Chủ nhật, 19/01/2025 | 06:06
RSS

Nguyên nhân nào dẫn đến vô sinh nữ?

Thứ ba, 14/02/2023, 17:42 (GMT+7)

Làm mẹ là thiên chức của phụ nữ, cũng là niềm mong mỏi của mỗi người, mỗi gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng có thể dễ dàng có được niềm hạnh phúc này, rất nhiều người vì mắc một hoặc một số bệnh lý mà không thể hoặc khó khăn trong việc có con. Việc biết được các bệnh lý sinh sản gây ảnh hưởng đến khả năng thụ tha

1. Các bệnh lý liên quan đến cấu trúc hệ sinh dục

Cơ quan sinh dục nữ gồm nhiều bộ phận có liên kết với nhau và trực tiếp làm nhiệm vụ “thụ thai”. Nếu cấu trúc cũng như hoạt động của các cơ quan này hoạt động bình thường thì chị em có thể thuận lợi mang thai.

Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến vô sinh như một vài bệnh lý như bất sản âm đạo, âm đạo có vách ngăn, bít lỗ cổ tử cung, màng trinh bít… khiến cho chị em không thể có kinh nguyệt dẫn đến giao hợp khó khăn hoặc không thể giao hợp đều khiến quá trình thụ thai bị ảnh hưởng.

cac-benh-ly-lien-quan-den-cau-chuc-sinh-duc

2. Các bệnh lý về buồng trứng

  • Bệnh đa nang buồng trứng: buồng trứng xuất hiện các nang có kích thước < 10 mm với số lượng từ 6-10 nang. Nguyên nhân là có sự gia tăng bất thường về nồng độ Testosterone và LH khiến cho quá trình phát triển nang noãn bị gián đoạn, trứng không thể trưởng thành và rụng trứng nên không thể thụ thai.
  • Buồng trứng áp xe: hai buồng trứng bị viêm nhiễm, tạo thành các mủ và áp xe, tình trạng này khiến chị em đau bụng dữ dội và có thể dẫn đến vô sinh
  • Lạc nội mạc tử cung: tuyến niêm mạc tử cung phát triển bên ngoài lòng tử cung khiến cấu trúc của buồng trứng bị thay đổi dẫn đến khó có thai.
  • Ung thư tử cung, buồng trứng: các khối u ác tính xuất hiện ở buồng trứng, tử cung làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng có thai, thậm chí cả tính mạng.
  • Bệnh suy buồng trứng sớm: Bình thường ở những người trên 40 tuổi, buồng trứng mới bắt đầu lão hóa. Tuy nhiên, một số người bị suy buồng trứng sớm trước độ tuổi này, thậm chí rất sớm gây ảnh hưởng đến khả năng thụ thai.

benh-suy-buong-trung-gay-vo-sinh-o-nu

3. Bệnh lý ống dẫn trứng

Ống dẫn trứng làm nhiệm vụ đưa trứng chín đến lòng tử cung, nếu ống dẫn trứng bị tắc nghẽn, ứ dịch, viêm dính vùng chậu do các viêm nhiễm tử cung, âm đạo hay vùng chậu gây ra thì đều gây cản trở quá trình thụ thai.

4. Bệnh lý tử cung

  • Viêm nội mạc tử cung: Buồng tử cung bị viêm nhiễm do một số thủ thuật can thiệp nhưng không được vô trùng như nạo thai, đặt vòng tránh thai, lấy vòng, nạo sinh thiết, sót nhau thai, ứ dịch sau mổ lấy thai… Viêm nội mạc tử cung nếu không được điều trị đúng và kịp thời có thể gây ra các biến chứng như nhiễm khuẩn huyết, dính tử cung, viêm phần phụ gây tắc dính vòi trứng khiến cho tinh trùng không gặp được trứng hoặc trứng đã thụ tinh không về được tử cung để làm tổ hoặc tử cung không đủ các điều kiện cho trứng làm tổ.
  • Dính buồng tử cung: thành tử cung trước và sau bị dính với nhau do lớp đáy nội mạc tử cung bị tổn thương. Khi đó nội mạc tử cung không thể tái tạo lại bình thường khiến trứng sau khi được thụ tinh không thể làm tổ được.

dinh-buong-tu-cung-gay-vo-sinh-o-nu

  • Bệnh polip nội mạc tử cung: các tuyến và mô đệm nội mạc tử cung phát triển quá mức dẫn đến hình thành các polip có kích thước từ vai mm đến vài cm, gây hiếm muộn ở nữ giới. Nếu kích thước polip càng lớn, số lượng càng nhiều càng khiến quá trình thụ thai khó khăn hơn.
  • Ung thư nội mạc tử cung: chủ yếu xảy ra ở nữ giới trên 50 tuổi nhưng cũng có khi xuất hiện ở người trẻ.
  • U xơ tử cung: loại u thường thấy nhất ở tử cung hình thành từ cơ trơn tử cung. Đây là loại u lành tính, nếu có kích thước lớn hoặc hình thành ở dưới lớp niêm mạc hoặc gần ống dẫn trứng sẽ gây khó khăn cho quá trình thụ thai.
  • Lạc nội mạc tử cung trong cơ tử cung: đây là một bệnh lý lành tính, chiếm tỉ lệ 5-10% ở phụ nữ 35-50 tuổi gây cản trở khả năng thụ thai và phát triển thai nhi.
  • Bệnh Sarcoma tử cung: chiếm 1-3% các trường hợp ung thư tử cung, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh sản.

Các bệnh lý gây vô sinh, hiếm muộn ở phụ nữ có thể được biểu hiện bằng một số triệu chứng như đau bụng dữ dội trong mỗi kỳ kinh nguyệt, rối loạn kinh nguyệt như kinh đến sớm/trễ, rong kinh, mất kinh, không có kinh nguyệt mặc dù đã đến tuổi dậy thì…

Ngoài ra còn một số dấu hiệu âm thầm khác mà chúng ta khó nhận biết. Vì vậy, chị em cần định kỳ thăm khám sức khỏe ở các cơ sở y tế uy tín để phát hiện kịp thời các bệnh lý của hệ sinh sản và có phương pháp điều trị thích hợp.

thông tin tư vấn

 

DS. Hà Oanh
Theo Giáo dục & Cuộc sống/Giáo dục & Thời đại