Thứ sáu, 29/03/2024 | 21:00
RSS

Nhiều dấu hỏi trong việc quản lý, sử dụng vốn đầu tư tại Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng

Thứ ba, 07/07/2020, 10:33 (GMT+7)

Thời gian qua Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Ðồng làm chủ đầu tư nhiều dự án lớn. Tuy nhiên, theo phản ánh, một số sự án này có tỉ lệ tiết kiệm vốn đầu tư thấp thông qua đấu thầu và thường rơi vào tay doanh nghiệp 'quen mặt'.

Trong những năm qua, được sự quan tâm của UBND tỉnh Lâm Đồng, ngành giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng đã tập trung ưu tiên các nguồn vốn để phát triển đầu tư xây dựng hạ tầng mạng lưới giao thông, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội.

Đến nay, hệ thống đường giao thông nông thôn toàn tỉnh có tổng số 7.480 km, được cứng hóa khoảng 6.300 km, đạt tỉ lệ 84%; 116/116 xã có đường giao thông đến trung tâm đạt tỷ lệ 100%; 114/116 xã đạt tiêu chí giao thông trong bộ tiêu chí nông thôn mới.

Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng hiện nay là ông Trương Hữu Hiệp.

Tuy nhiên, thời gian qua, nhiều bạn đọc và doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn đã có những phản ánh, nghi ngại về tình trạng nhiều dự án, công trình do Sở GTVT Lâm Đồng là chủ đầu tư, mời thầu luôn "về tay" doanh nghiệp “quen mặt”. Điều đáng nói, các gói thầu, dự án này đều có tỷ lệ tiết kiệm nguồn vốn đầu tư nhỏ giọt, không đáng kể thông qua đấu thầu.

sai phạm Đầu tư công tại Sở GTVT Lâm ĐồngÔng Trương Hữu Hiệp - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Lâm Đồng 

Đầu tư lớn, tiết kiệm nhỏ giọt

Cụ thể, tại gói thầu xây lắp, công trình “Sửa chữa cục bộ nền, mặt đường KM67+700-Km69, quốc lộ 28B, tỉnh Lâm Đồng”, với giá gói thầu 5.607.894.000 đồng và Công ty CP đầu tư xây dựng Hải Phương trúng thầu với giá 5.600.820.917 đồng.

Như vậy, thông qua đấu thầu gói thầu hơn 5,6 tỷ đồng này, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng chỉ tiết kiệm cho ngân sách khoảng 7 triệu đồng. (Quyết định số 321/QĐ-SGTVT ngày 24/6/2020, do ông Hoàng Anh Tuấn – Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng ký).

Cũng trong ngày 24/6/2020, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng đã phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu cho gói thầu xây lắp thuộc công trình “Sửa chữa cục bộ nền, mặt đường Km75+500-Km79, quốc lộ 27C, tỉnh Lâm Đồng”. Công ty CP Xây dựng trường giang trúng thầu với giá 11.108.493.535 đồng, trong khi giá gói thầu là 11.136.286.000 đồng, tiết kiệm vỏn vẹn khoảng 28 triệu đồng theo Quyết định số 320/QĐ-SGTVT do ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng ký.

sai phạm Đầu tư công tại Sở GTVT Lâm Đồng01Một văn bản Quyết định kết quả của Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng

Trước đó gần 7 ngày, Công ty cổ phần đầu tư xây dựng 886 Thành Nam trúng gói thầu xây lắp thuộc dự án “Sửa chữa cục bộ nền, mặt đường, thảm bê tông nhựa, sửa chữa hệ thông thoát nước đoạn Km54+000-Km57+000, quốc lộ 28B, tỉnh Lâm Đồng”.

Được biết, giá trúng thầu là 10.352.574.897 đồng và giá gói thầu là 10.398.524.000 đồng. Theo quyết định phê duyệt lựa chọn nhà thầu số 306/QĐ-SGTVT ngày 18/6/2020 thì thông qua đấu thầu, lãnh đạo Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng chỉ tiết kiệm được cho ngân sách khoảng 46 triệu đồng.

Doanh nghiệp 'quen mặt' 

Qua phản ánh, được thấy, thời gian qua, tại các công trình, dự án do Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng làm chủ đầu tư xuất hiện tình trạng doanh nghiệp "quen mặt" trúng thầu sát giá. Điển hình là Công ty TNHH Tư vấn đầu tư và xây dựng 15A (địa chỉ tại Phan Đình Phùng, Phường 2, TP.Bảo Lộc, Tỉnh Lâm Đồng), người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Đình Tài.

Cụ thể, tại Gói thầu xây lắp, công trình “Sửa chữa cục bộ nền, mặt đường, đoạn Km222+930, quốc lộ 55, tỉnh Lâm Đồng”, với giá mời thầu là 6.656.365.000 đồng, giá trúng thầu của doanh nghiệp xây dựng 15A là 6.621.055.719 đồng.

Một gói thầu hơn 6,6 tỷ đồng chỉ tiết kiệm khoảng 35 triệu đồng với hợp đồng trọn gói và thời gian thực hiện 120 ngày theo Quyết định số 326/QĐ-SGTVT ngày 24/6/2020, do ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng ký.

Hai ngày trước đó, cũng tại gói thầu xây lắp, công trình “Sửa chữa nền, mặt đường, thảm bê thông nhựa, sửa chữa hệ thống thoát nước đoạn Km227-Km229+140, quốc lộ 55, tỉnh Lâm Đồng” có giá mời thầu là 6.369.500.000 đồng, doanh nghiệp 15 A cũng đã trúng với giá 6.336.199.015 đồng, tiết kiệm vỏn vẹn khoảng 33 triệu đồng. (Quyết định số 311/QĐ-SGTVT ngày 22/6/2020, ông Hoàng Anh Tuấn ký, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng ký).

Năm 2019, Công ty TNHH Tư vấn và đầu tư xây dựng 15 A cũng trúng nhiều gói thầu tại Sở CTVT tỉnh Lâm Đồng. Cụ thể, tại gói thầu xây lắp, công trình “Sửa chữa cục bộ nền, mặt đường km205+140 – km228, quốc 55, tỉnh Lâm Đồng”, có giá gói thầu là 2.465.779.668 đồng, giá trúng thầu 2.413.496.097 đồng. (Quyết định số 399/QĐ-SGTVT ngày 17/7/2019).

sai phạm Đầu tư công tại Sở GTVT Lâm Đồng02Doanh nghiệp "quen" luôn được Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng "ưu ái"

Ngoài doanh nghiệp 15A như đã nói ở trên, tại các công trình, dự án do Sở GTVT Lâm Đồng làm chủ đầu tư còn xuất hiện một doanh nghiệp quen khác đó là Công ty CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Lâm Đồng.

Cụ thể, tại gói thầu xây lắp, công trình “ Sửa chữa hư hỏng nền, mặt đường đoạm Km165+560-Km167+660, quốc lộ 27, tỉnh Lâm Đồng”, doanh nghiệp này đã trúng thầu với giá 7.691.997.114 đồng, trong khi giá gói thầu  là 7.711.007.000 đồng, tiết kiệm cho ngân sách qua đấu thầu khoảng 20 triệu đồng. (Quyết định số 313/QĐ-SGTVT ngày 22/6/2020, do ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng ký).

Năm 2019, tại cũng tại gói thầu xây lắp, công trình  “Sửa chữa cục bộ nền, mặt đường, tảm bê tông nhựa, sửa chữa hệ thống thoát nước đoạn Km86+100-KM92+100, quốc lộ 27, tỉnh Lâm Đồng” có giá mời thầu là 16.337.732.000 đồng, Công ty  CP Quản lý và Xây dựng đường bộ Lâm Đồng đã trúng thầu với giá là 16.320.835.894 đồng, tiết kiệm nhỏ giọt khoảng 17 triệu đồng. (Quyết định số 682/QĐ-SGTVT ngày 30/10/2019, do ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GTVT tỉnh Lâm Đồng  ký).

Vừa qua, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra nhiều vấn đề trong công tác đầu tư từ vốn ngân sách nhà nước của tỉnh Lâm Đồng. Báo cáo của Sở KH-ĐT cho thấy, tỷ lệ giảm giá bình quân qua đấu thầu toàn tỉnh là 4,82%. Thế nhưng, Thanh tra Chính phủ xác minh thấy tỷ lệ giảm giá sau đấu thầu là rất thấp. Chẳng hạn, Sở Giao thông vận tải giảm giá bình quân chỉ đạt 0,351% đối với vốn tập trung và 0,27% đối với nguồn vốn duy tu...

Đánh giá chung công tác đấu thầu, Thanh tra Chính phủ nhận định việc tổ chức đấu thầu có hiện tượng không minh bạch giữa các nhà thầu, trong đó phổ biến là 3 nhà thầu mua hồ sơ dự thầu, sau đó 2 nhà thầu làm hồ sơ dự thầu sơ sài nên bị loại ở bước sơ bộ hoặc bước đánh giá điều kiện năng lực. Việc này nhằm tạo điều kiện cho một nhà thầu vào bước 2 và sẽ trúng thầu với giá trúng thầu sát giá gói thầu được duyệt.

 

(Còn nữa).

Nhóm PV
Theo Báo Gia đình Việt Nam