Thứ sáu, 29/03/2024 | 00:49
RSS

Người phụ nữ ngộ độc nặng sau khi ăn cherry, chuyên gia khuyến cáo lưu ý đặc biệt khi ăn rất hay bị bỏ qua

Chủ nhật, 31/01/2021, 15:14 (GMT+7)

Một người phụ nữ đã được gia đình đưa đi cấp cứu khi đi ngoài liên tục 20 lần, phân toàn máu sau khi ăn cherry. Chuyên gia cho rằng, quả cherry rất tốt cho sức khỏe nhưng không phải ăn thế nào cũng tốt và lưu ý đặc biệt khi ăn hay bị bỏ quên này có thể khiến cơ thể gặp nguy hiểm.

Vừa qua, một người phụ nữ ở Trùng Khánh (Trung Quốc) đã phải nhập viện trong tình trạng nguy kịch khi trước đó đi ngoài liên tục 20 lần, phân có máu. Cô đã ngất xỉu trong nhà vệ sinh, may mắn được gia đình đưa đi cấp cứu kịp thời. Sau thăm khám, bác sĩ chẩn đoán do cô ăn quá nhiều quả cherry dẫn đến ngộ độc sắt hoặc xyanua.

Theo chia sẻ, trước đó cô được tặng 2 hộp cherry. Cô đã rửa sạch 2 hộp cherry rồi chất đầy vào hai túi lớn để có thể ăn trên đường về nhà. Vài ngày sau, cô đau quặn bụng, đi vệ sinh thì thấy phân có máu.

Trước đó, người đàn ông Matthew Creme sống tại Lancashire (Anh) cũng đã rơi vào tình trạng thập tử nhất sinh khi ăn 3 quả cherry. Người đàn ông này đã làm vỡ hạt bên trong quả cherry khi ăn. Chỉ sau khoảng 10 phút, anh đã thấy xuất hiện các triệu chứng như đau đầu, cơ thể nóng dần lên, lịm dần. May mắn được đưa đến bệnh viện cấp cứu, anh đã qua khỏi.

Nhiều nghiên cứu khoa học đã chỉ ra quả cherry có nhiều tác dụng với cơ thể. Cherry còn chứa lượng vitamin A gấp 20 lần quả việt quất, dâu tây và còn chứa nhiều beta-carotene rất có lợi với hệ miễn dịch. Loại quả này giàu sắt, khi ăn điều độ rất tốt cho cơ thể vì bổ máu.


Ăn cherry cần cẩn thận tránh nhai vỡ hạt. Ảnh TL

Lương y đa khoa Bùi Đắc Sáng (Viện hàn lâm KH&CN Việt Nam Hội Đông y Hà Nội) cho biết, ngộ độc cherry chỉ xảy ra khi ăn nhai vỡ hạt. Hạt của cherry chứa cyanogenic hoặc cyanide-forming glycosides, khi nhai và cắn vỡ hạt thì các chất này chuyển hóa thành amygdalin. Khi vào hệ tiêu hóa trở thành chất độc gây hại.

Trong Đông y, cherry vẫn được sử dụng như một loại thuốc có tác dụng làm ổn định tim mạch, tiểu đường, giảm viêm khớp, giảm axit uric trong máu giúp bệnh nhân bị gout giảm các cơn đau…

Hạt của quả cherry dù tính độc nhưng vẫn được sử dụng để chữa trị một số bệnh có tác dụng giải độc, thúc sởi mọc, tan nhọt… nhưng chỉ định dùng ngoài. Như dùng chữa mụn nhọt, hạt cherry sẽ được mài với giấm rồi mới bôi. Trường hợp dùng đường uống sẽ được các bác sỹ đông y bào chế rất cẩn thận.

Chuyên gia khuyến cáo thêm, mặc dù quả cherry rất tốt nhưng với một số người khi ăn cũng cần lưu ý. Người tiêu hóa kém ăn vào sẽ dễ gây khó tiêu. Đặc biệt là khi cho trẻ ăn, người lớn cần loại bỏ ngay hạt cherry trước khi cho ăn để tránh trường hợp trẻ cắn vỡ hạt hoặc trẻ nuốt vào bụng. Đã có rất nhiều trường hợp trẻ bị hóc dị vật vì những loại hạt nhỏ, nhất là khi trẻ vừa ăn lại vừa cười đùa.

Tuy vậy, dù tốt đến đâu, ăn quá nhiều loại quả cùng một lúc đều không tốt vì dễ dẫn tới tình trạng mất cân bằng trao đổi chất. Cherry là loại quả có tính nóng, ăn nhiều còn dẫn tới tình trạng đầy hơi và các triệu chứng như buồn nôn, nôn… Để an toàn, lượng dùng tối đa một ngày của mọi người chỉ nên 200g, ăn xong cần uống nhiều nước.

P. Thuận
Theo Giadinh.net