải Việt Nam – Vinalines - Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ. Tổng công ty Đường cao tốc Việt Nam – VEC – 100% vốn nhà nước Tổng công ty Đường sắt Việt Nam - VNR – 100% vốn nhà nước.

Thế Anh
Theo Dân Việt