Thứ sáu, 22/11/2024 | 01:25
RSS

Người Nhật vẫn bình an dù động đất 7,3 độ richter cùng sóng thần quét qua nhờ đâu?

Thứ ba, 22/11/2016, 12:24 (GMT+7)

Nước Nhật luôn ẩn chứa những điều bất ngờ và người Nhật vẫn luôn làm nên những điều thần kì. Nhìn cách người Nhật chống động đất, ai ai cũng phải nể phục.

Theo hãng tin Kyodo, trận động đất xảy ra vào lúc 5h59 sáng 22/11 theo giờ Nhật Bản cường độ đo được ở khu vực Fukushima là 7,3 độ richter. Sau đó, cảnh báo sóng thần từ 1-3m đã được các cơ quan chức năng Nhật Bản đưa ra. 

Trong khi đó, Cơ quan Địa chất Mỹ ban đầu báo cáo trận động đất ở Nhật có cường độ 7,3 nhưng sau đó hạ xuống còn 6,9 độ richter. Tâm chấn được cho là nằm ngoài bờ biển khu vực Fukushima có độ sâu khoảng 10 km.

Hiện chưa có sự cố nào tại các nhà máy điện hạt nhân ở Fukushima và các khu vực khác thuộc Đông Bắc của Nhật Bản. Cũng chưa có báo cáo nào về thương vong xảy ra.

Việc động đất xảy ra ở Nhật Bản quen thuộc tới mức bất cứ người dân Nhật nào cũng biết cách tự bảo vệ mình khỏi động đất nên thương vong luôn được giảm xuống mức thấp nhất.

Thủ đô Tokyo là thành phố lớn thứ 2 thế giới có nguy cơ đối mặt với thảm họa tự nhiên. Do đó, chính phủ Nhật Bản luôn đặt ra những yêu cầu nghiêm ngặt để đảm bảo an toàn cho các tòa nhà cao tầng.

Trẻ em Nhật Bản được dạy cách đối phó động đất thường xuyên

Người Nhật luôn có cách đúng đắn để đối phó với động đất. Ảnh: Internet

87% tòa nhà ở Tokyo được xây dựng theo chuẩn đặc biệt để thích nghi với động đất. Những căn nhà này được xây dựng với nền móng có cao su chứa chất lỏng đặc biệt để có thể hấp thụ lực khi chịu tác động từ những cơn địa chấn.

Ở ngoại ô Tokyo, bên dưới sân bóng đá và công viên trượt băng có hệ thống xả nước ngầm dài 6,5 km, có 5 tầng để “bắt” nước lũ từ sóng thần và bão, sau đó xả an toàn ra sông Edo. Theo CNN, hệ thống này tiêu tốn 3 tỷ USD và 13 năm xây dựng. Nhưng đổi lại, công trình này đem lại sự an toàn cho những người dân nơi đây trước những nguy cơ từ thiên nhiên.
 
Với các công trình giao thông Nhật Bản cũng đầu tư các giải pháp chống động đất cho đường sắt, đặc biệt là đường tàu điện ngầm và tàu cao tốc - niềm tự hào của người Nhật. Điển hình như trận động đất lịch sử năm 2011 với cường độ 9 độ Richter. Khi đó, Nhật Bản có 27 tàu cao tốc đang hoạt động.

Nhờ mạng lưới khổng lồ các cảm biến dự báo động đất khắp cả nước, tất cả tàu cao tốc đều được dừng lại khẩn cấp trước khi thảm họa xảy ra. Do đó, không có ai thiệt mạng hay bị thương khi đi tàu điện ngầm, hay tàu cao tốc sau trận động đất năm đó.
 
Để thoát khỏi thảm họa động đất một cách an toàn như vậy, Nhật Bản đã đầu tư 1 tỷ USD cho các hệ thống cảnh báo động đất trên khắp đất nước. Hiện tại, Chính phủ Nhật Bản đang nỗ lực tìm kiếm và thử nghiệm những biện pháp mới, nâng cấp độ an toàn cho các công trình cũ để có thể thích nghi tốt hơn với động đất

Chính phủ Nhật đầu tư rất lớn vào hệ thống giám sát động đất, trong đó đầu não là Cơ quan cảnh báo sóng thần ra đời năm 1952 do Cục khí tượng Nhật Bản điều hành. Cơ quan này theo dõi hoạt động từ 6 trung tâm khu vực, đánh giá thông tin do các trạm đo động đất đặt cả trên bờ và ngoài khơi, được gọi chung là Hệ thống quan sát sóng thần và động đất, cung cấp.

Với hệ thống trên, Cục khí tượng Nhật có thể gửi đi cảnh báo sóng thần trong vòng 3 phút kể từ khi động đất bắt đầu. Khi xảy ra địa chấn, số liệu liên quan đến mức độ và vị trí cũng lập tức được phát trên truyền hình quốc gia Nhật NHK. Đi kèm đó là các thông điệp bổ sung về việc có cảnh báo sóng thần hay không và nếu có thì ở khu vực cụ thể nào.

Trẻ em Nhật Bản được dạy cách đối phó động đất thường xuyên

Trẻ em Nhật Bản được dạy cách đối phó động đất thường xuyên. Ảnh: Internet

Ngoài ra, tại hầu hết các thị trấn và thành phố của Nhật đều có hệ thống loa phát thanh, có thể phát đi nhanh chóng các thông tin khẩn cấp tới người dân. Tại một số vùng nông thôn, chính quyền địa phương còn phát cho người dân những chiếc radio để họ có thể được hướng dẫn sơ tán trong trường hợp khẩn cấp.

Trong suốt thời gian theo học ở trường, trẻ em Nhật còn thường xuyên diễn tập ứng phó với động đất như chui xuống gầm bàn. Tất cả những người trưởng thành thì đều được thông báo vị trí trung tâm sơ tán gần nhất đối với họ, thường là công viên hay sân vận động.

Tất cả người Nhật Bản đều thuộc cách đối phó khi xảy ra động đất. Ngay từ nhỏ trẻ em Nhật Bản đã thường xuyên tham gia các buổi diễn tập về cách ứng phó với thiên tai. Do đó, tất cả học sinh Nhật đều biết rằng: không được phép hoảng loạn, phải bảo vệ phần đầu và thoát thân một cách có trật tự, tuyệt đối không chen lấn xô đẩy khi xảy ra động đất.

Vì thế, khi xảy ra động đất, người dân Nhật thường bình tĩnh thực hiện các ứng phó theo những kiến thức mà họ đã được trang bị, giúp giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra.
 

Hạnh Chi (T/h)
Theo Đời sống Plus