Thứ tư, 24/04/2024 | 12:58
RSS

Nhật thực sẽ có tại Việt Nam vào chiều nay (21/6)

Chủ nhật, 21/06/2020, 08:46 (GMT+7)

Đây là lần nhật thực có dạng hình khuyên. Tuy vậy tại Việt Nam chỉ có thể chứng kiến hiện tượng nhật thực một phần.

Nhật thực sẽ có tại Việt Nam vào chiều nay (21/6)
Đây là lần nhật thực có dạng hình khuyên. Tuy vậy tại Việt Nam chỉ có thể chứng kiến hiện tượng nhật thực một phần. 

Theo dự kiến, hiện tượng nhật thực một phần tại Việt Nam sẽ bắt đầu vào khoảng 13h chiều chủ nhật 21/6, tính từ thời điểm Mặt Trăng bắt đầu che lấp Mặt Trời và kéo dài liên tục trong vòng 3 giờ đồng hồ.

Theo báo Zing, tại khu vực Hà Nội, tỉ lệ che lấp của Mặt Trăng có thể lên tới 71%, được đánh giá là lớn nhất trong vòng 50 năm tới, 56% tại khu vực Đà Nẵng và 36% tại khu vực TP Hồ Chí Minh.

Lần nhật thực diễn ra vào ngày 21/6 của năm nay có dạng nhật thực hình khuyên. Hiện tượng này có thể quan sát tại các quốc gia gồm Cộng hòa Trung phi, Ethiopia, phía nam Pakistan, phía bắc Ấn Độ và một phần Trung Quốc  

Nhật thực sẽ có tại Việt Nam vào chiều nay (21/6)
Tuy không có dịp chiêm ngưỡng “vòng khuyên lửa”, người dân ba miền sẽ vẫn có thể quan sát nhật thực một phần. Ảnh: Time and date.

Trong quá trình quan sát sự kiện nhật thực lần này, bạn cần lưu ý và sử dụng một số biện pháp bảo vệ an toàn khi quan sát Mặt Trời để tránh các bức xạ gây tổn thương cho mắt.

Nếu muốn ngắm nhìn trực tiếp một cách an toàn, bạn cần sử dụng các loại kính có bộ lọc bức xạ, kính thiên văn hay kính chuyên dùng để quan sát nhật thực. Đặc biệt, bạn không nên sử dụng các loại kính râm để quan sát do nguy cơ mắt bị bỏng do bức xạ Mặt Trời là rất cao.

Ngoài ra, những fan hâm mộ các hiện tượng thiên văn như nhật thực nhưng không có điều kiện quan sát có thể truy cập vào website của Dự án Kính viễn vọng Ảo (www.virtualtelescope.eu/) để xem phát sóng trực tiếp sự kiện lần này.

Nhật thực là hiện tượng xảy ra khi Mặt Trời, Mặt Trăng, Trái Đất thẳng hàng và Mặt Trăng nằm ở vị trí đứng giữa 2 thiên thể còn lại. Lúc này, do Mặt Trăng đã che khuất đi Mặt Trời nên ở một số vị trí trên Trái Đất, người ta sẽ thấy một phần hoặc toàn bộ Mặt Trời bị tối đen lại. 

Tùy thuộc vào tỷ lệ Mặt Trời bị che khuất mà người ta chia ra thành các dạng nhật thực. Trong đó, 2 dạng cơ bản nhất là nhật thực toàn phần (Mặt Trời bị che khuất toàn bộ) và nhật thực một phần (Mặt Trời bị che khuất một phần). 

Bên cạnh đó, còn có một dạng thứ 3 hiếm gặp hơn là nhật thực hình khuyên. Đó là khi toàn bộ Mặt Trăng đi vào vùng đĩa sáng của Mặt Trời nhưng do sai lệch về khoảng cách nên nó không thể che hết toàn bộ. Phần đĩa sáng của Mặt Trời không bị che khuất sẽ có dạng một vòng tròn ánh sáng bao xung quanh Mặt Trăng. Đây được gọi là hiện tượng nhật thực hình khuyên. 

Do là một hiện tượng thiên nhiên hiếm gặp, thường chỉ có một khu vực nhỏ của thế giới có thể quan sát được nhật thực. Nếu khu vực diễn ra nhật thực rơi vào vùng cực hoặc đại dương, thậm chí sẽ gần như không có ai có thể quan sát hiện tượng này. 

Kim Hảo (t/h)
Theo Đời sống Plus/GĐVN