Thứ năm, 19/09/2024 | 15:27
RSS

Người thầy 25 năm gắn bó sẻ chia khó khăn với học trò vùng cao

Thứ tư, 16/11/2022, 06:41 (GMT+7)

Bằng tình yêu thương, trách nhiệm thầy giáo Nguyễn Đức Thiều luôn hết lòng gắn bó, sẻ chia khó khăn với học trò vùng cao.

Người thầy 25 năm gắn bó sẻ chia khó khăn với học trò vùng cao

Thầy Nguyễn Đức Thiều đã có 25 năm gắn bó sẻ chia với học trò vùng cao.

25 năm gắn bó với học trò vùng cao

Sinh ra và lớn lên ở một vùng quê nghèo khó của tỉnh Hà Giang, sau khi tốt nghiệp lớp trung cấp sư phạm 9+3, năm 1997, thầy giáo người dân tộc Tày Nguyễn Đức Thiều (SN: 1974) được phân công giảng dạy tại trường tiểu học Sà Phìn, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Nơi thầy Thiều được phân công đến dạy học có đặc thù địa bàn xã vùng cao, trình độ dân trí, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, tỷ lệ trẻ học sinh đến trường còn thấp. Xuất phát từ tình yêu nghề, mến trẻ, thương những đứa trẻ vùng cao vốn chịu nhiều thiệt thòi, tháng 8 năm 2008 thầy giáo Nguyễn Đức Thiều đã tình nguyện lên cắm bản, dạy học tại bản điểm trường Tả Lủng thuộc trường PTDTBT TH&THCS Tả Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Điểm trường Tả Lủng cách trung tâm xã 6km gồm 3 lớp với tổng số học sinh là 56 em, trong đó 100% là người dân tộc Mông. Đây được biết đến là địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, giao thông đi lại còn nhiều hạn chế, trên 90% các hộ dân nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo, sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Đường dẫn vào điểm trường là những con dốc hun hút, gấp khúc, xuyên qua cánh rừng rậm với một bên là núi đá cao chót vót, một bên còn lại là vực sâu thẳm. Nếu ngày thường, việc đi lại, di chuyển đã rất khó khăn thì những ngày mùa đông mưa rét, sương giá, khó khăn nhân lên gấp nhiều lần.

Người thầy 25 năm gắn bó sẻ chia khó khăn với học trò vùng cao

Thầy giáo Nguyễn Đức Thiều, trường PTDTBT TH&THCS Tả Lủng, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Ngoài những khó khăn về giao thông, cơ sở vật chất, học sinh những ngày đầu khi thầy Thiều mới về nhận công tác tại điểm trường Tả Lủng đều chưa biết tiếng phổ thông, thầy cô vừa phải học tiếng Mông vừa phải dạy tiếng phổ thông rồi mới dạy chữ.

Thầy Thiều đã cùng với chính quyền địa phương và các già làng, trưởng bản trèo đèo, lội suối, vượt qua những khó khăn đến từng nhà dân tuyên truyền, vận động đồng bào đưa con em đến lớp học tập. Chính sự kiên trì và bằng tình cảm chân thành, sự gần gũi, sâu sát của thầy, bà con dân bản dần dần hiểu, đồng tình, ủng hộ và yên tâm gửi gắm các con cho thầy Thiều dạy dỗ.

Điểm trường Tả Lủng được xem là nhà, là quê hương thứ hai

Theo thầy giáo Nguyễn Đức Thiều, ngoài những kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ thì điều quan trọng mà một giáo viên dạy học ở vùng sâu, vùng xa, miền núi cần có đó là sức khỏe tốt, tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, kiên trì… Bởi học sinh tiểu học các em ở trong độ tuổi còn nhỏ, hiếu động, tinh nghịch, học sinh vùng cao lại càng khó khăn hơn do nhận thức của các em còn nhiều hạn chế, điều kiện thiếu thốn nên phải thật sự thấu hiểu được tâm tư, nguyện vọng của các em, cho các em thấy được những giá trị, lợi ích của việc học tập thì mới thu hút được nhiều học sinh.

Hơn 25 năm công tác ở vùng sâu, vùng xa thấu hiểu sự khắc nghiệt, khó khăn của học trò vùng cao, thầy Thiều lại càng muốn gắn bó để chia sẻ để giúp đỡ học sinh và bà con nơi đây, cũng chừng ấy năm thầy Thiều đã góp sức vực dậy phong trào học tập và nâng cao chất lượng giáo dục ở xã miền núi tỉnh Hà Giang.

Người thầy 25 năm gắn bó sẻ chia khó khăn với học trò vùng cao

Thầy giáo Nguyễn Đức Thiều (đứng thứ hai từ phải sang) cùng tập thể giáo viên nhà trường.

Điểm trường Tả Lủng được thầy Thiều xem là nhà, là quê hương thứ hai, đồng bào nơi đây và những trẻ em nơi miền núi xa xôi này là người thân, ruột thịt của thầy giáo Thiều. Từ sự chăm sóc, dạy dỗ tận tình, chu đáo của thầy giáo Thiều những đứa trẻ nơi đây đã biết được con chữ, con số, biết múa hát và tự vệ sinh cá nhân sạch sẽ. Sự tự tin và tiến bộ của lớp lớp học trò chính là động lực lớn lao nhất để thầy tiếp tục nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Thầy giáo Lương Mạnh Tuấn - Hiệu trưởng trường PTDTBT TH&THCS Tả Lủng cho biết: Thầy Nguyễn Đức Thiều không chỉ là một giáo viên luôn nhiệt huyết, trách nhiệm với công việc mà thầy còn có đóng góp không nhỏ trong sự nghiệp nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó. Đặc biệt thầy Thiều là một trong những nhà giáo tâm huyết, có tư tưởng lập trường vững vàng, sẵn sàng đương đầu với những khó khăn, thử thách, bám trường bám lớp, được nhiều học sinh và nhân dân tin yêu.

Mong rằng, thầy sẽ luôn duy trì được ngọn lửa nhiệt huyết, tình yêu nghề và tiếp tục có nhiều đóng góp, cống hiến cho ngành giáo dục tỉnh Hà Giang nói riêng và sự nghiệp giáo dục trên cả nước nói chung.

Phương Thảo - Âu Hương
Theo Giáo dục & Thời đại