Thứ sáu, 22/11/2024 | 17:58
RSS

Nhà thơ có 16 “vợ” nhưng cuối đời vẫn cô độc: Thích sự tự do và lập bát hương thờ chính mình

Chủ nhật, 06/08/2017, 11:40 (GMT+7)

Mặc dù có 16 "vợ" nhưng nhà thơ Nguyễn Đăng Hành cuối đời vẫn lẻ bóng một mình. Biện minh cho điều này ông nói rằng, mình thích tự do và cô đơn.

LTS: Sở dĩ Nguyễn Đăng Hành được nhiều người biết đến bởi ông là một nhà thơ, thợ mộc, thợ đóng gạch có tất cả 16 người "vợ" và vô số con cháu. Tuy nhiên, đó chỉ là mặt bề nổi còn thực tế lại ít người biết được góc khuất của “hồn thơ” đa tình này là một đời cô đơn, bất hạnh.

Với “hồn thơ” cô đơn là gia vị của cuộc đời

Như Đời Sống Plus đã thông tin, nhà thơ gần 70 tuổi ở làng Khoan Tế (Gia Lâm, Hà Nội), Nguyễn Đăng Hành có tất thảy 16 người “vợ”, 24 người “con” và vô số “cháu chắt”. Tuy nhiên, đến cuối đời người đàn ông nhiều “vợ” này vẫn phải sống trong cảnh cô đơn cùng cực.

Cứ ngỡ người đàn ông đa tình bậc nhất ấy sẽ không bao giờ hối hận với những việc làm của mình, cho đến khi có những giây phút trải lòng về các cuộc tình cùng PV. Ông đã nhận ra những sai lầm mà đến giờ ông đang phải trả giá.

Nhà thơ 16 vợ vẫn cô đơn 1

Nhà thơ 16 "vợ" vẫn cô đơn khi về già. Ảnh C.N

Tuy luôn tự nhận mình có 16 “vợ” và vô số “con cháu” nhưng trên thực tế, căn nhà ông đang ở không có bóng dáng một người đàn bà nào cả. Điều này hoàn toàn trái ngược lại với những gì ông nói.

Một căn nhà thiếu vắng bàn tay của người phụ nữ nên nó vô cùng luộm thuộm và hôi hám. Lý giải về điều này ông Hành tự nhận mình là người kỳ dị nhất: “Tớ thích như này, tớ thích sự luộm thuộm, đồ đạc mỗi thứ một nơi như vậy, nó hay, nó thi vị lắm chứ! Thế giới này là của riêng tớ, bởi vậy tớ tha hồ sáng tác thơ ca”.

Nhà thơ nhiều vợ ở Gia Lâm 2

Nhà thơ 16 vợ vẫn cô đơn ở Gia Lâm khoe các bình rượu thuốc với PV. Ảnh C.N

Ông bảo, sau khi cưới một thời gian, khi đã có những người con thì ông lại để các “bà vợ” ra đi và chọn cho mình cuộc sống “độc thân”. Dường như khi quỹ thời gian của cuộc đời càng ngắn lại, “hồn thơ” đa tình lại càng tránh nhắc về chuyện vợ con. Mỗi lần tôi gặng hỏi, ngoài vài ba câu trả lời xã giao, giọng ông lại chùng xuống. Ông chỉ còn biết gói ghém những tâm sự của mình vào thơ ca.

Khi được hỏi về việc có tới 16 “bà vợ” mà đến giờ ông vẫn cô đơn, lúc này, cầm chén trà ông Hành nói: “Tớ như bị hâm, người ta rất sợ cô đơn nhưng tớ lại thích cô đơn, tớ thấy cô đơn cũng là gia vị của cuộc đời, là thiền định để mình suy ngẫm lại”. Ông biện minh cho việc sống một mình là để tập trung viết thơ, viết văn, để suy nghĩ, yêu nghề, yêu đời nhiều hơn.

Xong rồi ông lại nói: “Nhà ai người nấy ở, thi thoảng gặp một hoặc hai người thôi. Mỗi người có một thế giới riêng chứ làm sao ở chung với nhau được. Trâu bò ở với nhau bày đàn được chứ người làm sao ở được. Tốt nhất là họ có thế giới của họ, bầu trời của họ, chúng ta là những người điều khiển từ xa”.

Lập bát hương tự thờ chính mình

Dù “hồn thơ” phong tình bậc nhất này có nguỵ biện thế nào, thì ẩn chứa trong con người ông có lẽ ai cũng thấy sự cô đơn vây quanh. Bên ngoài ông cố tỏ ra vui vẻ, nhưng có lẽ bên trong lại đang gặm nhấm nỗi cô đơn một mình.

Trong lúc vui vẻ trò chuyện tôi gặng hỏi, ông có nghĩ sẽ về ở cùng các “bà vợ” lúc tuổi già nhất không? Ông vẫn một mực bảo: “Chẳng bao giờ tớ nghĩ sẽ về ở với các bà, con cái đứa nào có điều kiện thi thoảng về thăm tớ là vui rồi. Còn tất nhiên sau này già quá, không đi được phải có con cái chăm sóc. Tớ sẽ đón 1 thằng về đây ở với tớ, thiếu thốn sẽ nhờ nó, nhà tớ đang tu sửa lại kia rồi”, nói xong ông chỉ sang ngôi nhà có nhiều thợ đang làm.

Nhà thơ 16 vợ vẫn cô đơn 3

Ông Hành lập bát hương tự thờ chính bản thân mình. Ảnh C.N

Xoay quanh câu chuyện cưới vợ của ông Hành, có rất nhiều điều khiến mọi người băn khoăn suy nghĩ. Ông cho những bà vợ của mình một chỗ dựa, một người chồng nhưng ông lại muốn cuộc sống tự do, không bị trói buộc. Khi làm những việc này liệu ông có nghĩ cho các “bà vợ” bởi vì họ sẽ cũng cô đơn như ông lúc về già?

Nếu tớ muốn sống một cuộc sống sung túc tớ đã về ở với vợ con, nhiều bà xây nhà cao cửa rộng, đón tớ về sống cùng lúc tuổi già, bảo muốn đi thăm vợ nào cũng được miễn là về đây có người bầu bạn nhưng tớ chả thích. Thi thoảng buồn tớ về thăm một hoặc 2 bà, không thì các bà lại sang thăm tớ, vậy là được rồi”, ông Hành giãi bày.

Nghe ông tâm sự, khoe hết bình rượu nọ, rượi kia, tôi chợt nhìn lên nóc tủ, một bát hương nguội lạnh nằm dưới những bức ảnh A4 được ông dán lên tường. Những bức ảnh đó không ai khác chính là chân dung “hồn thơ” Nguyễn Đăng Hành.

Nhà thơ 16 vợ vẫn cô đơn 4

Ông Nguyễn Đăng Hành sống không theo quy củ nào cả, thíc tự do, thích đơn độc. Ảnh C.N

Nhìn vào những bức ảnh đó, nhiều người có lẽ sẽ nghĩ ông bị điên, bị dở bởi không ai lại đi thờ chính mình khi vẫn còn sống. Lý giải cho sự kỳ lạ này, ông bảo: “Đây là cái cớ để tớ mời khách, mời bạn thơ về nhà uống rượu. Những bức ảnh này là ngày giỗ của tớ… và tớ sẽ làm cơm mời khách đến chơi”.

Đúng là từ trước đến giờ ông chẳng sống theo một quy tắc nào cả, người ta gọi ông là Hành điên, Hành dở cũng có cái lý của họ. Từng sống với rất nhiều “vợ”, có nhiều “con” nhưng khi về già ông vẫn chọn cô đơn trong căn nhà hoang với những bụi chuối rậm rạp trước cửa.

Khi tôi bước chân ra về, nhìn ông cúi đầu, quay bước lại căn nhà rách nát, hoang tàn, mà trong lòng thấy ông vừa đáng trách lại vừa đáng thương. Có lẽ cô đơn chính là cái giá mà ông phải trả cho việc lấy nhiều vợ. Và cuộc đời ông đúng như cái tên của mình vậy, Đăng Hành chính là “giời hành”.

Cao Nguyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN