Thứ sáu, 26/04/2024 | 17:12
RSS

Nguyên nhân vụ 5 bệnh nhân đã tử vong vẫn đi khám bệnh

Thứ tư, 23/12/2020, 11:20 (GMT+7)

UBND tỉnh Bình Dương đã nhận được báo cáo, giải trình từ Sở Y tế về nguyên nhân vụ 5 bệnh nhân đã tử vong vẫn đi khám bệnh.

Sự kiện:
Bình Dương

Ảnh minh họa

Thông tin trên Tiền Phong, UBND tỉnh Bình Dương đã nhận được báo cáo, giải trình từ Sở Y tế về nguyên nhân dẫn đến phát sinh chi phí khám, chữa bệnh sau khi tử vong. 

Theo đó, trường hợp 1 tại Trung tâm y tế huyện Phú Giáo bệnh nhân đến cấp cứu do tai nạn giao thông ngày 25/8/2020, người nhà không đồng ý chuyển tuyến trên, kíp trực sử dụng thuốc từ tủ cấp cứu cho bệnh nhân. Sau đó, bác sĩ trực đăng nhập máy để điều chỉnh bệnh án ngoại trú và bổ sung số thuốc cấp cứu cho bệnh nhân nhưng do lỗi hệ thống nên không đăng nhập được. 

Vì có việc đột xuất nên hôm sau bác sĩ quên không đăng nhập để điều chỉnh bổ sung. Đến ngày 28/8/2020, bác sĩ Phòng nhận trực thì được ca trực báo là thiếu thuốc trong tủ trực. Bác sĩ Phòng mới nhớ là hôm trước chưa đăng nhập máy để bổ sung nên đã kê thuốc điều trị ngoại trú để bù thuốc vào tủ trực đã mượn hôm trước. Trung tâm y tế huyện Phú Giáo đã kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với bác sĩ Phòng.

Trường hợp thứ 2, bệnh nhân đến cấp cứu ngày 17/4/2019 trong tình trạng ngưng tim, ngưng thở. Sau 20 phút cấp cứu, người nhà bệnh nhân xin cho về. Khi đưa người bệnh đến, người nhà quên mang giấy bảo hiểm y tế. Bệnh viện Đa khoa Hoàn Hảo đã nhắc người nhà về mang đến để bổ sung nhưng do bệnh nhân mất khi về nhà, tang gia bối rối đến ngày 18/4/2019 người nhà mới mang thẻ bảo hiểm đến để bổ sung.

Trường hợp thứ 3, người nhả bệnh nhân đến Bệnh viện Đa khoa Năm Anh nhận thuốc điều trị cao huyết áp cho bệnh nhân (do cách ly toàn xã hội nên bệnh nhân không đến khám được). Tuy nhiên, số thuốc lấy về được sử dụng cho vợ bệnh nhân (vì bệnh nhân đã mất) do vợ bệnh nhân cũng bị tăng huyết áp và sử dụng thuốc điều trị giống chồng mình. Phía gia đình lại không thông báo với bệnh viện là bệnh nhân đã mất vì vậy bệnh viện đã xảy ra tình trạng phát sinh chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế sau khi bệnh nhân đã tử vong.

Trường hợp thứ 4, con của người đã chết sử dụng thể bảo hiểm y tế của cha minh đi khám bệnh tại trạm y tế phường Tân Đông Hiệp, TP Dĩ An. Bảo hiểm xã hội Bình Dương đã thống nhất với trạm y tế Tân Đông Hiệp giảm trừ chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trường hợp này.

Với trường hợp thứ 5, ở trung tâm y tế Bình An (TP Dĩ An) do thay đổi phần mềm khám chữa bệnh mới (từ VNPT sang Viettel) nhân viên chưa thành thạo, trong khi người bệnh được khám và người đã mất có nhiều thông tin giống nhau. Trường hợp này nhân viên y tế khẳng định là khám cho người còn sống, không phải người đã chết. Tổng số tiền phát sinh chi phí khám chữa bệnh BHYT của 5 trường hợp này là gần 1,4 triệu đồng.

Trước đó như Lao Động đưa tin, qua kiểm tra dữ liệu báo cáo từ phòng nghiệp vụ bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Bảo hiểm xã hội tỉnh Bình Dương ghi nhận có 5 trường hợp xác định là đã tử vong. Tuy nhiên sau ngày tử vong, 5 trường hợp này vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại các cơ sở liên quan trên.

Sau đó, cơ quan Bảo hiểm xã hội Bình Dương đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh kiểm tra quy trình tiếp nhận và xác định rõ nguyên nhân vì sao đối tượng đã xác nhận tử vong nhưng sau đó vẫn phát sinh chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, xử lý các cá nhân liên quan đến quy trình tiếp nhận và điều trị bệnh để dẫn đến các sai sót phát sinh chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế sau ngày tử vong. 

Thiên Thanh (T/H)
Theo Đời sống Plus/GĐVN