Thứ sáu, 29/03/2024 | 14:12
RSS

Nguyên tắc 5 giây vàng cần biết để cứu sống người bị đuối nước

Thứ năm, 26/07/2018, 15:10 (GMT+7)

Đa số các trường hợp đuối nước được sơ cứu bằng cách vác lên vai chạy. Nhưng cách này vô tình đánh mất 5 giây vàng để cứu sống bệnh nhân.

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn nhấn mạnh nguyên tắc 5 giây vàng để cứu sống người bị đuối nước
Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn nhấn mạnh nguyên tắc 5 giây vàng để cứu sống người bị đuối nước

Thời gian gần đây xảy ra rất nhiều vụ tai nạn đuối nước thương tâm. Chia sẻ với PV, Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn, Khoa cấp và Cứu chống độc, BV Nhi Trung ương cho biết, trong những vụ tai nạn đuối nước, có những trường hợp đưa đến bệnh viện, nhất là bệnh viện tuyến Trung ương gần như đã muộn, khả năng cứu sống không còn. Một số trường hợp nặng, nếu có cấp cứu được cũng để lại những di chứng thậm chí là rơi vào tình trạng sống thực vật. 

Bác sĩ Phạm Ngọc Toàn cũng chỉ ra những quan niệm sai lầm trong sơ cứu người bị đuối nước. Trong đó hầu hết mọi người thường cấp cứu bằng cách vác bệnh nhân lên vai chạy hoặc dốc ngược lên. 

"Trên thực tế, khi bệnh nhân ngã xuống nước, bao giờ cơ chế của cơ thể người sẽ tự bảo vệ, đường thở sẽ đóng lại để tránh không cho nước vào. Nhưng khi người đuối nước ngập lâu trong nước, đường thở lại mở ra, dị vật hoặc nước sẽ đi vào đường thở. Đa số mọi người nghĩ dốc ngược bệnh nhân lên hoặc vác trên vai chạy sẽ làm nước ra, nhưng vấn đề quan trọng chính là khi bệnh nhân chìm lâu dưới nước, nước vào đường thở cộng thêm thiếu ôxi dẫn đến bệnh nhân suy hô hấp, ngừng thở. Điều quan trọng nhất trong trường hợp này là các bước cấp cứu cơ bản"- BS Phạm Ngọc Toàn nói.


Bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương hướng dẫn cách sơ cứu người bị đuối nước.

Bác sĩ Toàn cũng chia sẻ về nguyên tắc 5 giây vàng cần biết để cứu sống người bị đuối nước. Đó là:

- Khi vớt người bị nạn lên, người cứu sẽ tiến hành đánh giá bệnh nhân, gọi hỏi xem bệnh nhân có đáp ứng hay không, nếu họ trả lời được sẽ đưa bệnh nhân trở về tư thế hồi phục. Nếu gọi hỏi mà bệnh nhân không đáp ứng thì cần gọi người hỗ trợ, không được cấp cứu một mình. 

- Tiến hành mở thông đường thở, kiểm tra xem bệnh nhân còn thở hay không bằng cách nhìn, nghe và cảm nhận. Trường hợp bệnh nhân không thở, không di động cần tiến hành cung cấp hỗ trợ nhịp thở cho bệnh nhân bằng cách hà hơi thổi ngạt.

- Kiểm tra mạch của người bị nạn còn đập hay không. Đối với người lớn sẽ kiểm tra mạch ở vị trí dưới cằm, còn trẻ nhỏ sẽ kiểm tra mạch ở cánh tay để dễ đánh giá. Bắt mạch 10 giây nếu không thấy mạch sẽ tiến hành ép tim ngoài lồng ngực.

- Khi cấp cứu người đuối nước cần tối đa 2 người, 1 người hà hơi thổi ngạt, 1 người ép tim tại vị trí ½ xương ức. Khi ép, cánh tay đặt thẳng lên cầu ngực của bệnh nhân và ép với tỷ lệ 15 lần ép tim và 2 lần thổi ngạt. Sau khoảng 1 phút sẽ tiến hành đánh giá lại bệnh nhân đã thở chưa. Muốn ép tim tốt phải duy trì tần suất 100 lần/phút, ép sâu, nhanh và mạnh. Sau khi sơ cứu xong mới đưa đi bệnh viện hoặc gọi cứu hộ. 

Ngoài ra, nguyên tắc khi xử trí cấp cứu là không được phép biến mình trở thành nạn nhân thứ 2. Khi bệnh nhân đuối nước, nếu người cứu không có kiến thức và kĩ năng, không biết cách làm thì cũng không nên làm. Nếu không biết bơi mà nhảy xuống cứu bệnh nhân thì sẽ vô tình làm nguy hiểm đến tính mạng bản thân những người cấp cứu. 

Xem thêm: Cứu 3 mẹ con đuối nước nam sinh bỏ mạng ở Thanh Hóa: Nghe tin bố mẹ Hải ngất lịm

Hà Xuyên
Theo Đời sống Plus/GĐVN