Người nhiễm Covid-19 có thể lây lan qua đường tình dục?. Ảnh minh họa
Theo kết quả vừa được công bố trên tạp chí Fertility and Sterility (tạp chí về vấn đề sinh sản), một nhóm các nhà khoa học quốc tế của Mỹ và Trung Quốc không tìm thấy bằng chứng của Covid-19 trong tinh dịch của 34 người đàn ông Trung Quốc trưởng thành, những người được xác định dương tính với chủng virus chết người một tháng trước đó.
Các tác giả lưu ý rằng, mặc dù những phát hiện của họ được công nhận chỉ dựa trên mẫu xét nghiệm ở qui mô nhỏ, nhưng vẫn có ý nghĩa vì chúng cho thấy virus không có trong tinh hoàn, Tiền phong đưa tin.
Trong một thông cáo báo chí, tiến sĩ James M. Hotaling cho biết: ”Nếu như phát hiện một căn bệnh giống như Covid-19 có thể lây truyền qua đường tình dục, thì điều đó sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc phòng bệnh và điều trị những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe sinh sản trong tương lai của đàn ông.”
Những phát hiện mới này cũng loại Covid-19 khỏi nhóm những bệnh tương tự có thể lây truyền qua đường tình dục như Zika và Ebola.
Tuy nhiên, các nhà nghiên cứu cũng cho biết, những người tham gia vào nghiên cứu hiện tại chỉ là những trường hợp mắc virus corona ở thể từ nhẹ đến trung bình, và có thể (nhưng chưa được chứng minh) những người mắc bệnh ở thể nặng hơn có thể truyền bệnh qua quan hệ tình dục.
Tiến sỹ Hotaling cho biết: “Có thể một người đàn ông mắc Covid-19 ở thể nặng sẽ mang lượng virus cao hơn, dẫn đến khả năng lây nhiễm qua tinh dịch nhiều hơn. Hiện tại, chúng tôi vẫn chưa có câu trả lời chính xác cho trường hợp này, tuy nhiên, việc không phát hiện sự lây lan qua tinh dịch trong số các bệnh nhân đang hồi phục từ các thể bệnh nhẹ đến trung bình cũng đã cho thấy những tín hiệu để an tâm.”
Mặc dù quan hệ tình dục không có khả năng lan truyền virus, nhưng các hành động thân mật khác như hôn chắc chắn sẽ lây bệnh.
Mới đây, các nhà khoa học tại Đại học Princeton (Mỹ) đã phát hiện ra những sai lầm chính về hành vi có thể khiến xã hội khó thoát khỏi cuộc khủng hoảng do đại dịch Covid-19 gây ra, theo Infonet.
Theo đó, nghiên cứu này được báo cáo ngắn gọn trong một thông cáo báo chí đăng trên EurekAlert (Hiệp hội vì Sự tiến bộ Khoa học Mỹ). Chúng bao gồm nỗi sợ vô hình và định kiến, cũng như giãn cách xã hội quá mức và diễn giải sai các số liệu thống kê.
Theo các tác giả, việc nhận thức được những cái bẫy này sẽ giúp chúng ta đối phó hiệu quả với đại dịch Covid-19. Ví dụ, do lo lắng về đại dịch mọi người có thể quên đi thói quen tập thể dục, bỏ bê giấc ngủ và ngừng giao tiếp với mọi người. Việc cách ly và giãn cách xã hội có khả năng làm trầm trọng thêm những rối loạn tâm lý mạn tính.
Ngoài ra, cũng cần diễn giải chính xác các số liệu cập nhật hàng ngày về tình hình dịch bệnh, vì những sai lệch ngẫu nhiên có thể bị nhầm lẫn thành xu hướng lâu dài.
Những số liệu đó không thể hiện đúng bức tranh thực sự về sự lây lan của dịch bệnh, do sự chậm trễ liên quan đến thời gian ủ bệnh và thời gian chờ đợi kết quả xét nghiệm, nhưng cùng với nỗi sợ vu vơ thì chúng lại làm mọi người thêm lo lắng.